Malaysia phơi điểm yếu cho thế giới săm soi

Thứ Sáu, 21/03/2014 07:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Việc một chiếc Boeing 777 mất tích bí ẩn với 239 người trên khoang là bài kiểm tra nặng nề với mọi chính quyền. Nhưng trong hoàn cảnh của Malaysia, tình hình còn tệ hơn bởi theo giới phân tích, giới lãnh đạo tại đây đã quá quen với chuyện luôn có thể xử lý mọi thứ một cách nhẹ nhàng.  

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, các lãnh đạo dân sự và quân sự của Malaysia đều chật vật tìm đáp án. Họ thậm chí phải mất nhiều giờ đồng hồ chỉ để tuyên bố chiếc máy bay mang số hiệu MH370 đã mất tích.

Chậm chạp phản ứng

Chính quyền Malaysia sớm thông tin rằng máy bay có thể đã quay trở lại, nhưng phải mất nhiều ngày mới tiết lộ về việc quân đội đã phát hiện điều này bằng ra đa quân sự và thêm nhiều ngày nữa để khẳng định thông tin là chính xác.

Trước những lời chỉ trích chậm chạp phản ứng, giới chức chính quyền giải thích rằng họ phải kiểm tra xác nhận thông tin trước khi công bố. Nhưng ngay cả khi đã thực hiện hoạt động kiểm tra, người ta vẫn mắc lỗi.

Ông Hishamuddin Hussein cho rằng chính quyền Malaysia đã hoạt động đầy trách nhiệm trong vụ mất tích MH370

Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Giao thông tạm quyền Malaysia Hishammuddin Hussein thông báo cảnh sát đã khám xét nhà 2 phi công ngay khi MH370 mất tích. Tuy nhiên thông tin đã trái ngược với tuyên bố của Giám đốc cảnh sát Khalid Abu, người cho biết cảnh sát đã không làm việc này cho tới tận 1 tuần sau vụ mất tích.

Vị bộ trưởng trên cũng bày tỏ nghi ngờ về các báo cáo được các quan chức Malaysia đưa ra trước đó, nói rằng hệ thống cập nhật dữ liệu tự động ACARS đã bị tắt trước khi phi công có cuộc liên lạc cuối cùng với đài không lưu Malaysia - chi tiết làm tăng phỏng đoán rằng các phi công đã gây ra vụ mất tích.

Trung Quốc, nước có hơn 150 công dân đi trên chuyến bay, đã đặc biệt không hài lòng khi Malaysia phải mất tới cả tuần lễ để nêu ra chi tiết về các vị trí tiềm năng của MH370.  Tân Hoa xã nói rằng sự trì hoãn "hoặc là dấu hiệu cho thấy sự tắc trách, hoặc thể hiện sự miễn cưỡng chia sẻ thông tin".

Thân nhân các hành khách, hiện đang sống ở nhiều khách sạn tại Kuala Lumpur và Bắc Kinh để chờ tin, đã nhận được các tin đồn và manh mối - kể cả sai lạc, từ báo chí trước chính quyền Malaysia và việc này khiến họ càng thêm phẫn nộ.

Chính quyền giỏi nhất

Nhưng khi được một phóng viên quốc tế chất vấn hôm 17/3 về những lời chỉ trích nhằm vào Malaysia, ông Hishammuddin Hussein khẳng định các chỉ trích không có cơ sở. "Tôi nhận nhiều phản hồi nói rằng chúng tôi đã hành động rất trách nhiệm" - ông tuyên bố - "Các anh thật vô trách nhiệm khi nói thế".

Hãng tin AP đánh giá vụ mất tích MH370 đã đụng chạm tới nhiều vấn đề mà giới chức Malaysia thường không thảo luận công khai. Sự kiện giờ cho thấy đã có sự thất bại về mặt an ninh ở mức độ nào đó và làm dấy lên các câu hỏi về khả năng sẵn sàng phòng thủ của không quân, cũng như năng lực của hãng hàng không quốc gia. 2 cơ quan này, một không thể phát hiện chiếc máy bay "lạ" đang lượn lờ trên không phận quốc gia, một không thấy máy bay đã đi chệch hướng. Khả năng chiến binh Hồi giáo dính líu vào vụ mất tích cũng là vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở quốc gia đa sắc tộc này.

"Trong văn hóa chính trị Malaysia, người ta không quen việc trả lời các câu hỏi một cách thẳng thắn và trung thực" - Bridget Welsh, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quản lý Singapore nhận xét - "Họ quen với việc "chính quyền giỏi nhất rồi" và chậm nhận ra rằng đây không phải một cuộc khủng hoảng của Malaysia. Sự kiện có tác động toàn cầu".

Greg Barton, một chuyên gia Đông Nam Á tại Đại học Monash của Australia thì nói rằng Malaysia có truyền thống không tin tưởng phương Tây. "Bản năng tự nhiên (của Malaysia) là không đề nghị sự giúp đỡ quá nhiều từ phương Tây. Việc này khiến chính quyền khó phản ứng nhanh" - ông nói.

Khó chống chỉ trích

Điều đáng chú ý là ngoài vài lời phàn nàn xuất hiện trên các cổng tin tức trực tuyến, báo in và truyền hình ở Malaysia ủng hộ chính quyền rất mạnh. ""Hãy ngừng chỉ trích các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ" - một người dùng Facebook Thụy Điển kêu gọi" - là tựa đề bài báo đăng trên trang nhất tờ nhật báo New Straits Times có lượng phát hành lớn ở Malaysia.

Tờ báo dẫn một đoạn trích "dài ngoằng" từ trang Facebook của một người Thụy Điển vô danh  để bênh vực chính quyền. "Các người có thể tưởng tượng được gánh nặng mà chính quyền đang mang trên vai và sự cẩn trọng lớn mà họ phải thực hiện trước khi tuyên bố thứ gì đó" - người Thụy Điển này nói -  "Không, vì các người không ở vị trí của họ".

Nhưng sự bênh vực yếu ớt đó không giúp chống đỡ hiệu quả các đòn chỉ trích từ giới quan sát, nhằm vào thiếu sót của chính quyền. Đơn cử như việc nhà chức trách đã chậm dịch chuyển khu vực tìm kiếm MH370 và điều tra lý lịch các phi công.

"Tôi nghĩ họ hơi chậm chạp trong hoạt động điều tra" - chuyên gia hàng không Tom Ballantyne nói với AP - "Có thể do phi công (cơ trưởng) là người giàu kinh nghiệm, rất được trọng vọng nên họ nghĩ ông ta nằm ngoài vòng nghi vấn. Trong khi đó lẽ ra nhà của ông ta và cơ phó cần phải bị lục soát ngay từ đầu cuộc điều tra".

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›