INFJ (Người che chở) là nhóm tính cách được ghép lại từ những đặc điểm: Hướng nội, Trực giác, Cảm xúc và Nguyên tắc trong trắc nghiệm tính cách MBTI. Đây là kiểu tính cách có rất nhiều đam mê, hoài bão và có xu hướng tiếp cận cuộc sống với suy nghĩ và trực giác sâu sắc.
Những người thuộc nhóm tính cách INFJ thường được đánh giá là người có vẻ ngoài điềm tĩnh, ít khi thể hiện cảm xúc ra ngoài mặt, nhưng bên trong lại luôn chứa một dòng suy nghĩ và cảm xúc đang sôi sục.
Cũng giống như các nhóm tính cách khác, INFJ cũng có những mặt tối mà không phải ai cũng biết.
1. Cảm xúc mạnh mẽ
Ngay cả khi mọi người đều nghĩ rằng INFJ là người điềm tĩnh và trật tự, thì thực tế bên trong họ lại vô cùng rối ren. Tâm trí của người thuộc nhóm tính cách này luôn không ngừng chiến đấu với những cảm xúc của bản thân và họ luôn dè dặt thể hiện chúng ra ngoài. INFJ không muốn chia sẻ cảm xúc của bản thân mình vì sợ bị hiểu nhầm. Tuy nhiên, họ luôn có một nhu cầu mạnh mẽ là được tâm sự với một ai đó về những cảm xúc và suy nghĩ của mình.
2. Bướng bỉnh
Thay đổi là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng INFJ gặp khó khăn trong việc chấp nhận những thay đổi. Điều này cho thấy nhóm tính cách này khá cố chấp và bướng bỉnh. Đây cũng là người có xu hướng lên kế hoạch quá nhiều cho tương lai, nhưng không phải mọi thứ lúc nào cũng đều diễn ra theo ý muốn, và INFJ khó có thể chấp nhận được điều này. Tâm trí của họ dễ trở nên bồn chồn và lo lắng mỗi khi mọi thứ không xảy ra theo đúng kế hoạch.
3. Dễ dàng căng thẳng
INFJ không cảm thấy thoải mái khi buộc phải sử dụng khả năng cảm nhận của mình. Nhóm tính cách này dễ trở nên căng thẳng và điều đó khiến họ đắm chìm trong những thú vui thiếu lành mạnh như ăn uống quá độ, mua sắm những thứ không cần thiết, sử dụng chất kích thích… Ở mức độ lớn hơn, sự căng thẳng của INFJ có thể khiến họ có thái độ thù địch với thế giới bên ngoài.
4. Giận dữ
Khi bị đối xử tệ, INFJ sẽ kiên nhẫn đối phó. Ngay cả khi bị tổn thương trong lòng, INFJ cũng cố giữ sự bình tĩnh. Nhưng đôi khi, năng lượng tiêu cực trở nên chồng chất, nhóm tính cách này sẽ phản ứng lại. Có thể chỉ vì một chi tiết nhỏ nhưng cơn giận của INFJ cũng có thể bùng phát một cách bất ngờ chỉ vì đã tích tụ lại quá lâu, quá nhiều. Trong tình huống như vậy, họ có thể không kiểm soát được những gì mình nói hay làm. Nếu biết cách lên tiếng ngay từ những điều nhỏ nhất, INFJ có thể ngăn chặn những cơn giận dữ bùng nổ như vậy.
5. Kỳ vọng quá lớn
Những người này đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho chính mình. Họ cảm thấy họ có khả năng làm những việc mà người khác thậm chí không hề nghĩ đến. Không chỉ đặt kỳ vọng cao ở bản thân, nhóm tính cách INFJ cũng đặt kỳ vọng cao ở những người thân thiết xung quanh mình. Và về cơ bản, càng yêu nhiều thì họ sẽ càng đặt nhiều kỳ vọng hơn. Đặc biệt, INFJ cũng đặt kỳ vọng rất cao trong tình yêu. Họ muốn có một tình yêu vĩnh cửu và hoàn hảo. Nhưng điều đó chỉ khiến họ dễ trở nên chán nản và khiến họ phải đặt câu hỏi về mối quan hệ.
6. Thẳng và thật
Sự trung thực là một điều tốt, nhưng chúng ta cần phải lựa chọn từ ngữ thật cẩn thận. Tuy nhiên, INFJ lại quá trung thực để truyền đạt suy nghĩ của mình một cách nhẹ nhàng. Ngay cả khi họ cố gắng tỏ ra nhẹ nhàng nhất có thể thì lời nói của họ bằng cách nào đó vẫn trở nên thật gay gắt và phán xét. Mặc dù ý định là trong sáng và tất cả những gì họ muốn là đem đến điều tốt nhất cho người khác, nhưng INFJ lại nói nhiều về mặt tiêu cực hơn là tích cực.
7. Thái độ phòng thủ
Nhiều khi người khác có thể làm tổn thương chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể chịu đựng. Một số người mang đến cho chúng ta sự căng thẳng, đau đớn và khổ tâm. Những người đó có thể không phải là người xấu và không hề có ý định làm hại chúng ta, nhưng đối mặt với những người đó khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Và đó là khi INFJ áp dụng một thái độ phòng thủ với tất cả mọi người. Họ cố gắng tránh xa những người có thể khiến họ đau khổ. Ngay cả đó là những người họ hàng, đồng nghiệp hay hàng xóm, họ luôn giữ một khoảng cách nhất định.
Tags