(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến lúc giải nghệ, Sharapova vẫn khiến người ta tranh cãi rằng liệu cô có phải một tay vợt vĩ đại hay không. Nhưng có một điều chắc chắn: “búp bê Nga” đã xây dựng bản thân thành một thương hiệu đích thực.
Tay vợt người Nga không chỉ thành công trên sân quần với 5 Grand Slam trong tổng số 36 danh hiệu WTA lớn nhỏ, mà cô còn là chủ nhân của khối tài sản khổng lồ nhờ niềm đam mê với kinh doanh, cũng như là gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu lớn.
Thương hiệu đích thực
Lần đầu tiên Maria Sharapova xuất hiện ở Grand Slam, khi chạm trán Ashley Harkleroad ở vòng 1 Wimbledon, các tờ báo lá cải đã gọi đó là “Trận chiến giữa hai búp bê”, với hàm ý nhấn mạnh về một màn đọ sắc giữa hai cô gái tuổi teen tóc vàng này. Sharapova đã thắng đối thủ người Mỹ với tỷ số 6-2, 6-1, và tiến thẳng đến vòng 4. Cô bé 16 tuổi chỉ dừng bước sau khi thua đồng hương Svetlana Kuznetsova 1-6, 6-2, 5-7.
Trong phòng họp báo sau chiến thắng trước Harkleroad, một nhà báo đã hỏi Sharapova rằng: “Cô sẽ lấp vào khoảng trống của (Anna) Kournikova thế nào? Đâu là điều khó khăn nhất khi sở hữu một ngoại hình xinh xắn mà vẫn phải tập trung vào môn thể thao mà mình theo đuổi”. Thứ Tư vừa rồi, Sharapova tuyên bố từ giã quần vợt chuyên nghiệp vì lý do tuổi tác và chấn thương dai dẳng ở vai. Song với 36 danh hiệu, bao gồm 5 Grand Slam (1 Grand Slam sự nghiệp), và 39 triệu USD tiền thưởng, đó dường như là câu trả lời muộn mằn, nhưng chính xác nhất cho câu hỏi của nhà báo trên.
Việc Sharapova tuyên bố giải nghệ trên hai tạp chí nổi tiếng Vogue và Vanity Fair dường như là cách cô muốn mọi người được nhớ tới: Một VĐV hiếm hoi mà tầm ảnh hưởng đã vượt qua ngoài môn thể thao mà cô thi đấu.
Thật ra, vị thế ấy của Masha đã tồn tại từ lâu. Kể cả vào thời điểm đỉnh cao với các danh hiệu Grand Slam, sự nghiệp của cô vẫn được biết nhiều tới nhất khi đứng đầu danh sách các nữ VĐV giàu nhất của Forbes. Không một tay vợt nữ nào trong lịch sử mang thương hiệu lớn như Sharapova. "Tầm ảnh hưởng của cô ấy với môn thể thao này, không chỉ quần vợt nữ mà với quần vợt nói chung, thực sự là lớn. Đến bây giờ vẫn vậy. Tôi nghĩ, thương hiệu của cô ấy vẫn rất có sức hút, và nó vượt trên cả thành tích trong sự nghiệp", tay vợt nam số một thế giới Novak Djokovic nhận xét.
Niềm đam mê với tiền bạc của Sharapova luôn khiến người ta tò mò, bởi vì, giống như những kinh nghiệm đầu tiên của cô ở Wimbledon, đó đơn giản là sự phản ánh của một xã hội coi trọng và đánh giá cao ngoại hình. Sau khi đã gây dựng được thương hiệu, tay vợt người Nga đã biết cách tận dụng tối đa yếu tố đó cho công ty của mình, và điều đó giúp cô vẫn luôn bận rộn sau khi giải nghệ. Và đó là trải nghiệm mà rất nhiều đồng nghiệp của Masha không thể có được.
Sharapova không phải Kournikova 2.0
Nhưng Sharapova hoàn toàn không phải một Anna Kournikova thứ hai. Bên cạnh hình ảnh hoàn hảo bên ngoài sân quần, những gì cô đóng góp cho môn thể thao này là rất đặc biệt. 21 tuổi, Masha đã là chủ nhân của Wimbledon 2004, US Open 2006 và Australian Open 2008. Nhiều người chỉ nhớ đến cú sốc mà Masha tạo ra trước Serena ở trận chung kết Wimbledon 16 năm trước mà quên rằng cô từng khiến Justine Henin bất lực như thế nào ở những Grand Slam sau đó.
Sharapova đã chơi thứ quần vợt mạnh mẽ, với những cú đánh mạnh, flat (không xoáy), và biết cách tỏa sáng ở thời điểm quan trọng nhất. Nhưng lối chơi của cô đã bị hạn chế kể từ khi phẫu thuật bả vai năm 2009, khiến cho những cú giao bóng bị ảnh hưởng rất nhiều. Rõ ràng, thật khó để một tay vợt tiếp tục tỏa sáng khi thứ vũ khí mạnh nhất bị mất đi tính sát thương. Thế nhưng, ngay cả khi phải đối mặt với sự khó khăn như thế, Sharapova vẫn biết cách phát huy sức mạnh nhờ vào bản năng chiến đấu, để trở lại ngôi số một thế giới sau khi vô địch Roland Garros 2012 và hoàn tất Grand Slam sự nghiệp.
Hãy quên "búp bê Sharapova" đi, trên sân quần là "chiến binh Masha". Năm 2008, khi đám đông ở Roland Garros la ó cô một cách rất vô lý, Sharapova tung một cú thuận tay ăn điểm và xoay người bằng một chân trước khi gầm lên một câu chửi thề (Allez up your f**king ass). Có thể nhiều người cảm thấy điều đó thật ghê tởm, nhất là khi so sánh với hình ảnh mỹ miều ngoài sân quần của Masha, nhưng nó là cách thể hiện chân thực nhất bản chất của một chiến binh đích thực khi thi đấu.
Án phạt cấm thi đấu vì dương tính với doping đã phủ bóng đen lên sự nghiệp của Sharapova. Điều đáng nói là tay vợt này đã sử dụng meldodium một cách hợp pháp đến 10 năm cho đến khi chất này bị cấm vào năm 2016, nhưng cô không cập nhật, và dương tính tại Australian Open năm đó.
36 Số danh hiệu WTA trong sự nghiệp của Sharapova 5 5 trong số đó là các Grand Slam, bao gồm Wimbledon 2004, US Open 2006, Australian Open 2008, và Roland Garros 2012, 2014. 10 Sharapova là một trong số 10 tay vợt nữ giành được Grand Slam sự nghiệp (trọn bộ Grand Slam) 645 Tổng số trận thắng trong sự nghiệp kéo dài 17 năm của Sharapova. 38,777,962 Tổng số tiền thưởng (USD) mà Maria Sharapova giành được, đứng thứ 3 trong lịch sử. 21 Sharapova từng có 21 tuần đứng trên ngôi số một thế giới, với 5 giai đoạn. 373 Vị trí của Sharapova khi cô tuyên bố giải nghệ là 373 WTA 17 Sharapova là nhà vô địch nữ trẻ thứ ba trong lịch sử Wimbledon, khi cô vô địch Wimbledon 2004 ở tuổi 17. 15 Sự nghiệp của Sharapova bị ngắt quãng bởi án phạt cấm thi đấu 15 tháng hồi năm 2016. 9,1 Chỉ thắng 2/22 lần đối đầu với Serena William, Sharapova đạt tỷ lệ thắng là 9,1%. |
Phương Chi (theo ESPN)
Tags