(Thethaovanhoa.vn) - Gunter Demnig bắt thế giới mở mắt khi vấp: Cho đến nay ông đặt được 61.000 viên đá hộc ở 22 nước để nhắc nhở loài người đừng quên các nạn nhân của chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc. Và trước ngưỡng 70 tuổi ông vẫn không hề có ý nghỉ tay.
Một người đàn ông kỳ lạ đang làm một việc kỳ lạ mà có lẽ đó là trường hợp có một không hai của thế giới chúng ta.
Không nhìn, không nghe xung quanh
Gunter Demnig không để tâm đến mọi lao xao quanh mình. Ông quỳ trên vỉa hè ở một phố ngoại ô Cologne, kéo sụp cái mũ rộng vành xuống trán, chụp cái bảo vệ tai lên và chăm chú đục mạch vữa giữa các viên đá vuông lát đường.
Bên cạnh ông là bịch xi măng lẫn sỏi và thùng công cụ gồm máy khoan đá, bay, thước. Tàu điện lanh canh đi qua sau lưng ông, khách bộ hành tận hưởng tia nắng Hè muộn, một bà cụ đi chợ về phải đi vòng để tránh.
Demnig không ngẩng lên. Ông cạy ra ba viên đá, thay vào đó bằng ba khối lập phương bằng đồng thau rồi lấy khăn khô đánh cho nhẵn bóng, để ai cũng đọc được dòng chữ khắc trên đó: “Max Liff, sinh 1885, bị bắt 1942, bị giết ở Auschwitz”, “Berthold Liff, sinh 1922, bị bắt 1942, bị giết ở Auschwitz”, “Jutta Liff, sinh 1896, bị bắt 1942, bị giết ở Auschwitz”.
Demmig dang tay như định cầm tay hai người bên cạnh: “Tôi luôn đặt trẻ con vào giữa cha mẹ chúng, như lúc đi dạo vậy.”
Bản thân ông không có con, ông chỉ có một sứ mệnh: Ở tất cả những nơi nào mà chế độ phát xít Đức từng gây đổ máu, ông muốn giữ gìn ký ức cho đời sau. Và ông muốn trả lại nhân phẩm của những nạn nhân từng bị tù đày, tra tấn, giết hại.
Ý tưởng của ông rất đơn giản mà hữu hiệu: những viên đá mang tên tuổi nạn nhân sẽ làm sống mãi ký ức và biến thành một phần lịch sử thành phố. Không ở dạng tượng đài khổng lồ, mà nhỏ bé thân thương như văn hóa thường nhật.
“Con người bị quên đi khi mất tên”
Sáu triệu người Do Thái, ông Demnig nói, là một con số khó hình dung: “Nó hoàn toàn trừu tượng khó nắm, hệt như địa danh Auschwitz. Lớp trẻ hôm nay đâu có để tâm. Nhưng nếu họ đọc được dòng chữ này thì sẽ hiểu ra: Tội ác ấy đã bắt đầu cụ thể ở đây, ở làng tôi, trên con phố tôi đi, cạnh nhà tôi”.
Ông muốn mọi thứ thật cụ thể. Công việc của ông là động thái cụ thể với búa, đục và bay. Demnig không xuất thân từ tầng lớp trí thức, ông ít thì giờ đọc sách, nhìn bề ngoài ít ai xếp ông vào guồng máy văn hóa. Ông kiệm lời, nói những câu ngắn và đơn giản.
Cùng vợ là Katja, 41 tuổi, ông sống khá chật chội trong một căn hộ tầng trệt, cách mấy khối đồng thau tưởng niệm gia đình nhà lái ngựa Liff chừng năm phút đi bộ. Trước cửa nhà ông chồng chất những viên đá bazalt thô kệch. Trong nhà ông là lịch sử cụ thể, xếp theo bảng chữ cái. Đó là một tường đầy các hộp bìa đựng hồ sơ nạn nhân, là thùng chứa các khối đồng thau khắc sâu mỗi số phận. Ông ưa trích dẫn trong Talmud, một văn bản quan trọng của Do Thái giáo: “Con người bị quên đi khi mất tên”, đó cũng là câu hiếm hoi từ cửa miệng ông, nhưng mang màu triết lý cao xa.
Cho đến nay ông đã hoàn thành công việc của mình ở 22 nước, với 61.000 viên đá để người đời vấp phải, và hầu như mỗi ngày lại thêm một địa danh mới, có thể theo dõi trên mạng dự án OpenStreetMap. Các viên đá bọc đồng đó được chôn trước nơi ở cuối cùng của nạn nhân.
Nhìn vào chỗ nào đau đớn
Đôi khi người ta quên rằng nạn nhân của chủ nghĩa phát xít không chỉ là người Do Thái. Bên cạnh họ là vô số người di-gan, đối lập chính trị, đồng tính, dị giáo… Demnig muốn mọi người tưởng nhớ đến họ, bằng cách làm tiếp công việc của cha mình cho đến lúc chết.
Lúc ông 18 tuổi, ông tìm được trên tầng áp mái một xấp ảnh của cha hồi đi lính cao xạ của Đức. Ông gặng hỏi mà không nhận được câu trả lời. Lịch sử quá đau thương và khiến cha ông xấu hổ đến cuối đời, không thể kể lại cho con trai nghe. Và Demnig không muốn xử lý dĩ vãng bằng im lặng. Ông muốn thế hệ sau hãy dũng cảm nhìn thẳng vào chỗ nào đau đớn, ít nhất thì cũng không quên đi.
1990, ông bắt đầu vẽ lại con đường từ nhà cho đến trại tập trung của các nạn nhân ở Cologne. Nhiều người giật mình, nhưng cũng có người phản đối. Một bà già cả quyết là ở khu phố này không bao giờ có di-gan sinh sống! Chính điều đó thúc đẩy Demnig kiên định hơn trong cuộc chiến chống quên lãng.
“Thoạt tiên tôi nghĩ đến một tấm biển gắn trên tường”, ông kể, “nhưng một người bạn khuyên tôi bỏ ý định đó, vì sẽ có chủ nhà không đồng ý”. Sau đó ông xin phép cơ quan hành chính địa phương để đặt những viên đá tưởng niệm. Từ 1995, ông không xin phép nữa, cứ thế tự ý làm. Cách đây 20 năm ông bắt đầu làm tiếp ở Áo, đất xuất xứ của Hitler. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là ở St. Georgen, gần Salzburg, khi ông đặt viên đá cho anh em Matthias và Johann Nobis dưới trời mưa nặng hạt. Đột nhiên gần 300 người rầm rập kéo đến. Thì ra họ là tông đồ của dòng Nhân chứng Giê-hô-va, muốn đến cảm ơn ông nhân danh hai đồng tín hữu bị tử hình hồi 1940 do không chịu đi lính cho phát xít và tuyên thệ trung thành với Hitler.
Di chuyển 60.000 km mỗi năm
Ông xúc động hơn cả, khi thân quyến của nạn nhân tìm đến. Như mới đây, khi ông đặt viên đá tưởng niệm cho một đôi vợ chồng ở Rotenburg. Sau khi họ bị giết, gia đình ly tán, và hai con gái họ gặp nhau lần cuối trước đây 60 năm. Nhờ sự kiện này mà hai người con đến từ Anh và Colombia. “Trong những khoảnh khắc ấy, tôi biết vì sao mình làm việc này” - Demnig nói. Vì sao mỗi năm ông ở 270 ngày trên đường và đồng hồ cây số trên ô tô đếm đến 60.000 km.
Ngày lại ngày nhấn tên địa phương lên máy chỉ đường của ô tô và đến địa điểm tiếp theo. Cứ ba năm ông lại phải sắm xe mới. Ngay cả khi đã có một quỹ được thành lập để làm công việc này và ông cũng không phải tự sản xuất các khối đồng nữa, Demnig hầu như không mấy khi nghỉ tay. Cách đây một năm rưỡi, ông cùng vợ đi nghỉ mát lần gần nhất, đúng một tuần.
Vì sao? Khi ông đã gần 70 tuổi, lưng đau, và đầu gối trái hành hạ khi trở trời? “Những người khác cũng làm một việc cả đời mà” - Demnig giải thích ngắn gọn. “Công việc là thuốc bổ của ông ấy” - vợ ông đế thêm.
Katja Demnig nhiều khi muốn học việc để phụ chồng, nhưng nhà phát minh viên đá tưởng niệm không cho. “Khi nào không đi được nữa” - ông nói - “tôi sẽ lắp một cái ghế lăn kèm búa máy. Bây giờ tôi chỉ có một vấn đề duy nhất - đó là không thể sống đến 200 tuổi”.
Dĩ nhiên ông không thể để hàng triệu số phận nạn nhân lấy hết tâm trí mình, nhưng ai chê ông làm việc này như thói quen thì sẽ nghe ông kể về viên đá ông đặt ở Erkrath trước đây ít ngày, cho Tomasz Brzostowicz, một công nhân khổ sai gốc Ba Lan, vì yêu một cô gái Đức ở địa phương mà bị gán tội “làm vấy bẩn dòng giống Aria” và bị tử hình hồi 1940. “Liệu những chuyện như thế có thể trở thành thói quen không?” - Demmig giận dữ.
Lê Quang
Tags