Chị Trần Phương (39 tuổi) cho rằng có rất nhiều cách để chúng ta bày tỏ sự yêu thương của mình đối với những người thân trong gia đình. Cá nhân chị, chị biến yêu thương thành hành động. Những bữa ăn sáng thơm ngon - bổ dưỡng chị chuẩn bị cho ông xã, đặc biệt là 2 con, chính là 1 cách chị chăm sóc yêu thương gia đình mình.
Mới đây, chị Phương có chia sẻ loạt bữa sáng chị nấu cho 2 con lên mạng xã hội đã nhận về rất nhiều sự quan tâm yêu thích của mọi người. Mẹ đảm cho hay: "Bữa ăn sáng rất quan trọng. Nó cung cấp năng lượng cho cả 1 ngày làm việc, lao động và học tập của cả gia đình. Vì thế mình rất quan tâm và đặt yêu cầu cao về các bữa sáng. Đặc biệt với 2 con đang ở độ tuổi hiếu động, cần nhiều năng lượng (bé lớn năm nay học lớp 9, bé thứ 2 học lớp 6) nên mình chăm sóc các bé rất cẩn thận.
Khi con vào tiểu học là mình đã rèn cho các bé thói quen ăn sáng tại nhà. Và con thích điều đó, không có thói quen hay đòi hỏi ăn uống theo sở thích trừ các ngày nghỉ hoặc cả nhà đi chơi".
Kinh nghiệm nấu bữa sáng cho con của mẹ đảm
Chị Phương thích nấu ăn từ nhỏ, đặc biệt bà ngoại chị còn làm hậu cần ở 1 đoàn an dưỡng thuộc Tổng Cục Hậu Cần chuyên chăm sóc người có công với cách mạng, vì thế chị được bà “truyền lửa” yêu thích việc bếp núc từ bé. Lớn lên, mẹ đảm lại mở một khách sạn nhỏ ở Sầm Sơn, luôn tìm tòi học hỏi nhiều công thức nấu ăn từ người thân, sách báo, các trang mạng xã hội… nên những món ăn trong mâm cơm của người Việt không thể làm khó chị.
Thời gian chế biến bữa ăn buổi sáng cho các con chỉ chiếm của chị 30 phút mỗi ngày. Mẹ đảm thường lên thực đơn nấu ăn từ hôm trước. Hầu như chị không trùng lặp món ăn nào trong tuần để các bé không cảm thấy nhàm chán. Buổi sáng hôm sau chị sẽ thức dậy lúc 5h30 để chế biến.
Tầm 6 giờ sáng, các bé nhà chị thức dậy. Sau khi vệ sinh cá nhân xong các con sẽ ăn sáng, nghỉ ngơi 5-10 phút trước khi đến trường. Mẹ đảm làm việc rất khoa học, tiết kiệm thời gian nên 7 giờ sáng là các con đi học và chị cũng xong xuôi những việc cần giải quyết vào buổi sáng.
Vì là bữa sáng nên chị thường nấy bún hoặc phở cho các con.
Ảnh có tinh minh họa
Mẹ đảm cho hay: “Thực phẩm nấu ăn cho gia đình mình thường mua ở các chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị. Gia đình mình có 1 cái thích đó là mẹ đẻ mình nhà gần biển Sầm Sơn. Vì thế bà thường mua đồ hải sản tươi ngon và gửi xuống cho chúng mình. Thực phẩm khi mua về mình thường sơ chế trước, sau đó đem trữ đông.
Khi nấu ăn cho các con, đặc biệt là bữa sáng, mình thường chú ý đến 4 nhóm dinh dưỡng. Ví dụ như protein (trong thịt bò, lợn, gà, vịt, các loại hay các loại hạt), chất xơ (trong rau củ quả), tinh bột (trong cơm gạo, bún, miến),… canxi trong trứng, sữa, sữa chua rồi các loại sữa hạt... tránh những thực phẩm ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của bé trai”.
Thi thoảng mẹ đảm đổi bữa sáng từ bún sang xôi hoặc cháo cho các con không bị nhàm chán món ăn.
Chị Phương còn đặc biệt tâm lý khi để ý xem con trai thích ăn món gì để thường xuyên nấu, nhằm kích thích bé ăn ngon hơn. Ngoài ra, mẹ đảm còn thường xuyên trò chuyện, phân tích giá trị của bữa sáng để các con hiểu và ủng hộ mẹ.
Thi thoảng chị lại nấu cho các bé những món giàu dinh dưỡng tăng sức đề kháng,
ví dụ như yến chưng, tàu hũ,...
“Mình cảm thấy rất yên tâm và hạnh phúc khi bắt đầu 1 ngày mới được tự tay chuẩn bị bữa ăn cho các con, được trò chuyện tạo tâm lý thoải mái khi các con đến trường. Ăn sáng ở nhà sẽ không bị vội, quan trọng là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các con cảm thấy trân trọng bữa ăn, yêu thương mẹ hơn. Con trai mình thường gắp miếng thức ăn cuối bỏ vào bát mẹ và nói: “Miếng này dành cho người nấu bữa ăn đó cho mình”. Nghe thế hạnh phúc lắm” - Chị bộc bạch.
Tags