(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng của Man City trong vụ kháng cáo án cấm dự Cúp châu Âu mùa tới như một cái tát cho UEFA về Luật công bằng tài chính (FFP). 10 năm sau khi đạo luật này được thông qua, sự chênh lệch về tài chính chẳng hề thay đổi.
Đây không phải lần đầu tiên FFP bị qua mặt và các đội bóng một lần nữa thoát được án phạt. Cách đây hai năm, PSG cũng từng bị Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) điều tra vì nghi vấn gian lận tài chính tương tự Man City, sau khi đội bóng này chiêu mộ hai ngôi sao Mbappe và Neymar. Rốt cuộc, chẳng có bất cứ án phạt cấm dự Champions League nào dành cho đội chủ sân Parc des Princes.
Những lỗ hổng chết người của FFP
Chuyện Man City vi phạm FFP không có gì mới lạ, bởi nửa xanh thành Manchester từng chịu án phạt năm 2014. Cụ thể, đội chủ sân Etihad bị phạt 49 triệu bảng, đồng thời buộc phải giảm đội hình dự Champions League mùa 2014-15 xuống còn 21 người. Lần này, lập luận từ phía UEFA cho rằng đội chủ sân Etihad đã tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn, cụ thể là có những cáo buộc về gian lận tài chính. Trên lý thuyết, một hình phạt nặng hơn, cụ thể là cấm dự Cúp châu Âu sẽ mang đến sức răn đe mạnh mẽ cho bất cứ đội bóng nào muốn lách luật để tiếp tục chi tiêu mạnh tay.
Trên lý thuyết là vậy, nhưng những gì diễn ra sau vụ kháng cáo của Man City lại chỉ ra rằng có quá nhiều lỗ hổng liên quan đến FFP mà chính UEFA, đơn vị khởi xướng luật này, lại bộc lộ những sai sót trong quá trình khiếu kiện. Cụ thể, theo tiết lộ từ ký giả Tyrone Marshall, CAS cho rằng những bằng chứng UEFA đưa ra để chống lại Man City là chưa đủ sức thuyết phục, hơn nữa không ít trong số này lại rơi vào tình trạng quá thời hạn hiệu lực do khoảng thời gian điều tra của UEFA kéo dài đến 5 năm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV Guardiola lại chắc nịch khẳng định Man City sẽ kháng án thành công. Suốt 10 năm qua, chưa từng có một ông lớn nào của bóng đá châu Âu bị loại khỏi các sân chơi lục vì vi phạm luật FFP. Cái tên đáng chú ý nhất trong số những đội bóng phải làm khán giả ở đấu trường châu lục vì FFP là Milan mùa này, khi đội chủ sân San Siro phạm luật hai năm liên tiếp.
Bóng đá châu Âu sẽ tiếp tục phân hóa?
Cách đây 5 năm, khi nói về FFP, cựu HLV Arsene Wenger từng nhận định chua chát luật này khó có thể trở thành công cụ điều chỉnh tình hình tài chính của các CLB: “FFP sẽ khó hoạt động hiệu quả. UEFA chẳng còn quyền lực mạnh mẽ như cách đây 10-15 năm. Mọi thứ có thể bị thách thức ở cấp độ tòa án. Điều này khiến nhiều quy định khắt khe trở nên khó thi hành. Sẽ có một số CLB chẳng cần tôn trọng Luật công bằng tài chính và đã có những áp lực để FFP trở nên linh hoạt hơn”. Một trong số ấy chính là tác động của đại dịch Covid-19. Để cứu cho nhiều CLB châu lục tránh vỡ nợ, UEFA buộc phải quyết định hoãn việc trừng phạt những đội bóng vi phạm luật mùa này, đồng thời gia hạn việc kiểm tra tình hình tài chính những đội tham dự Cúp châu Âu đến hết mùa tới.
Đó là một động thái đáng hoan nghênh của UEFA, trong bối cảnh nhiều giải đấu lớn bị suy giảm nghiêm trọng doanh thu do buộc phải đá trong điều kiện không khán giả hay tệ hơn phải hủy mùa giải bất đắc dĩ. Mặt khác, điều này không ngăn cản được những đội bóng giàu có tiếp tục chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng hay gia tăng ngân sách bằng những hợp đồng quảng cáo. Man City và PSG từng bị đặt dấu hỏi khi những hợp đồng thương mại của họ được cho là có tác động từ các ông chủ của những CLB này.
Sẽ không khó hình dung những đội bóng có tiềm lực như Real Madrid, Barcelona, MU, Man City hay Chelsea tiếp tục vung tiền mua sắm cầu thủ và mang về những danh hiệu lớn từ quốc nội đến các sân chơi châu lục như Champions League. Câu chuyện về trường hợp của một đội bóng vô danh như Porto vô địch ở sân chơi châu lục cách đây 16 năm sẽ còn tiếp tục chỉ được kể lại trong quá khứ. FFP thực tế đã bất lực trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính giữa các CLB ở lục địa già.
Đức Hùng
Tags