Đến Việt Nam cách đây hơn 20 năm, chuyên gia kinh tế người Uruguay Martín Rama nói rằng ông bị choáng ngợp với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt của Hà Nội. Thế nhưng, theo dòng chảy của một đô thị đang tiến tới sự hiện đại và thịnh vượng, Martin Rama vẫn yêu Hà Nội theo một con mắt của kẻ "si tình" nhưng không "mù quáng".
Điều đó thể hiện trong cuốn sách thứ 2 viết về Hà Nội mà ông vừa ra mắt:Vì tình yêu Hà Nội (NXB Hà Nội và Tri thức trẻ Books ấn hành). Cuốn sách tập hợp từ 45 bài báo đã được đăng trên các phương tiện truyền thông giai đoạn 2016 - 2022 gắn với chủ đề bảo tồn di sản và phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Cần nói thêm, với độc giả Thể thao và văn hóa (TTXVN), Martin Rama không phải là một cái tên lạ. Năm 2014, ông từng được vinh danh tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Tác phẩm với cuốn sách đầu tiên: Hà Nội, một chốn rong chơi.
Thành đạt gắn liền với bản sắc
* Được biết, cảm hứng đặt tên cho cuốn sách thứ 2 của ông đến từ tên gọi của giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Báo "Thể thao và Văn hóa" tổ chức. Phải chăng, giải thưởng mà ông được vinh danh từ năm 2014 đã mang lại ý nghĩa và động lực mạnh mẽ với ông?
- Phải nói rằng khi viết cuốn sách đầu tiên cách đây gần chục năm, tôi không nghĩ nó sẽ được mọi người chú ý đến, chứ chưa nói đến việc được vinh danh tại một giải thưởng nào.
Nhưng tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ việc được một nhà xuất bản đề nghị được in sách cho đến việc Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vinh danh mình. Khi đó, tôi nhận ra: Việc mình chia sẻ suy nghĩ và tình yêu với Hà Nội có thể tạo ra những phản ứng tích cực với cộng đồng. Nhờ đó, tôi có động lực để thực hiện cuốn sách thứ 2 này với mong muốn tiếp tục chia sẻ với cộng đồng về quan điểm bảo tồn vàphát triển di sản.
* Cụ thể, thông điệp của ông qua cuốn sách thứ 2 này là gì?
- Tôi muốn trao đổi với mọi người về sự thịnh vượng và thành đạt. Bây giờ chúng ta đang hướng tới sự thịnh vượng và thành đạt với những khái niệm về sự hoành tráng và hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta sẽ sớm nhận ra thành đạt chính là những gì gắn liền với giá trị, bản sắc mà mình bảo tồn được.
Chính vì thế, cuốn sách lần này của tôi thể hiện 2 khía cạnh: Một giá trị thực dụng - thực tế và khía cạnh thành công, thịnh vượng. 2 khía cạnh có mức độ phát triển khác nhau, bởi nếu chỉ thực dụng thì chúng ta có thể phá bỏ di sản nhưng nếu muốn thịnh vượng và tiến tới thành công thì chúng ta cần giữ lại những gì thuộc về di sản.
* Và sự lựa chọn của ông là gì để có một Hà Nội thịnh vượng và thành đạt trong tương lai?
- Khi tôi sang Việt Nam cách đây 25 năm, tôi đã yêu Hà Nội ngay từ cái nhìn đầu tiên. Theo thời gian, ngay cả khi có nhiều tòa nhà dần được mọc lên ở đây, tôi vẫn yêu Hà Nội bởi những giá trị cốt lõi của thành phố vẫn giữ được. Hồn phách của Hà Nội vẫn còn nguyên với những con đường rợp bóng cây, không gian xanh quanh những chiếc hồ trong thành phố hay vỉa hè để người dân đi bộ. Với tôi, đây là một phép màu may mắn!
Tất nhiên, khi đang trên đà phát triển, chúng ta thường có tâm lý bỏ cũ, xây mới mà quên mất giá trị của cái cũ chính là nền tảng để thành phố có cá tính riêng, có sức sống mạnh mẽ và cũng là có sự hấp dẫn đối với thế giới.
Vì thế, tôi nghĩ, thách thức lớn nhất lúc này với Hà Nội chính là việc mỗi người dân sống ở đây sẽ suy nghĩ và hành động như thế nào với những gì thuộc về di sản.
Với quan điểm cá nhân, tôi sẽ lựa chọn bảo tồn những gì thuộc về di sản cả trong và ngoài, bao gồm bảo tồn về hình dáng kiến trúc đặc trưng của không gian sống lẫn bảo tồn về con người. Nhưng đồng thời, cách bảo tồn ấy cũng cần tạo ra được lợi nhuận để thu hút các nhà đầu tư tại chỗ.
Cuốn sách Vì tình yêu Hà Nội của Martin Rama có bố cục gồm 5 chương: Hà Nội thật đặc biệt; Di sản là gì; Các chiến dịch bảo tồn; Thiên sử ca Bùi Chu; Một dự án cho Hà Nội, vì tình yêu Hà Nội. Đây là cuốn sách thứ 9 trong tủ sách Hà Nội phố và người của Tri Thức Trẻ Books.
Ở nhà tập thể và đi cầu thang bộ
* Kể từ khi ông đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái đến nay cũng đã gần 1 thập kỷ. Trong giai đoạn ấy, ông đã tiếp tục cuộc hành trình gắn bó với Hà Nội như thế nào?
- Vâng, chính xác là đã 9 năm - một khoảng thời gian dài. Về cá nhân, tôi đã mua 1 căn nhà ở Hà Nội. Căn nhà của tôi nằm trong một khu tập thể và rất đúng với ý tưởng của tôi về những căn tập thể cũ ở Hà Nội mà tôi đã đề cập trong cuốn sách (cười).
Ở góc độ phát triển kinh tế, tôi đã nung nấu nhiều ý tưởng để Hà Nội phát triển thịnh vượng mà vẫn giữ được những đặc tính của mình - những đặc tính mà hầu hết nhiều thành phố hay quốc gia trên thế giới đang trên đà phát triển thường đánh mất.
Còn về bảo tồn di sản, tôi đã có nhiều hoạt động xung quanh các công trình tại Hà Nội. Nhìn chung, tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng để có thể góp phần trong bất cứ chiến dịch nào liên quan đến các hoạt động bảo tồn di sản tại Việt Nam.
* Sở hữu một căn nhà Hà Nội -tình yêu của ông với Hà Nội quả là thực tế! Nhưng không biết, ông làm thế nào để cân bằng không gian sống giữa cũ và mới khi lựa chọn một căn hộ tập thể như vậy?
- Đó là một câu hỏi thú vị! Trong quá trình cải tạo nhà, quả thật điều khó nhất với tôi chính là làm sao giữ được "tính cách" cũ của ngôi nhà nhưng vẫn phải đảm bảo những yếu tố tiện nghi cho cuộc sống hiện đại. Thế nên, tôi đã giữ lại khung tường và các cánh cửa. Tôi chỉ chia lại các phòng cho hợp lý về ánh sáng.
Như bạn biết, hầu hết các khu tập thể hiện nay đều gắn liền với các "chuồng cọp", còn tôi lại biến nơi này thành ban công đón nắng và làm vườn ở đây. Ngoài ra, tôi bố trí nội thất cho căn hộ theo âm hưởng châu Á, nổi bật là những viên gạch cũ của Hà Nội.
* Tôi đang tự hỏi, vì sao trong lúc mọi người thích tiện nghi trong một ngôi nhà hoặc một chung cư có thang máy thì ông lại chọn việc leo thang bộ mà không cảm thấy bất tiện nhỉ?
- Căn hộ của tôi ở tầng trên cùng của một khu tập thể 4 tầng. Với 2 lượt cầu thang mới đi qua 1 tầng, có thể tính ra là tôi ở tầng 8. Mỗi lần về Việt Nam, xách valy lên nhà với quãng đường như vậy, kể cũng hơi mệt thật. Nhưng một người đã lang thang đường phố, đi qua từng ngõ ngách để viết Hà Nội - một chốn rong chơi thì điều này không quá phiền phức, thậm chí tôi nghĩ việc leo cầu thang còn tốt cho sức khỏe.
Nói thêm một chút, những khu tập thể ở Hà Nội có thể không quá đặc biệt về kiến trúc nhưng lại chứa đựng nhiều kỷ niệm, chứng kiến lịch sử thành phố và cuộc đời của nhiều người. Nếu so sánh với những công trình hiện đại ở các thành phố lớn, tôi cho rằng những ngôi nhà này mới mang nhiều giá trị về di sản.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Việc bảo tồn các di sản kiến trúc tại Hà Nội nên có nhiều phương hướng khác nhau. Ở đó có những công trình rất đặc biệt - như căn nhà số 8 Chân Cầm - và cũng có những căn nhà có kiến trúc đơn giản hơn thế. Nhưng không cứ phải là một căn nhà hay biệt thự có kiến trúc đặc biệt mới cần được bảo tồn, trong khi các ngôi nhà khác thì bị dỡ bỏ. Bởi sự thay đổi như vậy, sẽ ảnh hưởng đến không gian và bản sắc chung của cả thành phố" - Martin Rama.
Tags