Man City quá phụ thuộc về Haaland
Chiến thắng Fulham giúp Man City duy trì cơ hội trong cuộc đua vô địch Premier League. Mặt khác, những lo lắng bắt đầu xuất hiện nếu các đối thủ biết được đội bóng của HLV Pep Guardiola không còn là chính mình nếu thiếu Erling Haaland.
1. Sự hiện diện của Julian Alvarez trong vai trò trung phong là một bất ngờ trong tính toán của HLV Pep Guardiola. Vị HLV 51 tuổi này không muốn tạo ra một thứ hội chứng phụ thuộc vào Haaland như hội chứng Messidependencia, thuật ngữ ám chỉ sự lệ thuộc của Barcelona vào siêu sao Lionel Messi cách đây hơn 10 năm, bắt đầu bằng chính những ngày Pep Guardiola nắm quyền ở Camp Nou.
Alvarez thật ra đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi mang về bàn mở tỷ số ở phút 16, pha lập công cho thấy tiền đạo người Argentina không hề đến sân Etihad để làm vai phụ cho Haaland. Có điều, tấm thẻ đỏ của Joao Cancelo ở phút 26 đã phá hỏng mọi tính toán của HLV Pep Guardiola về một trận đấu trong tầm kiểm soát nữa của Man City. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha có lý do để nhắc nhở hậu vệ người Bồ Đào Nha về một cái đầu lạnh cần thiết khi anh đang là trụ cột quan trọng bậc nhất nơi hàng thủ Man City.
Khoảng thời gian hơn một giờ đồng hồ từ bàn gỡ hòa trên chấm phạt đền của Fulham đến lúc Man City mòn mỏi chờ đợi một người hùng cứu rỗi chiến thắng thật dài. HLV Guardiola cố gắng không thay đổi đội hình với ý nghĩ 10 người trên sân của nhà ĐKVĐ Premier League có đủ nội lực để tự mình xoay chuyển cục diện. Rốt cuộc, vị HLV vùng Santpedor buộc phải tung cả Erling Haaland lẫn Phil Foden vào sân trong nỗi lo một trận hòa có thể dâng cơ hội để đội đầu bảng Arsenal tăng tốc.
Haaland có thể chưa sung sức, lại không gặp may khi lần đưa bóng vào lưới đầu tiên bị công nghệ VAR từ chối. Nhưng tiền đạo người Na Uy đang cho thấy anh sinh ra để chinh phục những khoảnh khắc quan trọng. Đá quả phạt đền ở phút bù giờ thứ 5 không bao giờ dễ dàng gì, khi giá trị của nó không khác gì một cú sút luân lưu mang về chiến thắng chung cuộc. Haaland tận dụng triệt để cơ hội từ cú ngã của Kevin De Bruyne trong vòng cấm để nhắc tất cả khán giả lẫn HLV Guardiola lý do vì sao anh hiện diện ở sân Etihad mùa Hè vừa qua. Tiền đạo người Na Uy là cái tên đủ sức đưa Man City bước qua những thời khắc khó khăn, giành lấy những chiến thắng quý giá khi nhiệm vụ của thầy trò Guardiola lúc này lại là bám đuổi một Arsenal đang thăng hoa đến khó tin kể từ đầu mùa.
Con dao hai lưỡi của Man City
2. Sở hữu một trung phong biết lên tiếng đúng lúc, đúng thời điểm như Haaland thật đáng quý, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi với HLV Guardiola. Zlatan Ibrahimovic, trung phong thuộc biên chế AC Milan và từng là học trò cũ của Pep, đã đưa ra một lời khen dành cho Haaland: "Tôi rất thích Haaland, anh ta là mẫu cầu thủ thông minh, không làm những gì quá sức bản thân. Anh ta không lùi quá sâu để tìm bóng, nhưng sẵn sàng chớp lấy thời cơ trước khung thành đối thủ. Anh ta là một phiên bản kết hợp giữa Inzaghi, Trezeguet và Vieri". Mặt khác, Ibra không quên thòng ngay một quan điểm có phần cay nghiệt về khả năng Guardiola nâng tầm Haaland: "Liệu Pep có đủ khả năng nâng tầm anh ta? Nó còn tùy thuộc vào bản ngã và cái tôi trong con người ông ta".
Tất nhiên, nhận xét cay nghiệt ấy không chỉ đơn thuần là một quan điểm chủ quan từ mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa Ibra và Pep ở mùa 2009-10, mùa duy nhất hai người làm việc cùng nhau tại Camp Nou. Tư duy bóng đá của HLV Guardiola khó có đất cho một kịch bản phụ thuộc quá nhiều vào ai đó như đã từng diễn ra với Messi ở Barcelona. Ba năm ở Bayern Munich, nhà cầm quân người Đức xây dựng một tập thể đồng đều, bên cạnh những phát minh mới như việc biến Joshua Kimmich thành một mẫu cầu thủ lai giữa hậu vệ trái và tiền vệ trung tâm.
Nếu HLV Guardiola nâng tầm Haaland thành một siêu sao ở sân Etihad, Man City sẽ sớm giải cơn khát vô địch Champions League, đồng thời đảm bảo vị thế vững vàng ở đấu trường quốc nội. Ngược lại, tạo ra một hội chứng phụ thuộc Haaland mang đến nguy cơ những chiến thắng khó tìm đến Man City hơn bao giờ hết.
Diệp Hạnh