(Thethaovanhoa.vn) - Thật kỳ lạ, mặt cỏ lại là vấn đề lớn nhất của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam V-League vắt qua tuổi 18. Thậm chí, mặt cỏ còn trở thành bộ mặt của cả nền bóng đá quốc gia...
- V-League và câu chuyện Top 10 châu Á
- V-League 2018: Khi 'chùa Bà Đanh' thành 'chảo lửa'
- Tổng kết V-League 2018: Thúc đẩy cấp phép CLB chuyên nghiệp và cải tạo mặt sân
Theo thống kê mới nhất, chỉ có 5/24 CLB chuyên nghiệp Việt Nam đạt chuẩn AFC, về nhiều yếu tố, trong đó có mặt cỏ - yếu tố quan trọng đầu tiên, quyết định một sản phẩm bóng đá. Với Thái Lan là 8, Hàn Quốc là 21, còn Nhật Bản là 47 CLB.
V-League bao năm qua vẫn bị xem là cỗ máy ngốn tiền. Rất, rất nhiều tiền đổ vào các CLB mỗi mùa giải, song không hiểu sao, các đội bóng Việt Nam lại không ý thức một cách đầy đủ vai trò của hệ thống sân bãi, từ sân tập đến sân thi đấu, và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo trẻ.
Từ khu Tuyên Sơn (Đà Nẵng), đến các sân tập của Hà Nội ACB hay Hòa Phát cũ ở mạn Mỹ Đình (Hà Nội), rồi sân tập Trường Nghiệp vụ TDTT Đồng Tháp, 2 sân phụ Bình Dương, khu đào tạo trẻ Khánh Hòa và Nguyễn Khuyến (Nha Trang)…, việc hoang hóa, hoặc chỉ sử dụng cho phong trào thuê, thực sự phí phạm.
Song, ở đây chúng ta tạm thời chỉ bàn đến việc cải tạo mặt cỏ sân thi đấu chính thức. Chỉ có CLB Hà Nội, Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa, SLNA và Đà Nẵng đạt chuẩn AFC về chất lượng mặt sân thi đấu. 4/5 đội bóng này hiện vẫn sử dụng sân thi đấu cũ từ thời bao cấp, chỉ có Hòa Xuân của Đà Nẵng được xây mới.
Điều đó chứng tỏ, vấn đề quyền lợi và trách nhiệm giữa tư nhân và Nhà nước, trong việc nâng cấp sân bãi, các phòng chức năng cũng như mặt cỏ, không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ, những người làm bóng đá có sẵn sàng tài phán, sẵn sàng xắn tay vào làm việc thực sự hay không mà thôi.
Mặt cỏ tác động trực tiếp đến chất lượng của trận đấu, rộng hơn là quyết định chất lượng một sản phẩm bóng đá có đạt chuẩn hay không. Ở Thai Premier League, ngay cả đội chủ nhà cũng chỉ tập nhẹ một buổi trên sặt sân thi đấu vào cuối tuần, các ngày còn lại nó được tu dưỡng, chăm sóc một cách kỹ lưỡng.
Còn ở Việt Nam, từ Mỹ Đình đến Hàng Đẫy, Thống Nhất, Bình Dương, Đồng Tháp…, vẫn được cho các đội bóng phong trào thuê lại sử dụng, với chồng chéo các giải đấu khác nhau, hoặc cho các mục đích khác ngoài bóng đá như tổ chức ca nhạc, hội trợ, triển lãm…, khiến mặt sân phải oằn mình vì quá tải.
Việc tận dụng tối đa chức năng của sân thi đấu, cũng như lơ là trong duy tu, khiến cho nhiều thời điểm, các trận đấu ở V-League như thể đang được tổ chức trên đám ruộng. Mấy năm trước, người Hải Phòng đổ thừa cho sương muối và mưa phùn kéo dài ở miền Bắc, khiến sân Lạch Tray loang lổ, cỏ không mọc được.
Việc cải tạo mặt sân không phải là vấn đề khó, nhưng nó phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, bắt đầu từ việc cải tạo cốt nền, với các SVĐ cũ đã được sử dụng từ nhiều thập niên qua. Cốt nền, cùng hệ thống tưới và thoát nước tốt, thì việc duy tu mặt cỏ (sau khi trồng mới) cũng dễ dàng, thuận lợi hơn.
CLB Hà Nội đã chấp nhận hy sinh nửa mùa giải rời Hàng Đẫy, để cải tạo mặt cỏ, cũng như các phòng chức năng, kéo dài từ kết thúc mùa giải trước đến giai đoạn 2 mùa sau. Nhưng, nếu kêu gọi một đội bóng khác làm điều tương tự, e là khó, bởi tâm lý "ăn quẩn", tận thu, chưa kể mặt sân xấu có khi lại là một thuận lợi.
Việc chuẩn hóa các CLB chuyên nghiệp theo AFC ảnh hưởng trực tiếp đến các suất chơi các giải bóng đá châu lục dành cho CLB như AFC Champions League hay AFC Cup. Nếu mùa giải 2019, đội vô địch Cúp quốc gia là B.Bình Dương bị tước quyền chơi AFC Cup (vào tay FLC Thanh Hóa), vì chưa đạt chuẩn, lúc đó cũng đừng ngỡ ngàng, hay đổ bởi tại. Cái gì cũng có nguyên do của nó..
Tùy Phong
Tags