Mai Thành Chương, Giải thưởng Tài năng 2014: Sẽ triển lãm về môi trường

Thứ Hai, 24/11/2014 09:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi nhiếp ảnh Giải thưởng Tài năng 2014 với chủ đề Biến đổi khí hậu qua ảnh đã tìm ra chủ nhân với giải chính thức thuộc về nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Mai Thành Chương (Hội An). Sau giải thưởng này, Mai Thành Chương sẽ tiếp tục theo đuổi chủ đề môi trường và dự kiến triển lãm cá nhân vào năm 2015.

Sinh năm 1982 tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam), Mai Thành Chương hiện sống ở Hội An với nghề nhiếp ảnh nghệ thuật. Anh có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa sau khi nhận giải thưởng tài năng 2014.

* Nếu tự giới thiệu về mình, anh sẽ giới thiệu như thế nào ngoài giải chính thức của Ban giám khảo cuộc thi “Biến đổi khí hậu qua ảnh” lần này?

- Tôi đến với nhiếp ảnh nghệ thuật vào năm 2006, đây là năm để lại nhiều dấu ấn trong nghề cầm máy của tôi. Lần đầu tiên, tác phẩm của tôi được trưng bày tại triển lãm toàn quốc về nhiếp ảnh. Cũng trong năm này, tại Liên hoan nhiếp ảnh khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên tổ chức ở Quy Nhơn (Bình Định), tôi có cùng lúc bốn tác phẩm vào chung khảo và cuối cùng thì có một tác phẩm nhận Huy chương Bạc và một Khuyến khích.

Đến nay, tôi sưu tập được khoảng 50 giải thưởng nhiếp ảnh, đáng kể là Huy chương Vàng toàn quốc do Bộ VH,TTDL tổ chức năm 2012 với tác phẩm Dưới mưa và Huy chương Vàng 2007 với tác phẩm Đường đua của tạp chí Ashahi của Nhật. So với nhiều nghệ sĩ lão làng, thì thành tích của tôi còn khá khiếm tốn nhưng cũng đủ trở thành niềm vui nho nhỏ với chính mình.


Đại sứ Đan Mạch John Nielsen chúc mừng Mai Thành Chương

* Tác phẩm “Sự tàn phá của con người” được anh sáng tác lúc nào, ở đâu?

- Tháng 3/2014 tôi đi săn ảnh ở Tây Nguyên. Sự tàn phá của con người, tôi chụp được ở tỉnh Kon Tum. Một cánh rừng già với những cây cổ thụ đã bị đốn hạ để làm rẫy nhìn rất thương tâm. Tôi ở đồng bằng, nên thấy cảnh rừng bị tàn phá khiến tôi rất buồn, vì thượng nguồn không còn rừng thì hạ nguồn lãnh đủ trong các trận mưa lũ.

* Anh ở Hội An, nhưng tác phẩm của anh là cảnh phá rừng làm rẫy. Tuy nhiên, Hội An cũng là nơi bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất lớn qua các trận bão, lụt. Sao anh không sáng tác về đề tài này ở chính nơi anh đang sống?

- Cảnh lụt bão ở Hội An tôi chụp rất nhiều nhưng không dự thi trong cuộc này. Vì như nhiều người biết, Hội An là thành phố du lịch, mà cảnh Hội An chìm trong nước lụt lại được du khách, nhất là du khách nước ngoài rất thích với cảnh đi thuyền trên phố. Nếu đem ảnh Hội An bị ảnh hưởng bởi lũ lụt dự thi dễ bị hiểu lầm và phần nào “phản tác dụng” với đề tài cuộc thi. Như vừa nói, thượng nguồn không còn rừng thì hạ nguồn như Hội An sẽ “lãnh đủ” mỗi khi mưa bão.

Tuy nhiên, tôi sống ở Hội An và chụp hình nơi này thường xuyên nên nhận thấy rõ sự tác động của biến đổi khí hậu là rất lớn. Bờ biển Cửa Đại bị xâm thực nặng nề, rất nhiều khách sạn ven biển bị sóng đánh sập phải ngừng hoạt động. Cùng một góc máy, năm ngoái tôi chụp cảnh du khách nước ngoài nằm phơi nắng trên bãi biển, thì năm nay bãi biển không còn nữa chỏng chơ những cây dừa ngã đổ. Đúng là, biến đổi khí hậu tàn phá không chỉ một bờ biển và còn gây xáo trộn rất nhiều đến nhiều mặt của đời sống, nhìn thấy trước mắt là ngành du lịch ở địa phương tôi sống.


Tác phẩm Sự tàn phá của con người

* Anh biết Cuộc thi “Giải thưởng tài năng 2014 – Biến đổi khí hậu qua ảnh” qua kênh thông tin nào để dự thi. Nếu cuộc thi này vẫn dành cho nhiếp ảnh thì anh có tiếp tục dự thi hay không?

- Tôi biết đến cuộc thi Giải thưởng tài năng 2014 qua mạng xã hội, bạn bè chia sẻ thông tin trên facebook. Nếu cuộc thi này tiếp tục với nhiếp ảnh, tôi sẽ tiếp tục dự thi. Từ cuộc thi này, tôi nuôi dưỡng ý định thực hiện một bộ ảnh về môi trường và sẽ triển lãm vào năm 2015 tại gallery 333 ở TP.HCM.

* Theo anh, môi trường/ nơi nào hiện nay ở nước ta là đáng sống nhất, vì sao?

- Như đã lựa chọn lâu nay, tôi luôn cho rằng Hội An là nơi đáng sống nhất. Hội An có sự yên bình nhưng lại rất năng động trong thương mại. Nhìn người Hội An uống cà phê từ sáng đến chiều, song họ lại đang làm việc kinh doanh rất hiệu quả. Bản thân tôi cũng mở một gallery về nhiếp ảnh tại đây.

Sau khi mở gallery, tôi có thay đổi về quan điểm nhiếp ảnh. Khi trước tôi chụp để dự thi, bây giờ tôi chụp để bán cho du khách, mà muốn du khách mua ảnh của mình thì tác phẩm phải gần gũi với người xem. Cũng nhờ du khách nhiều nước đến Hội An nên có sự giao lưu văn hóa trong cách sinh hoạt hàng ngày. Ở Hội An, trẻ em cũng rất ý thức bảo vệ môi trường, không khi nào thấy các em ăn quà xong vứt rác bừa bãi.

* Bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh anh đã thể hiện qua cuộc thi này, anh muốn gửi đến thông điệp gì với người xem tác phẩm của mình?

- Tôi muốn thông qua những tác phẩm về biến đổi khí hậu để mọi người sau khi xem xong sẽ ý thức hơn để không làm cho môi trường thêm xấu đi. Nhiều du khách đến Hội An nói với tôi rằng Việt Nam rất đẹp. Việt Nam mình đẹp vậy sao mình không biết giữ gìn bằng các hành động cụ thể? Dự kiến, tôi sẽ làm một photo tour gồm 4 tay máy người nước ngoài và 4 tay máy Việt Nam, chúng tôi sẽ ghi lại tất cả cảnh đẹp nước mình, sau đó in thành sách để mọi người cùng yêu cảnh đẹp nước mình và chung tay bảo vệ nét đẹp đó.

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›