Triết lý chung
Cả hai đều chịu ảnh hưởng từ những tiền bối của họ. Ancelotti là một học trò đúng nghĩa của Sacchi, còn Martino không chỉ khâm phục, mà còn coi triết lý của Bielsa là niềm đam mê. Vì thế, cả hai đều là những người thích chơi tấn công với đội hình dâng cao, tạo sức ép liên tục lên phần sân đối thủ. Họ đều là những người thích làm chủ cuộc chơi.
Nhưng vì chịu ảnh hưởng của Sacchi, Ancelotti hướng đến lối chơi có tổ chức chặt chẽ hơn, trong khi Martino cần nhiều những khoảnh khắc “hoang dã” của các cầu thủ. Ancelotti sẵn sàng phá lối chơi của đối phương bằng thể lực vượt trội và các thủ thuật tâm lý, trong khi Martino, cũng như Bielsa, chỉ có một cách duy nhất hạn chế đối phương chơi bóng: Cướp lại bóng thật nhanh sau khi để mất (trên lý thuyết là trong vòng sáu giây).
Hệ thống chiến thuật
Vì thiên về lối chơi chặt chẽ hơn, Ancelotti thích áp dụng hệ thống phòng ngự theo khu vực, còn Martino ưa vây ráp và theo người bằng số đông tùy thời điểm, để cướp lại bóng nhanh nhất có thể.
Ancelotti nổi danh với sơ đồ cây thông ở AC Milan, nhưng hệ thống sở trường đầu tiên của ông là 4-4-2: “Tôi là một học trò của Sacchi, và tại Milan, chúng tôi luôn chơi 4-4-2, thiên về phòng ngự chứ không phải tấn công. Khi đến Parma, trong sáu tháng tôi chỉ sử dụng hệ thống ấy, và (Gianfranco) Zola phải chấp nhận chơi tiền vệ cánh, trong khi anh ấy vốn là tiền đạo lùi. Vậy nên anh ấy đã rời đội sang Chelsea”.
Đó là sự kiện làm thay đổi suy nghĩ của Ancelotti. Sau này, ông trở thành một trong nhà cầm quân hiếm hoi không bị đóng đinh theo một sơ đồ nào cả. Ancelotti cũng đã làm thay đổi nhiều quan niệm về chiến thuật bằng tư duy linh hoạt này, mà nổi bật trong số đó là sử dụng một cầu thủ chuyền bóng ở vị trí thấp nhất hàng tiền vệ, là Andrea Pirlo.
Martino thì chỉ sử dụng hai hệ thống là 4-3-3 và 3-4-3, vì đó là sơ đồ lý tưởng cho lối chơi pressing, ý tưởng mà ông luôn tôn thờ. Tuy nhiên, về cách vận hành, thì ông cũng linh hoạt không kém Ancelotti: Vì thường giữ cự ly đội hình gần nhau (theo chiều dọc lý tưởng nhất của lý thuyết Bielsa là 25 mét), các cầu thủ hoán chuyển vị trí rất cơ động và các hậu vệ cánh lẫn tiền vệ đều có rất nhiều cơ hội làm bàn.
Con người
Đây sẽ là cuộc đọ sức đầu tiên của Tata Martino (trái) và Carlo Ancelotti
Ancelotti thích sử dụng các mẫu cầu thủ đa dạng trong một đội bóng. Đội AC Milan vô địch Champions League 2003 của ông có đủ mọi tố chất, từ những hậu vệ hào hoa như Alessandro Nesta, Paolo Maldini, cho đến kiểu chăm chỉ như Kakha Kaladze, công nhân Gennaro Gattuso, nghệ sĩ Rui Costa, và nhạc trưởng Pirlo. Phía trên là hai mẫu tiền đạo trái ngược: Andriy Shevchenko toàn diện, và Inzaghi ngoài kỹ năng chạy chỗ và dứt điểm, tất cả những phẩm chất khác đều hết sức tầm thường.
Martino thích những cầu thủ thông minh về vị trí, và giỏi chuyền bóng. Trong danh sách 32 cầu thủ đội một của Newell’s Old Boys mùa trước, chỉ có chín người là hậu vệ, bảy tiền đạo, và… 16 tiền vệ! Một trợ lý của câu lạc bộ này từng tiết lộ rằng “ông ấy chỉ làm việc gắt gao với các tiền vệ, đòi hỏi họ phải chạy vào chỗ này chỗ kia, chính xác đến từng chi tiết, và luôn hỗ trợ cho nhau thật nhanh”. Ancelotti thì khác, ông có một đam mê đặc biệt với các tiền đạo: “Tất cả bọn họ đều có những phẩm chất khác nhau. Inzaghi là người chơi vòng cấm giỏi nhất tôi từng biết, còn Ronaldo, dù nặng 100 cân vẫn ghi bàn đều cho mà xem”.
Sau sai lầm với Zola, cách Ancelotti sử dụng cầu thủ cũng đã thay đổi, và thường xây dựng chiến thuật dựa vào phẩm chất các cầu thủ mà ông có: “Tôi nhận ra rằng (Zinedine) Zidane không thể chơi tiền vệ trung tâm hay tiền vệ cánh, nên tôi cho anh ấy đá hộ công, còn đội chơi 3-4-1-2 để hỗ trợ tốt nhất cho anh ấy”. Martino thì khác. Các cầu thủ của ông phải lao động vì hệ thống. Huấn luyện viên người Argentina không hề cổ súy cho chủ nghĩa ngôi sao: Hãy xem Neymar đã chơi đồng đội thế nào sau khi đến Barca, và Lionel Messi cũng không thể được ra sân khi thể lực không cho phép.
Vì hay xây dựng đội bóng theo phẩm chất các cầu thủ, Ancelotti không chủ trương xoay vòng quá nhiều khi đã tìm ra chìa khóa chung của hệ thống. Ngược lại, Martino sẵn sàng xoay vòng cả những ngôi sao quan trọng nhất của mình.
Quản trị
Cả hai huấn luyện viên đều thuộc mẫu ôn hòa và chú trọng giao tiếp với các cầu thủ, nhưng Ancelotti lạnh lùng hơn Martino. Chiến lược gia người Argentina là mẫu người giản dị và thẳng thắn (hãy nhớ ông đã “mắng” Real Madrid vì mua Gareth Bale với giá hoang phí ra sao), và tạo ra cảm giác gần gũi hơn, nhưng đôi khi, sự thẳng thắn ấy cũng có thể tạo ra xung đột.
Nhưng Ancelotti là một người rất giỏi “im lặng và để mọi cây tự đơm hoa”, lời tờ Gazzetta dello Sport. Ông không can thiệp sâu vào mối quan hệ giữa các cầu thủ, chỉ đứng giữa điều hòa nó, với mục tiêu là “làm cho các cầu thủ có nhân cách tuyệt vời như tinh thần hy sinh, sự cầu tiến và lòng vị tha”, còn không khí trong đội thì phải giống như “một gia đình”.
Nhưng dù thế nào, những đội bóng do Ancelotti và Martino dẫn dắt từ trước đến nay đều được hưởng không khí tương đối yên bình trong phòng thay đồ. Cách quản trị của họ tương đối dễ chịu, dân chủ, loại bỏ mọi sự độc đoán và khuyến khích sự sáng tạo, khác biệt.
Kịch bản nào cho Kinh điển?
Về mặt kết quả, rõ ràng Barca đang thể hiện tốt hơn: Đội bóng xứ Catalan tấn công một cách đa dạng và trực diện hơn hẳn, với rất nhiều đường chuyền đủ mọi cự ly, chứ không chỉ là chuyền ngắn như trước đây. Nhưng những mâu thuẫn cũng đã bắt đầu xuất hiện, mà điển hình là những tin tức về thái độ của Messi.
Sự bắt nhịp nhanh của Martino sẽ là lợi thế lớn trong trận kinh điển sắp tới, và có thể là số phận chức vô địch Liga mùa này |
Kinh điển là một trận đấu khó lường, và phong độ của đôi bên thường là vô nghĩa. Những cuộc đối đầu trực tiếp thì lại không phải là điểm mạnh của Ancelotti (hãy nhớ AC Milan của ông đã thua ngược Liverpool sau khi dẫn đến ba bàn ở chung kết Champions League 2005 ra sao), và quá trình tạo dấu ấn của ông ở một đội bóng mới là tương đối lâu và phức tạp.
Sự bắt nhịp nhanh của Martino sẽ là lợi thế lớn của ông trong trận kinh điển sắp tới, và có thể là số phận chức vô địch Liga mùa này.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần