Lý Hoàng Nam: 'Chuyện xưa' của nhà vô địch Wimbledon

Thứ Bảy, 06/02/2016 06:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn)- Mạnh mẽ trong thi đấu, nhiệt huyết trong tập luyện và khát khao chiến thắng khi ra sân, đó là những gì mà người ta thường thấy ở Lý Hoàng Nam. Những phẩm chất này đang mang lại thành công cho tay vợt gốc Tây Ninh. Thế nhưng, đằng sau những trận đấu, sau những bài giáo án tập luyện thì có một Hoàng Nam rất khác. Chị Đỗ Thanh Yến, mẹ của Hoàng Nam, kể những chuyện chưa từng kể về con trai mình.

Với Hoàng Nam quần vợt không chỉ là niềm đam mê, ước mơ mà nó còn là lẽ sống, mục tiêu theo đuổi của đời em. Nam sẵn sàng hy sinh tuổi thơ, chấp nhận thiếu thốn tình cảm gia đình, bạn bè, thậm chí chịu “lơ” việc học để theo đuổi quần vợt.

Trong giấc ngủ cũng chơi quần vợt

Chị Yến tâm sự: “Hồi tiểu học Nam học rất tốt, 5 năm liền nó đạt học sinh giỏi, đặc biệt nó còn rất mê môn toán. Nhưng kể từ khi biết quần vợt, nó không còn học giỏi toán như trước. Lên cấp 2, vì dành nhiều thời gian cho quần vợt nên học lực càng ngày đi xuống, cho tới bây giờ nó chỉ mới học lớp 10 giáo dục thường xuyên”.

 “Từ nhỏ, Nam đã rất mê quần vợt, tôi chưa thấy ai đam mê quần vợt như nó. Hồi đó, cứ mỗi lần được ba chở đi tập là nó mừng quýnh lên. Hình như trong một ngày nó chỉ mong đến giờ được đi tập, thậm chí để được đi tập, nó có thể bị ba nó “dụ” nó nhổ râu hay đấm bóp… Lúc đi tập, mọi người đều về hết thì nó lại xin ba cho ở lại tập thêm. Về nhà tắm rửa, ăn cơm, cơ thể nó cứ “nhái” lại mấy động tác lúc cầm vợt, thậm chí khi ngủ nó còn mộng du, quơ tay quơ chân trên giường như thể mình đang thi đấu trên sân. Sáng hôm sau hỏi lại thì nó chẳng nhớ gì hết”, chị Yến nhớ lại.


Hoàng Nam mê quần vợt từ nhỏ

Chị Yến kể rằng, hồi nhỏ Nam cũng có nhiều bạn học lẫn bạn trong xóm nhưng khi lớn lên, do mê quần vợt quá nên Nam không có thời gian để bè bạn với ai. Cứ mỗi lần thi đấu về hay được nghỉ phép, Nam chỉ biết ở nhà. Nam rất ít đi tiệc tùng, hay cà phê với bạn bè, có chăng là những lần đi sinh nhật máy người bạn trong đội hay những bữa liên hoan.

Từ một nhà vô địch bóng bàn ở trường rồi ở Mỹ

Ít ai biết được rằng, trước khi đến với quần vợt, Hoàng Nam từng chơi bóng bàn rất hay. Chị Yến kể lại: “Lúc Nam học lớp 4 nhà trường có tổ chức giải bóng bàn vô địch toàn trường. Hôm đó, nó về nhà nói là đã đăng ký thi đấu và kêu ba mẹ nhờ thầy chỉ dùm. Thấy nó ham quá, tôi cũng ừ đại cho nó vui. Tôi biết trước đó nó chẳng biết gì về bóng bàn nhưng thấy nó đòi quá nên cũng nhờ thầy giáo thể dục chỉ dùm. Tôi nghĩ nó đánh sẽ không hơn ai đâu vì nghe thầy giáo kể rằng những em tham gia thi đi đấu từng học bóng bàn hơn một năm. Nhưng thật bất ngờ, chỉ qua chưa đầy 10 ngày tập tành, nó đã đoạt chức vô địch. Mọi người ai cũng ngỡ ngàng, về nhà nó nói vô địch mà không ai tin, đến khi thầy giáo gọi điện báo thì mới biết”.


Hoàng Nam từng chơi bóng bàn rất hay

Chị Yến kể tiếp: “Tôi nhớ năm 12 tuổi,  trong dịp tập huấn tại Mỹ với HLV Trần Đức Quỳnh, Nam có tham dự Ngày hội trại hè thanh thiếu niên gần nơi tập huấn. Nó cũng xin thầy Quỳnh đi đánh bóng bàn. Ban đầu, thầy Quỳnh cũng không cho vì nghĩ nó không biết chơi nhưng thấy nó đòi quá nên cũng cho chơi. Lần này, nó tiếp tục làm cho thầy nó bất ngờ khi đoạt chức vô địch ở lứa tuổi của mình. Lúc nhận Cúp,  một hướng dẫn viên trại hè hỏi nó tập bóng bàn bao lâu rồi, nó chỉ nói một câu em là VĐV của môn quần vợt”.

Cũng theo chị Yến, Nam không chỉ hay ở quần vợt, bóng bàn mà Nam còn chơi tốt ở các môn bóng như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền… Chị Yến nói vui rằng, nếu không đam mê quần vợt thì có lẽ bây giờ Nam đã là cầu thủ.

Gia đình là trên hết

Đang là một trong những cái tên “hot” nhất, nhì làng thể thao Việt Nam, thậm chí trong tương lai cái tên Lý Hoàng Nam sẽ được thế giới biết đến, nhưng đằng sau sự nổi tiếng đó là một Hoàng Nam rất khác.

Tay vợt Lý Hoàng Nam: 'Tôi và Sumit Nagal chơi không như ý muốn'

Tay vợt Lý Hoàng Nam: 'Tôi và Sumit Nagal chơi không như ý muốn'

Mặc dù rất cố gắng nhưng đôi Hoàng Nam/Sumit Nagal đã không thể làm nên bất ngờ trước đôi Nhật Bản Matsui Toshihide/Uchiyama Yasutaka tại vòng 1 đôi nam diễn ra vào chiều 12/10 tại CLB quần vợt Lan Anh (TP.HCM).


Với mẹ Yến, dù Hoàng Nam có đánh hay và nổi tiếng cỡ nào thì Nam vẫn là “cu Bi” (tên ở nhà của Nam) thích mẹ gãi lưng vào mỗi buổi tối trước khi ngủ, thích nhỏng nhẽo đòi ba chở đi tập, thích được nghe chị gái hát hay thích giành đồ chơi của cô em út. “Là con trai duy nhất trong nhà và cũng là cháu đích tôn nên Nam được hai bên nội, ngoại cưng chiều từ nhỏ nhưng không vì thế mà nó hư. Nó sống rất tình cảm, lễ phép và hiếu thảo. Đã đi thi đấu thì thôi nhưng nếu về nhà thì chỉ biết qusấn quýt bên ba mẹ và chị em, không thì đi qua nhà nội, ngoại, cô bác. Nó có rất ít bạn bè và hầu như chỉ biết chơi với người thân. Nó là người ít nói nhưng rất tâm lý. Cứ tới sinh nhật ai trong gia đình nó đều nhớ và mua tặng bánh kem, nếu thi đấu xa thì nó gọi điện về chúc và thăm hỏi”, chị Yến bộc bạch.

Tết này, “cu Bi” lại được lì xì “khủng”

Nói về việc được lì xì, chị Yến cho rằng “cu Bi” là đứa “ham” nhất nhà. Chị Yến kể: “Vì là cháu đích tôn nên cứ mỗi dịp tết là nó được nhận rất nhiều bao lì xì. Hồi năm 14 tuổi, do biết ăn nói và biết chúc tuổi mọi người nên nó được lì xì đến gần 5 triệu. Cũng vì chuyện này mà chị và em gái nó nói nó được thiên vị. Tiền được lì xì nó chưa bao giờ tiêu xài, nó cẩn thận xếp ngay ngắn và cất lại một chỗ làm kỷ niệm, số còn lại gửi mẹ. Năm vừa rồi nó thi đấu tốt thế nào thì Tết năm nay cũng được ông bà và cô chú lì xì nhiều cho coi”.

Tác giả Quang Liêm và gia đình Lý Hoàng Nam

Chị Yến tâm sự rằng, Tết này ba “cu Bi”  sẽ rảnh rỗi hơn vì “cu Bi”  đã biết dọn dẹp và trang trí nhà cửa phụ ba. “Nam toàn thi đấu ở nước ngoài, ít khi về nhà nên nó rất thèm không khí gia đình mỗi khi Tết đến. Quanh năm nó đi thi đấu thấy nhà vắng vẻ, tết đến có nó mọi người ai cũng thấy vui vui”, chị Yến chia sẻ thêm.

Cũng theo chị Yến, từ nhỏ Nam “cu Bi” rất “dễ nuôi” vì ăn uống đơn giản. Ngày Tết, Nam rất thích những món mẹ nấu như: Thịt kho trứng, bánh tráng cuốn phá lấu, bánh tét và đặc biệt món khoái khẩu - hủ tíu gà. Tết này, gia đình chị dự định sẽ đi du lịch Vũng Tàu để đổi gió. Mục đích chính vẫn là việc giúp Nam thư giãn sau một năm thi đấu căng thẳng, đồng thời mang lại một tâm lý thoải mái để Nam chuẩn bị cho một năm đầy thử thách phía trước.


Những cột mốc đáng nhớ của Hoàng Nam trong năm 2015

- Đầu tháng 4, Hoàng Nam vô địch giải trẻ Nhóm 1 ở Malaysia, đây cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp Hoàng Nam vô địch tại một giải đấu trẻ thuộc nhóm G1 của ITF.

- Ngày 18/4, Hoàng Nam hoàn tất cú đúp vô địch đơn nam và đôi nam tại Asian Closed Junior Championships 2015 ở Ấn Độ. Đây cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp Hoàng Nam vô địch 2 nội dung tại giải đấu trẻ thuộc nhóm G1 của ITF.

- Đầu tháng 6, Hoàng Nam lần đầu tiên trong sự nghiệp vươn lên tốp 15 trẻ ITF và xếp hạt giống 11 tại giải trẻ Roland Garros. Ở giải đấu này, Hoàng Nam cũng lần đầu tiên trong sự nghiệp lọt đến vòng 3 đơn lẫn đôi.

- Ngày 13/7, Hoàng Nam lần đầu tiên trong sự nghiệp vô địch đôi nam (cùng với Sumit Nagal của Ấn Độ) tại giải trẻ Wimbledon (ảnh).

- Ngày 22/8, Hoàng Nam lọt vào bán kết F27 Men’s Future tại Ai Cập, Đây cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp Hoàng Nam lọt bán kết tại một giải đấu thuộc hệ thống Men’ Futures.

- Đầu tháng 10, Hoàng Nam lần đầu tiên tham dự một giải đấu thuộc hệ thống Challenger Tour tại Vietnam Open (Hoàng Nam thua tại vòng 1 đơn lẫn đôi). Sau đó, Nam đã từ chối suất đặc cách của giải đấu diễn ra ở Ấn Độ như trường hợp của Sumit Nagal vì giải này quá sức với anh.

- Ngày 3/12, Hoàng Nam lần thứ hai trong sự nghiệp lọt vào bán kết ở giải đấu thuộc hệ thống Men’ Futures tại F2 Campuchia.

- Ngày 14/12, Hoàng Nam lần đầu tiên trong sự nghiệp lọt vào tốp 1000 ATP khi xếp hạng 933 thế giới.

Về kế hoạch trong năm 2016 của Hoàng Nam, ông Lê Việt Cường (TTK Liên đoàn quần vợt Bình Dương) cho biết: “Đơn vị chủ quản Becamex đã vạch ra những hướng đi phù hợp cho Hoàng Nam. Nam cần tập trung thi đấu tại các giải Men’s Future để tích lũy điểm số tấn công top 800 ATP hoặc có thể cao hơn. Trong năm 2016, Nam cần phải đánh ít nhất 30 giải Men’s Future”.


Bình Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›