Màn hình máy tính gây bệnh cận thị nhiều hơn điện thoại

Thứ Ba, 19/12/2023 09:17 GMT+7

Google News

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu ở thành phố Perth của Australia đã phát hiện ra một thực tế là màn hình máy tính cá nhân có nhiều khả năng góp phần vào sự phát triển bệnh cận thị hơn so với màn hình điện thoại di động. 

Cận thị có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mắt trong tương lai, với dự đoán 50% dân số thế giới sẽ mắc bệnh này vào năm 2050.

Tiến sĩ Samantha Lee, một nghiên cứu viên cao cấp, cho biết trong 8 năm trở lại đây, khoảng 1/3 số thanh niên Australia mắc chứng cận thị và số lượng đó đang tăng dần. Đó là điều gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu. 

Màn hình máy tính gây bệnh cận thị nhiều hơn điện thoại - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tiến sĩ Samantha Lee đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 600 thanh niên để tìm hiểu xem màn hình kỹ thuật số tác động đến sự phát triển của cận thị như thế nào. Bà phát hiện ra rằng tình trạng cận thị trở nên trầm trọng hơn ở những người ngồi hơn 6 giờ mỗi ngày trước màn hình máy tính, trong khi thời gian dành cho điện thoại di động hầu như không gây ảnh hưởng đến cận thị.

Theo Tiến sĩ Lee, khi mọi người đưa điện thoại di động lại gần mặt, màn hình khá nhỏ nhưng mọi thứ xung quanh điện thoại di động đều ở rất xa. Vì vậy, não sẽ ghi nhận rằng hầu hết mọi thứ xung quanh đều ở xa và nó báo cho mắt biết rằng không cần thiết phải điều tiết để thấy rõ.

Các chuyên gia khuyên giới thanh thiếu niên dành nhiều thời gian ngoài trời hơn có thể giúp làm chậm lại sự phát triển của cận thị, đặc biệt là khi còn nhỏ. Đối với những người phải làm việc, họ nên tăng cường nghỉ ngơi hoặc thậm chí mang màn hình ra làm việc bên ngoài, nơi có ánh nắng mặt trời vì điều đó hữu ích hơn.

Tiến sĩ Lee hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem các gen có thể gây ra sự khởi phát bệnh cận thị như thế nào và tại sao bệnh cận thị lại tiến triển sớm. Bà cho biết có rất nhiều biện pháp can thiệp có khả năng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh cận thị, chẳng hạn như thuốc nhỏ mắt atropine và loại mắt kính chống cận thị dành cho kính áp tròng.

Thanh Tú/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›