(Thethaovanhoa.vn) -Manchester City FC chỉ là một trong NHỮNG đội bóng của City Football Group. Tập đoàn này còn có New York City FC tại Mỹ, Melbourne City FC tại Úc, chưa kể phần hùn ở CLB Yokohama Marinos tại Nhật. Sao phải phát triển theo số lượng thay vì chất lượng như thế? Người ta đã khen ngợi tầm nhìn và chiến lược của giám đốc điều hành Ferran Soriano. Lý lẽ chính: Man City chưa thể là đối thủ của Manchester United!
- Lộ đội hình Arsenal sẽ đánh bại Man City
- Eric Cantona đá xoáy hàng phòng ngự Man City, chế giễu chủ tịch FIFA
- Lộ lý do Rooney cho con trai gia nhập học viện bóng đá của Man City
- Man City – Arsenal: Pháo đài Etihad có còn là điểm tựa?
Man Xanh đang... tẩu hỏa nhập ma
Khi nhà điều hành Ferran Soriano cho rằng Man City chưa thể đọ với M.U thì tất nhiên, ông đang nói về cả một chiến lược lâu dài, tầm vĩ mô, chứ không nói về một vài trận đấu cụ thể hoặc vị thứ trong bảng xếp hạng hiện thời ở Premier League. Trên thương trường, Man City chỉ là một anh hào "vừa thăng hạng" so với những thương hiệu lớn đã thống trị làng bóng chuyên nghiệp ở quy mô toàn cầu như M.U, Real Madrid, Barcelona hoặc Bayern Munich. Vì chưa có "nội công thâm hậu", và quan trọng hơn là có thể sẽ mãi mãi không sánh được với công lực đã tích lũy qua bao thập niên hào hùng của các siêu CLB, Man City đành chọn một hướng đi riêng, như cách lý giải của Soriano.
Đấy là trận địa kinh doanh. Nhưng có thể dùng ý tưởng kinh doanh của Soriano để giải thích thất bại hiện thời của HLV Pep Guardiola trong lĩnh vực chuyên môn, thậm chí ngay trên sân cỏ. Guardiola đang dẫn dắt Man City bằng phương pháp huấn luyện mà ông từng áp dụng và thành công ở Barcelona hoặc Bayern Munich. Nhưng Man City chưa đủ công lực để có thể vận dụng thứ võ công cao siêu mà Pep truyền đạt. Trong các tiểu thuyết võ hiệp, chuyện như thế sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường là tình trạng "tẩu hỏa nhập ma". Còn trên sân cỏ?
Man City thủng lưới 2 bàn chỉ trong 5 phút, và đấy là lần đầu tiên trong vòng 10 năm đội này chịu thua tan nát như vậy ở Premier League. Càng đau hơn khi đối thủ chỉ là đội Leicester ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Số bàn thắng mà Leicester ghi được vào lưới Man City bằng 1/4 tổng số bàn thắng của họ trong 14 trận trước đó. Đấy là trận thua thứ 2 liên tiếp và là thứ 3 kể từ đầu giải của Man City ở Premier League. Mùa này, ai cũng chê bai, nhạo báng đội M.U của Jose Mourinho. Kỳ thực, số trận thua của Man City cũng đã bằng với M.U. Man City thậm chí còn thủng lưới nhiều hơn M.U, và nhiều gần gấp đôi so với đội Tottenham đứng dưới họ. Nói theo ngôn ngữ chuyên môn thì Man City đang có nguy cơ rơi vào một cơn khủng hoảng sau khi bay bổng với cú khởi đầu có vẻ thành công.
Chưa đủ tư cách tấn công
Ở Champions League, Man City chỉ thắng 2/6 trận vòng bảng. Họ thủng lưới đến 4 bàn và không thắng được trận nào trong hai lần đối đầu với đội chót bảng Celtic. Tính chung hai giải, thầy trò Pep chỉ thắng 1 trong 5 trận gần đây, riêng ở Premier League thì Man City thủng lưới 7 bàn trong 2 trận gần nhất. Kết luận đầu tiên: đội bóng của Pep đang có vấn đề ở khâu phòng ngự, với số bàn thua cao hơn rất nhiều so với cả đội Middlesbrough đang đứng ngay trên lằn ranh rớt hạng. Khổ nỗi, Man City yếu về phòng ngự trong khi Pep chỉ chăm bẵm hoàn thiện triết lý tấn công cho đội bóng này.
Hồi còn huấn luyện Barcelona, Pep chỉ trích hàng công sau một bàn thua. Nếu họ dứt điểm chính xác, đối phương đâu có cơ hội phản công để rồi Barcelona phải thủng lưới! Nguyên lý của lối chơi tiqui-taca nổi tiếng cũng là như vậy: bạn cứ giữ mãi quả bóng thì đối phương lấy đâu ra cơ hội ghi bàn? Khi sang Bayern, Pep càng khai thác triệt để triết lý của mình. Bayern lập nên những kỷ lục mới về giữ và chuyền bóng dưới thời Pep. Nhưng, thiên hạ ngờ vực quả cũng không sai: Pep thành công vang dội trước tiên vì ông may mắn được dẫn dắt các đội quá mạnh ngay khi khởi đầu sự nghiệp huấn luyện. Man City đâu có so được với Barcelona hoặc Bayern về mặt vị thế ở giải VĐQG. Chỉ mới 4 lần nếm mùi VĐQG trong hơn trăm năm tồn tại, Man City làm gì có đủ tư cách để hễ ra sân là cứ tấn công, đàn áp, đến nỗi không phải lo nghĩ về chuyện phòng ngự!
Có thể, thiên hạ choáng ngợp vì Pep được thổi phồng quá đáng. Có thể Man City quá chỉn chu trong vài trận khởi đầu. Cũng có thể đấy là vì người ta còn đang mải lo thăm dò lẫn nhau. Và Pep thành công với những trận thắng liên tiếp ngay khi ông vừa xuất hiện lần đầu tiên ở trận địa Premier League. Bây giờ mọi chuyện đã khác. Man City không thể che mãi điểm yếu phòng ngự, và đây chính là lúc đối thủ bắt đầu khai thác nhược điểm ấy một cách ồ ạt. Jamie Vardy nói thẳng: anh và đồng đội đã "nhắm" vào tử huyệt ngay khung thành Man City và khai thác thành công điểm yếu của thủ môn Claudio Bravo.
Với Pep, thủ môn phải biết "chơi bóng", phải là mắt xích đầu tiên của cả hệ thống tấn công. Nhưng trong mắt đối phương, thủ môn Bravo bây giờ lại là "hồng tâm", là mục tiêu tuyệt vời cho các bài bản tấn công. Còn với các nhà phân thì đấy chính là xuất phát điểm để lần ra cả một chuỗi vấn đề trong cách huấn luyện của Pep.
Pep có thể điều chỉnh... chính mình?
Tóm lại, triết lý tấn công của Pep và năng lực thực tế của Man City là hai điều không hề ăn khớp, và sau khi ráp nối một cách khiên cưỡng trong giai đoạn đầu thì đây là lúc cả một cỗ máy đang có nguy cơ đổ bể. Bravo cố chứng tỏ anh biết "chơi bóng" trong khi công việc đầu tiên, quan trọng nhất và thiết thực nhất của một thủ môn là bắt bóng thì anh lại không làm được. Mở ra cái nhìn toàn cảnh, Man City chỉ muốn tấn công trong khi điều cần thiết hơn ở trận địa đỉnh cao là phải có một hệ thống phòng thủ xem được thì họ lại chưa có. Bao trùm hơn cả: Pep cố thể hiện "triết lý Pep" nhưng ông lại không có trong tay những cầu thủ thích hợp để trước tiên làm được cái việc dễ hơn, là thi đấu theo chiến thuật mà ông đề ra. Man City không hề là một môi trường đồng nhất từ đội trẻ đến đội lớn như Barcelona, cũng chẳng hề ngồi một mâm riêng như Bayern ở Bundesliga.
Triết lý tấn công của Pep và năng lực thực tế của Man City là hai điều không hề ăn khớp
Đây là vấn đề muôn thuở trong bóng đá đỉnh cao: HLV nên áp dụng cách chơi phù hợp với những con người sẵn có, hay nên huấn luyện những con người sẵn có chơi theo cách của mình? Chẳng phải Pep không hiểu rõ các hậu vệ Man City. Tổng quát hơn, chẳng phải ông không hiểu Man City. Ông hiểu họ, nhưng ông muốn làm thay đổi họ. Bây giờ, cách ấy xem chừng thất bại. Và Pep bị đẩy vào một câu hỏi hóc búa mà ông chưa từng đối diện trong suốt sự nghiệp huấn luyện vốn quá thành công: ông có khả năng điều chỉnh mình, cho phù hợp với Man City?
Quá khó, xét về bất cứ phương diện nào. Một con người hãnh tiến, cao ngạo, xưa nay chỉ biết thành công và tận hưởng những lời ca ngợi như Pep rất khó làm được cái điều đơn giản mà "người thường" nào cũng làm được, thậm chí buộc phải làm: nhìn lại bản thân mình. Chỉ bàn về tâm lý thôi, đã quá khó rồi. Ai lại "hạ mình" như thế. Suy cho cùng, hễ không được việc ở đội bóng này, cũng sẽ có đội bóng khác trải thảm rước Pep. Có khi, ông càng nêu cao "triết lý Pep" (dù là thất bại đi nữa), lại càng có giá. Mặt khác, cứ xin hỏi thẳng: giả sử chính Pep cũng muốn thay đổi, muốn huấn luyện, củng cố hệ thống phòng thủ, ông có khả năng làm được điều đó? Chưa chắc. Phải nhấn mạnh: Man City đang có nguy cơ khủng hoảng thật chứ chẳng chơi, chính vì điều này.
Tags