(Thethaovanhoa.vn) - Những nhân vật hoạt hình đó mang vẻ đáng yêu khó cưỡng đến với thế giới, khiến trái tim người xem tan chảy. “Sự dễ thương trong văn hóa đại chúng” (pop cute-ture) là cái tên Rolling Stone dành cho những "hiện tượng dễ thương" như chuột Mickey, Hello Kitty và các chú Minion.
Đó không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà là một ý đồ kinh doanh văn hóa cao tay và có mặt ở vị trí chủ đạo của một nền văn hóa.
Không thế hệ nào cưỡng lại được sự dễ thương và người ta có thể thấy truyền thông ca ngợi sự dễ thương mỗi ngày.
Những nhân vật "nhìn là yêu"
Gần đây, thành công của Minions (doanh thu hiện tại 630 triệu USD) tiếp tục chứng minh điều đó. Bộ phim ăn theo Despicable Me không quá xuất sắc nhưng vì quá dễ thương nên đã chiếm được trái tim của vô vàn khán giả.
Hình ảnh những chú Minion xuất hiện khắp nơi, với vô số kiểu ăn theo, cả lợi nhuận và phi lợi nhuận. Hãng McDonald’s tung ra khoai tây chiên Minions, kẹo Minions Tic Tacs, chuối Minions Chiquita, bánh Minions Twinkies…
Hiện tại, Minion nổi tiếng và đại chúng hơn bất cứ ngôi sao giải trí thế giới nào. Lý do rất dễ thấy: các nhân vật màu vàng, mặc quần bò trong Minions đặc biệt dễ thương. Trong những năm qua, chúng vẫn được yêu thích với Despicable Me và đến nay thì thực sự bùng nổ thành cơn sốt.
Minions là trường hợp mới nhất của dòng văn hóa “pop cute-ture”. Không ai có thể chống lại dòng văn hóa này, bởi nó nương theo đúng quy luật của con người: trái tim họ hướng đến những gì xinh xắn, đáng yêu, khiến họ yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hơn một thế kỷ dễ thương
Konrad Lorenz, nhà tâm lý đoạt giải Nobel, tin rằng nhân vật mở màn cho dòng văn hóa này là nhân vật truyện tranh kiêm búp bê Kewpie. Kewpie được họa sĩ kiêm nhà văn Rose O'Neill sáng tạo ra từ năm 1909. Lorenz nhận xét Kewpie chính là “sự phóng đại tối đa của vẻ dễ thương”.
3 năm sau ngày được tạo ra, Kewpie mới trở thành dòng sản phẩm thương mại búp bê sứ và cực kỳ được ưa chuộng đầu thế kỷ 20. Đây được coi là nhân vật mở đầu cho “thời đại dễ thương”. Ngày nay, hình ảnh Kewpie vẫn còn xuất hiện trên bao bì các sản phẩm đồ ăn.
Hơn 2 thập kỷ sau Kewpie, nhân vật sau này trở thành biểu tượng văn hóa Mỹ - chuột Mickey – mới ra đời, vào năm 1928. Bằng hình ảnh cách điệu "dễ thương hóa" một loài sinh vật gặm nhấm không mấy dễ thương trong đời thực, Mickey đã phát triển thành biểu tượng toàn cầu, là đế chế trị giá 100 tỷ USD, ngang với đế chế kinh doanh Coca-Cola.
Hơn cả tiền bạc, chuột Mickey còn thể hiện mối quan hệ giữa sự dễ thương, chủ nghĩa tư bản và việc tạo dựng các thương hiệu khổng lồ. Mối tương quan giữa các lĩnh vực này có vẻ hiển nhiên đối với người tiêu dùng hiện đại. Nhưng phải nhìn từ thời điểm cách đây gần một thế kỷ, khi mọi thứ mới chỉ ở giai đoạn phôi thai, ta mới thấy hết sự trường tồn của những biểu tương về sự dễ thương.
Mickey đã băng qua cả không gian và thời gian để trở thành linh vật trong thế giới vật chất ngày nay. Chú chuột có mặt ở mọi công viên Disneyland trên trái đất, chờ đợi được ôm ấp và chụp ảnh chung.
Chương trình thực tế The Banana Splits (1968) hơi xa lạ với công chúng Việt Nam nhưng đây là nỗ lực đầu tiên kết hợp hoạt hình và phim do người đóng. Vì vậy, các diễn viên trong chương trình vào vai các nhân vật hoạt hình: Drooper, Fleegle, Snorky và Bingo. Chương trình này đã tạo nên đế chế của bộ đôi nhà sản xuất Sid và Marty Kroft.
Còn cô mèo Hello Kitty (1974) đã quá quen thuộc với công chúng Việt Nam. Tác phẩm của họa sĩ Nhật Takashi Murakami phủ sóng rất nhiều nước phương Đông và phương Tây vì độ xinh xắn khó tả và ý nghĩa cảm động đằng sau đó: Hello Kitty không có miệng vì luôn sẵn sàng lắng nghe và không phán xét.
Không chỉ là yêu thích, cô mèo còn như một niềm an ủi. Năm nay đã 41 tuổi, mỗi năm Helly Kitty vẫn mang về 7 tỷ USD.
Thêm một nhân vật khác của năm 1996 là Pokemon, sáng tạo của Satoshi Tajiri, đã thực sự khiến trẻ con mê mẩn. Pokemon đã trở thành thương hiệu trị giá 38 tỷ USD: đồ chơi, loạt phim truyền hình, phim điện ảnh, truyện tranh… Trẻ con khắp nơi săn lùng mọi sản phẩm về nhân vật này.
Nha Đam (Theo Rolling Stone)
Thể thao & Văn hóa
Tags