Man United đã vượt qua các đợt kiểm tra gần đây của UEFA, vốn tập trung vào việc ngăn ngừa các CLB thua lỗ nặng trong từng năm tài khóa. Tuy nhiên, UEFA đã sắp xếp một cuộc họp vào thứ Hai tới để thảo luận về khả năng tinh chỉnh các quy định trong bối cảnh FFP bị chỉ trích chỉ trừng phạt đầu tư quá mức nhưng bỏ qua nợ nần của các CLB.
Gianni Infantino, Tổng thư ký của UEFA cho biết: “Chúng tôi buộc vào chú ý vào khoản thua lỗ của các đội bóng, và rõ ràng việc trả nợ sẽ là một phần thua lỗ của CLB. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề liên quan tới các khoản nợ”.
Nếu FFP chèn thêm quy định này, Man United sẽ là một trong những CLB bị sờ gáy.
Tổng nợ hiện tại của Man United là 564 triệu USD sau nhiều năm nỗ lực giảm số nợ 1,2 tỷ USD của nhà Glazer khi tiếp quản đội bóng vào năm 2005. Mùa này, khả năng Man United giảm được phần lớn nợ nần là không cao bởi họ không được tham dự Champions League. Hơn nữa, Man United phải chi khoản lương rất lớn sau khi đưa 6 ngôi sao cập bến Old Trafford mùa Hè vừa qua. Trong đó, tiền đạo Falcao hưởng mức lương lên tới 280 nghìn bảng/tuần.
CĐV Man United phản đối nhà Glazer vì để CLB gánh một khoản nợ lớn
Trong cuộc họp thứ Hai tới, đại diện của Man City cũng sẽ tham gia. Đội bóng màu xanh thành Manchester đã bị phạt số tiền kỷ lục 49 triệu bảng vì vi phạm FFP. Nhưng Man City đã lên tiếng phản đối án phạt, cho rằng họ không đáng bị phạt vì làm ăn thua lỗ trong khi lại chẳng hề nợ nần.
Hồi tháng 5, Chủ tịch Khaldoon Al Mubarak chia sẻ trên trang web chính thức của CLB: “Chúng tôi không hề nợ nần. Chúng tôi chẳng chi đồng nào để trả nợ. Với tôi, đó là mô hình bền vững. Tuy nhiên, bạn bè của chúng tôi tại UEFA lại suy nghĩ khác. Họ có quan điểm của họ, còn tôi vẫn giữ quan điểm của mình”.
Ý kiến này của Man City đã được UEFA xem xét. Đó cũng là lý do thúc đẩy cơ quan này tiến hành cuộc họp. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong FFP.
Nếu UEFA hành động, không chỉ có Man United mà nhiều đội bóng lớn của châu Âu đều đứng trước nguy cơ bị phạt. Điển hình là Real Madrid với số nợ lên tới 775,4 triệu USD. Chủ nợ của Real gồm có các ngân hàng, các quỹ tín dụng trực thuộc chính phủ Tây Ban Nha và một số đoàn thể khác. Phần lớn nhất trong tổng khoản tiền nợ kể trên là tiền mà Real phải chi vào quỹ lương trong vòng 12 tháng, lên đến 343,4 triệu USD. Nhưng các khoản nợ dài hạn cũng chiếm phần rất lớn, với 310,4 triệu USD.
K.Đ
Theo Telegraph
Tags