(Thethaovanhoa.vn) - Chưa bao giờ từ khi rời Barca, Pep Guardiola tiến gần đỉnh vinh quang ở cúp C1 đến thế nhưng một lần nữa ông thất bại. Trận thua đáng tiếc trước Chelsea có phần lỗi của chiến thuật gia người Catalunya.
Video clip bàn thắng trận Man City 0-1 Chelsea
Pep sử dụng đội hình xuất phát mà không có tiền vệ phòng ngự thực thụ và Man City chịu bàn thua duy nhất nhưng đủ khiến họ thất bại chính bởi họ để cho Kai Havertz di chuyển quá thoải mái để chiếm lĩnh khoảng trống mênh mông lộ ra phía trước hàng thủ, đón đường chuyền của Mason Mount trước khi đẩy bóng qua Ederson và ghi bàn.
Người bám theo Havertz trong tình huống ấy chỉ có Zinchenko (hậu vệ trái) nhưng Zinchenko cũng không theo sát được Havertz trong khi lẽ ra một tiền vệ phòng ngự của Man City phải có mặt, đeo bám và truy cản Havertz trong tình huống này.
Bàn thắng của Chelsea là sản phẩm đặc trưng trong lối chơi tấn công mà Thomas Tuchel ưa thích. Chiến thuật gia người Đức thường khuyến khích cầu thủ tấn công của ông di chuyển tìm kiếm và khai thác khoảng trống lộ ra giữa hàng phòng ngự và tiền vệ của đối phương để ghi bàn.
Havertz đã ghi bàn sau một pha di chuyển vào trong, chiếm lĩnh không gian quá lớn ngay phía trước hàng phòng ngự mà Man City để lộ ra, nhận bóng của Mount và đẩy qua Ederson trước khi sút vào lưới trống.
Chiến thuật 4-3-3 mà Pep dùng trong trận chung kêt cúp C1 này không phải là mới vì trước đó ông cũng từng cho City đá nhiều trận với chiến thuật này và thành công.
Nhưng Chelsea không phải những đối thủ Man City từng gặp và đánh bại và sai lầm của Pep có lẽ bắt nguồn từ sự chủ quan (hay quá tự tin) của ông khi đối đầu Chelsea.
Pep có lẽ quá tin vào sự chắc chắn có được nhờ khả năng cầm bóng của cầu thủ City nên không dùng tiền vệ thủ đích thực nào để che chắn, hỗ trợ cho các hậu vệ. Pep tin khả năng cầm bóng và pressing của City đủ khiến Chelsea không thể triển khai bóng nhanh lên phía trước. Và như thế đủ để Man City đảm bảo an toàn mỗi khi họ mất bóng.
Nhưng nếu đúng vậy, Pep đã quá coi thường Chelsea và phải trả giá đắt vì miếng đánh lợi hại đã được Thomas Tuchel quán triệt cho cầu thủ của ông triển khai.
Giả sử Pep dùng sơ đồ 4-1-4-1 với Fernandinho (một tiền vệ thủ thực thụ và có kinh nghiệm) đá thấp trước bộ tứ hậu vệ của Man “xanh” thì có thể mọi chuyện đã khác đi. Nhưng Fernandinho chỉ được tung vào sân ở hiệp 2 khi City đã thủng lưới.
Tất nhiên, thất bại của Man City không chỉ vì họ thủng lưới mà còn vì chiến thuật phòng ngự của Tuchel đã giảm thiếu tối đa hiệu quả tấn công của họ, khiến họ chỉ có thể tạo ra cái mà chúng ta gọi là những tình huống ghi bàn dạng “nửa cơ hội” nhưng ít nhất nếu Pep tiếp cận trận đấu theo cách thận trọng hơn với việc bố trí một tiền vệ thủ thực thụ hỗ trợ cho hàng phòng ngự thì Man City có thể đã tránh được bàn thua từ Kai Havertz.
Ngoài ra, cũng cần thấy rằng Bernardo Silva hỗ trợ phòng ngự cho Walker và Stones quá yếu và đây chính là cánh mà Chelsea khoét vào, tạo ra nhiều pha sóng gió cho khung thành City mà nếu Timo Werner dứt điểm sắc bén, họ đã có thêm ghi bàn ngay sau 15 phút đầu hiệp 1.
City thất bại cũng còn do họ phụ thuộc quá nhiều vào khả năng tạo đột biến ở 2 cánh của Sterling và Mahrez trong khi chiến thuật này trở nên dễ đoán. Một chiến thuật gia tầm cỡ như Tuchel đã nhìn thấy ngay từ đầu và khắc chế quá tốt hai cầu thủ tấn công biên của City bằng sơ đồ 3-4-2-1 sở trường.
Mỗi khi City cầm bóng, Chelsea nhanh chóng chuyển sang đá 5-2-3 với việc 2 wing-back là Ben Chilwell và Reece James lùi xuống, tạo số đông cầu thủ phòng ngự và các wing-back kết hợp với các trung vệ lệch cánh của Chelsea là Azpilicueta và Rudiger đã kiểm tỏa quá tốt 2 tiền đạo cánh của City là Mahrez cùng Sterling, cho họ rất ít khoảng trống để hoạt động.
Cuối cùng, City thua vì Pep chỉ có "số 9 ảo" còn "số 9" đẳng cấp và sung sức thì ông đã không còn. City từng chiến thắng rất nhiều mà không cần trung phong săn bàn tầm cỡ hàng đầu. Nhưng họ không thể chơi mãi và thắng mãi theo kiểu đó.
Đến lúc họ cần một Harry Kane, một Haaland hay Mbappe nào đó để thay Aguero. Nếu không, chức vô địch cúp C1 với Pep trong kỷ nguyên "hậu Barca" có thể là thách đố không lời giải.
HT
Tags