Man City vẫn được dự C1: Nếp nhăn công lý trên vạt áo nhà giàu

Thứ Hai, 13/07/2020 21:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thế giới luôn chứng kiến điều này: Một kẻ giàu có bước vào phiên tòa với án phạt nặng nề treo lơ lửng trước mắt và rời đi khỏi đó bình an vô sự cùng với một phán quyết đủ khiến phần còn lại trở nên hỗn loạn vì phẫn nộ và tuyệt vọng.

Man City vẫn được dự C1, cộng đồng mạng dậy sóng: 'Trò hề của UEFA City'

Man City vẫn được dự C1, cộng đồng mạng dậy sóng: 'Trò hề của UEFA City'

Man City đã được Tòa án thể thao quốc tế (CAS) xử trắng án và sẽ vẫn được tham dự Champions League mùa tới. Với phần lớn những CĐV, phán quyết này chẳng khác gì một trò hề.

Nghiêm túc nào, đó là trường hợp của Manchester City, những người đã chiến thắng cả châu Âu, ở đây là những câu lạc bộ như Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich hay Juventus, khiến cả xứ sở sương mù gồm có Liverpool, Manchester United, Arsenal.. phải tuyệt vọng. Trong khi UEFA như những công tố viên bị bẽ mặt lần nữa, vì sau khi không thể trừng trị Paris St Germain, họ tiếp tục mất nốt “kẻ phạm tội” đến từ nước Anh vì phán quyết của Tòa án thể thao quốc tế CAS.

Sự bất lực của UEFA

“Yên nghỉ nhé FFP” là cụm từ thịnh hành trên Twitter sau khi Manchester City thoát án phạt cấm 2 năm tham dự Champions League mà UEFA đã đưa ra vào tháng 2 vừa rồi, cùng lúc đó, bức hình Pep Guardiola cùng với những nhân vật quan trọng của ban lãnh đạo đội bóng nước Anh như Txiki Begiristain, Ferran Soriano ăn mừng trở thành sự đối lập khủng khiếp giữa cái chết của công lý và sự hân hoan của những người được coi là hủy diệt bóng đá.

Đây không phải là sự chỉ trích nhắm vào HLV người Tây Ban Nha mà nó chỉ đơn giản được hiểu là cách mà tiền bạc vận hành trong thế giới bóng đá, là những gì đã xảy ra liên tục năm này qua năm khác, từ câu lạc bộ này tới câu lạc bộ khác, theo những hình dạng khác nhau dưới một công thức chung: Sự lũng đoạn của tiền bạc.

Và cái án phạt 10 triệu euro dành cho đội bóng của Guardiola vì không hợp tác với Cơ quan kiểm soát tài chính (CFCB) của UEFA giống như nếp nhăn trên vạt áo của kẻ giàu có mà thôi, người ta có thể vuốt nó phẳng phiu ngay sau khi rời khỏi ghế ngồi, nó còn chẳng bằng một phần mức thưởng của một ngôi sao sân Etihad nhận được mỗi năm.  

Người Anh thì giễu cợt rằng, với chừng đấy tiền thì Aston Villa đã mua được Mbwana Samatta trong tháng 1 và sát thủ Trézéguet Hè năm ngoái, mà câu lạc bộ này là một trong số những đội bóng muốn kết liễu Manchester City nhất.

Phán quyết này có phải trò đùa không thì những ai cảm thấy Manchester City là kẻ dối trá sẽ cảm nhận rõ nhất. Chắc chắn rồi, người ta không thể chấp nhận được việc một câu lạc bộ dùng tiền thay đổi kết cấu bóng đá, tạo ra sự bất bình đẳng trong sự phát triển bền vững giữa các câu lạc bộ và khiến giá trị chuyển nhượng cầu thủ trở thành điều gì đó rất bất công với người nghèo.

Không ai ủng hộ những người phù phép hàng trăm triệu euro tiền tài trợ từ công ty mẹ ADUG trở thành hợp đồng tài trợ áo đấu, tên sân vận động hay cơ sở tập luyện với hãng hàng không quốc gia UAE là Etihad thành khoản tiền tượng trưng 10 triệu euro ngoại trừ CAS.

Ông Rui Botica Santos, chủ tịch hội đồng thẩm phán của CAS tin rằng, với 10 triệu euro tiền tài trợ đấy, Manchester City có thể mua được Rodri, Sterling hay Aymeric Laporte, những ngôi sao trị giá tới gần trăm triệu euro? Vị luật sư người Bồ Đào Nha này giỏi giang, thông minh và giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực thể thao hơn thế nhiều.

Kết cục nào cho tương lai

Cả châu Âu sẽ còn rên rỉ và than vãn về phán quyết của CAS lâu nữa khi công lý với họ đã bị hôn mê và sự bất bình đẳng càng được đào sâu hơn bao giờ hết. Nhưng khi Paris St Germain, đội bóng đã chi tới gần nửa tỉ euro để sở hữu Neymar và Mbappe có thể sống khỏe mạnh sau những cuộc tấn công từ UEFA và chẳng mảy may lo lắng về tính chính trực và sự minh bạch trong bóng đá thì người ta có thể thấy trước điều tương tự sẽ đến với Manchester City. Luật công bằng tài chính FFP lúc này đây đã trở thành cô gái ngây thơ trước những kẻ khôn ngoan và nhiều mưu mẹo giàu có.

Nhưng nghịch lý là người ta chống nó theo cách này nhưng lại dung dưỡng nó theo cách khác, ở mỗi một nền bóng đá những đội bóng lớn như Real Madrid hay Barcelona luôn nhận được sự ưu ái theo cách nào đó mà không bị chỉ trích, vì điều đó được coi là hiển nhiên khi những câu lạc bộ này là những định chế tài chính và là biểu tượng kinh tế, thể thao và văn hóa?

Sự tồn tại của FFP có giá trị gì không còn là câu hỏi quan trọng nữa vì UEFA giống như người cha không thể quản được đứa con ngỗ nghịch vì nó nhận được sự trợ giúp từ những người có khả năng biến mỗi án phạt nghiêm khắc thành điều gì đó hư không. Mà điều cả thế giới sẽ phải nín thở chờ đợi là sẽ có bao nhiêu Manchester City hay Paris St Germain được sinh ra trong thời gian tới đây với tiền lệ này?

Liệu nó sẽ khiến trái bóng trở nên tàn nhẫn đến thế nào, có khiến cho những mô hình nghiêng về đào tạo trẻ bị lụi tàn và hủy diệt chỉ sau một thương vụ chuyển nhượng đắt đỏ, hoặc biến thế giới bóng đá trở thành một chiến trường không lối thoát của tiền bạc?

Thiên Ý

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›