Melissa Tapper: Chuyện về VĐV dự 2 Thế vận hội trong… 2 tuần

Thứ Ba, 27/08/2024 07:35 GMT+7

Google News

Kết thúc Olympic Paris 2024, các đồng nghiệp của Melissa Tapper ở đoàn Thể thao Australia sẽ phải chờ 4 năm nữa để tìm kiếm một tấm huy chương Thế vận hội nữa. Nhưng nữ VĐV 34 tuổi này thì chỉ cần… 2 tuần.

Tám năm trước tại Rio de Janeiro, Tapper trở thành VĐV Australia đầu tiên tham dự cả Olympic và Paralympic. Sau khi mới tham gia ở Paris, ngôi sao bóng bàn này đang chuẩn bị cho lần xuất hiện thứ tư của mình tại Paralympic. Không nhiều VĐV trong lịch sử làm được điều này, chính xác là 12 người. Trong số đó có Tapper, cung thủ New Zealand Neroli Fairhall, và VĐV gây tranh cãi người Nam phi Oscar Pistorius, người sau này đã bị giam giữ vì vụ bắn chết bạn gái mình.

Yêu Olympic và Paralympic như nhau

Gặp một vấn đề phức tạp khi chào đời, Tapper sinh ra đã bị chấn thương ngoại vi cánh tay sau khi các dây thần kinh giữa cổ và vai phải của cô bị rách, làm cho tay phải của cô bị tổn thương dây thần kinh. Hệ quả, chuyển động cánh tay phải của Tapper rất hạn chế, và khó kiểm soát cổ tay. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự cân bằng và phản ứng lại các chuyển động của cô.

"Tôi đã phải luyện những cú giao bóng rất nhiều để có thể đạt hiệu quả cao nhất có thể. Năm 16 tuổi, tôi được làm cho một cái ốp ở tay phải, và tôi gần như luôn mang nó theo mình. Nó giúp tôi mạnh mẽ hơn và ổn định hơn trong cuộc sống hàng ngày, cũng như trong việc chơi bóng bàn", Tapper chia sẻ.

Tapper đã thi đấu cùng các VĐV bình thường cho đến năm 2009 trước khi được phân loại vào hạng mục bóng bàn para hạng 10. Là vận động viên Australia đầu tiên tham gia cả Olympic và Paralympic, Tapper nói rằng nhiệt huyết của cô với cả hai là như nhau, và việc lựa chọn giữa hai cái này sẽ "không thể". "Đó giống như ai hỏi tôi rằng tôi yêu ai hơn giữa mẹ và cha", cô nói. "Dù thi đấu với ai, mục tiêu của tôi là cố gắng chiến thắng. Tôi rất hài lòng với hiệu suất của mình tại Olympic, vì vậy, tôi đang cố gắng tái hiện điều đó ở Paralympic".

Tại Paris, Tapper cùng các đồng đội Michelle Bromley và Jee Minhyung, đã tiến vào vòng 16 đội đồng đội nữ. Cô đã đấu đến những điểm cuối cùng trong trận đấu với đối thủ từ Đài Bắc Trung Hoa là Chen Szu-Yu, người xếp hạng cao hơn cô gần 200 bậc.

Melissa Tapper: Chuyện về VĐV dự 2 Thế vận hội trong… 2 tuần - Ảnh 1.

Hai tuần sau Olympic, Melissa Tapper sẽ dự Paralympic 2024 cũng tại Paris

Chưa bao giờ coi mình là người khuyết tật

Lớn lên ở vùng quê bang Victoria, cô gái 34 tuổi từ Hamilton cho biết cô chưa bao giờ coi mình là người khuyết tật. Tapper vẫn phải làm các công việc nhà giống như anh chị lớn của mình và không bao giờ cảm thấy khác biệt. "Điều đó đã giúp tôi trở nên kiên cường và giải quyết vấn đề từ khi còn rất nhỏ", cô nói. "Tôi thích việc cố gắng tự cải thiện mình. Đó là việc chỉ muốn thấy điều gì có thể và tôi có khả năng... để cho thấy rằng những người có khuyết tật cũng có thể làm được những việc tuyệt vời".

Tapper lần đầu tiên tiếp xúc với bóng bàn khi cô 8 tuổi và bố mẹ mang một bàn bóng bàn về nhà. Cô thú nhận rằng ban đầu mình không giỏi lắm và anh chị lớn từ chối chơi với mình. Nhưng từ đó, Tapper liên tục tự cải thiện trình độ của mình. Bắt đầu từ trường tiểu học với các cuộc thi dành cho học sinh và tiếp tục vào trung học, nơi từ học sinh đến hiệu trưởng trường đều thử thách để đánh bại cô. Khi ấy, bố mẹ của Tapper đã lái xe 7 giờ đồng hồ từ Hamilton đến Melbourne để cổ vũ cô.

Tapper giành huy chương bạc đồng đội nữ tại Paralympic Tokyo 2020 trước khán đài trống trong thời kỳ dịch Covid-19. Cô nói rằng việc khán giả trở lại ở Paris thật kỳ diệu. "Với những trải nghiệm ở Paris tuần trước, tôi có cảm giác như mình đang bước ra khỏi một cảnh trong phim Gladiator. Thật tuyệt vời, nên tôi hy vọng rằng điều đó sẽ giống như vậy cho Paralympic".

Để giành vé tham dự Olympic, Tapper đã không thua trận nào ở vòng loại của Liên đoàn bóng bàn Australia. Điều này đã mang lại cho Tapper một cảm giác tự tin mà cô hy vọng sẽ mang tới Paralympic. "Tôi rất hạnh phúc với sự nghiệp của mình, và tôi chắc chắn muốn tiếp tục chơi bóng bàn, nhưng về mặt thi đấu, tôi không dự đoán rằng sẽ kéo dài được lâu", Tapper nói.

"Thậm chí tôi không biết liệu có cơ hội để có thể giành vé tham dự Olympic hoặc Paralympic hay không, vì vậy việc được ở đây là một thành tích tuyệt vời cho bản thân tôi. Với tôi, đó là đủ rồi".

Các VĐV từng dự cả Olympic và Paralympic

  • Neroli Fairhall (New Zealand): Dự Olympic 1984, Paralympic 1980, 1988, 2000 đều ở môn bắn cung.

  • Pal Szekeres (Hungary): Dự Olympic 1988 ở môn đấu kiếm. Dự Paralympic 1992, 1996, 2000, 2004, 2008, 2012 ở môn đấu kiếm xe lăn.

  • Sonia Vettenburg (Bỉ): Dự Olympic 1992, Paralympic 1984, Seoul 1988 đều ở môn bắn súng

  • Paola Fantato (Ý): Dự Olympic 1996, Paralympic 1988, 1992, 1996, 2000, 2004, đều ở môn bắn cung.

  • Marla Runyan (Mỹ): Dự Olympic 2000, 2004, Paralympic 1992, 1996, đều ở môn điền kinh.

  • Orazio Fagone (Ý): Dự Olympic mùa đông 1988, 1992, 1994 ở môn trượt băng tốc độ đoạn ngắn. Dự Paralympic mùa đông 2006, 2010 ở môn hockey trên băng.

  • Natalya Partika (Ba Lan): Dự Olympic 2008, 2012, 2016, 2020. Dự Paralympic 2000, 2004, 2008, 2012, 2016, 2020 đều ở môn bóng bàn.

  • Natalie du Toit (Nam Phi): Dự Olympic 2008, Paralympic 2004, 2008, 2012 ở môn bơi

  • Oscar Pistorius (Nam Phi): Dự Olympic 2012, Paralympic 2004, 2008, 2012 ở môn điền kinh.

  • Asunta Legnante (Ý): Dự Olympic 2012, Paralympic 2012, 2016, môn điền kinh

  • Pepo Puch (Áo): Dự Olympic 2004, Paralympic 2012, 2016 môn đua ngựa

  • Ilke Wyluda (Đức): Dự Olympic 1992, 1996, 2000, Paralympic 2012 – môn điền kinh

  • Zahra Nemati (Iran): Dự Olympic 2016, Paralympic 2012, 2016, 2020 – môn bắn cung

  • Melissa Tapper (Úc): Dự Olympic 2016, 2020, 2024, Paralympic 2012, 2016, 2020, 2024 – môn bóng bàn

  • Sandra Paovic (Croatia): Dự Olympic 2004, Paralympi 2020 – môn bóng bàn

  • Michal Feinblat (Israel): Dự Olympic 2004 ở môn Judo, dự Paralympic 2020 ở môn rowing

  • Bruna Costa Alexandre (Brazil): Dự Olympic 2024, Paralympic 2016, 2020, 2024

Phương Chi

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›