Lionel Messi rời Barcelona: Sự kết thúc của bóng đá lãng mạn

Thứ Tư, 11/08/2021 10:10 GMT+7

Google News

Chẳng có gì là mãi mãi và hẳn là Lionel Messi cũng cảm thấy anh không có lựa chọn nào tốt nhất ngoài việc rời Barcelona.

Leo Messi chính thức gia nhập PSG, khoác số áo đặc biệt

Leo Messi chính thức gia nhập PSG, khoác số áo đặc biệt

Paris Saint-Germain đã xác nhận việc ký hợp đồng với Lionel Messi sau khi hợp đồng của đội trưởng Argentina tại Barcelona hết hạn vào đầu mùa hè này.

Hơi kỳ lạ khi gọi mối quan hệ giữa một cầu thủ và một CLB trả đã cho anh hơn 150 triệu bảng mỗi năm là “lãng mạn”. Càng lạ hơn khi cầu thủ đó không hài lòng với sự quản lý tài chính yếu kém của đội bóng, những vụ mua bán thảm hại, thất bại nhục nhã ở châu Âu và sự kém cỏi nói chung - cũng như quyết định cho phép người bạn thân nhất của anh ra đi, gia nhập một đối thủ cạnh tranh mà sau đó sẽ vô địch La Liga.

Thực tế của đồng tiền

Mặc dù vậy, theo tiêu chuẩn của bóng đá châu Âu hiện đại trong thời đại tài chính toàn cầu, mối quan hệ giữa Messi và Barcelona vẫn rất lãng mạn. Bởi việc tiền đạo người Argentina rời Barcelona - và đích đến của anh là Paris Saint-Germain - chỉ nhấn mạnh một thực tế tài chính vô cùng ảm đạm và tẻ nhạt của bóng đá toàn cầu trong thời đại này.

Khi Messi mới 12 tuổi ký giấy gia nhập câu lạc bộ, Barcelona được xem là một trong những đội bóng nổi tiếng nhất thế giới lúc ấy: Họ có Romario, Kubala, và tất nhiên, Johan Cruyff, người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của bóng đá hiện đại. Vậy mà 21 năm sau, không thể tưởng tượng là Barcelona không có Messi.

Khi tin tức đầu tiên xuất hiện cho biết Messi không thể tái kí hợp đồng với Barcelona vì quy định giới hạn lương của La Liga, tất cả chỉ đơn giản là không tin điều đó. Thậm chí, nhiều người cho rằng đây là một cách để gây áp lực buộc ban tổ chức La Liga phải thay đổi luật để có thể giữ chân cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Sau cùng thì cũng không ai có thể tin được Antoine Griezmann hay Memphis Depay - chứ đừng nói đến Martin Braithwaite – có thể lấp khoảng trống mà bùa hộ mệnh của Barca, Messi, để lại.

Và có vẻ như Messi cũng không thể tưởng tượng được Barcelona không có anh, mặc dù anh rõ ràng đã nghĩ đến việc rời Nou Camp trong ít nhất 2 năm qua. (Có thể thấy những bánh xe đó bắt đầu quay vài giây sau khi Divock Origi ghi bàn quyết định trong trận thua thảm hại 0-4 của Barcelona trước Liverpool ở bán kết Champions League 2019). Trong cuộc họp báo cuối tuần qua khi anh nói lời chia tay CLB, cầu thủ người Argentina bắt đầu khóc trước khi nói một lời. “Tôi thực sự buồn vì tôi không muốn rời đi bởi đây là CLB mà tôi yêu quý”, anh nói. “Tôi không mong đợi điều này. Tôi chưa bao giờ nói dối. Năm ngoái tôi muốn ra đi; năm nay thì không. Đó là lí do tại sao tôi rất buồn".

Chú thích ảnh
Việc Messi rời khỏi Barcelona sau 21 năm gắn bó cho thấy, trong bóng đá hiện đại, chẳng có gì là mãi mãi

Ở tuổi 34, Messi bắt đầu trải qua cảm giác của một thần đồng già cỗi, càng thêm thất vọng và nặng nề: Anh đã không vô địch Champions League kể từ năm 2015 và chỉ còn cơ hội cuối cùng mang vinh quang World Cup về cho Argentina vào mùa đông tới tại Qatar. Tuy nhiên, anh có lẽ vẫn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nếu không muốn nói các đồng đội tương lai của anh tại PSG là Neymar và Kylian Mbappe, cùng với đối thủ lâu năm Cristiano Ronaldo, là những đối thủ cạnh tranh thực sự còn lại.

Quay trở lại với Barca. Sự ra đi của Messi khỏi xứ Catalunya mà anh gọi là quê hương của mình trong hơn 20 năm sẽ luôn là một bi kịch, nhưng có một nỗi buồn rất lớn về việc bi kịch đó đã diễn ra như thế nào. Việc Messi đầu quân cho PSG dù không bất ngờ thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu nhìn ở châu Âu. Trong tháng trước, á quân Ligue 1 đã bổ sung thêm thủ môn Gianluigi Donnarumma - mới được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất EURO 2020 – từ Milan; trung vệ Sergio Ramos từ Real Madrid; Achraf Hakimi, một trong những hậu vệ cánh trẻ xuất sắc nhất thế giới, từ Inter; tiền vệ Gini Wijnaldum từ Liverpool; và giờ có thể là Messi. Một hàng công có Neymar, Mbappe và Messi có lẽ là hàng công xuất sắc nhất mà thế giới từng chứng kiến, để tham vọng khắc tên “Paris Saint-Germain” lên chiếc cúp Champions League sớm trở thành hiện thực.

Sự lãng mạn chỉ còn là kí ức

Sự ra đi của Messi không chỉ là nỗi buồn vì anh đang gia nhập một đội bóng siêu đẳng - xét cho cùng thì đây là bóng đá của thế kỷ 21. Càng buồn hơn vì đơn giản là anh không còn lựa chọn nào tốt cho mình và chắc chắn là không có lựa chọn nào lãng mạn cả. Dĩ nhiên, Messi có thể ở lại Barcelona, chấp nhận trải qua một mùa giải thất bại (có khả năng) nữa khi CLB cố gắng tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Chẳng gì thì Messi và Barcelona đồng nghĩa với nhau - thậm chí cộng sinh - nhưng những năm cuối cùng của anh ở Camp Nou ngày càng sa sút. Đống đổ nát mà cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu để lại - người đã chi tiêu quá mức (160 triệu bảng cho Phillipe Coutinho vào năm 2018, 135,5 triệu bảng cho Ousmane Dembele vào năm 2017, 120 triệu bảng cho Griezmann vào năm 2019) và ngu ngốc (họ chỉ ghi 55 bàn) đã biến Barcelona đổ vỡ đến mức khó có thể khắc phục được. Vì thế, dù tình yêu giữa hai bên lớn thế nào, cũng không thể có chuyện Messi thi đấu mà không cần lương chỉ để giúp đội bóng của anh thoát khỏi tình trạng này.

Ngược lại, PSG thuộc sở hữu của Qatar vẫn có sự hậu thuẫn mạnh mẽ; Man City thuộc sở hữu của UAE chưa bao giờ từ bỏ tham vọng vô địch Champions League. Chelsea của Roman Abramovich vẫn vậy. Họ chi tiêu mạnh mẽ trong những tháng qua như không hề có chuyện gì xảy ra, trong khi các đội bóng khác đều thắt lưng buộc bụng trong tình cảnh không có người hâm mộ đến sân. Sự mất cân bằng tài chính của bóng đá châu Âu đã trở nên rõ ràng đến mức chỉ những CLB được tài trợ bởi các nhà tài phiệt dầu mỏ mới có thể mua được những cầu thủ ở cấp độ này. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến bóng đá trở nên không bền vững hay lành mạnh và khiến khái niệm lãng mạn về Messi tại Barcelona chỉ còn là một tia sáng mờ nhạt về cái thời một cầu thủ mang tính biểu tượng có thể đến một CLB, truyền lửa đam mê của người hâm mộ và xác định một kỉ nguyên. Những ngày tươi sáng nhất của Messi đã kết thúc, và với việc anh rời Camp Nou, khả năng xuất hiện mối quan hệ như vậy giữa cầu thủ, đội bóng và cả một thế giới thể thao không biết bao giờ mới trở lại.

Bayern Munich thông báo họ đã lỗ khoảng 150 triệu euro trong 18 tháng qua vì đại dịch Covid-19 và khiến khán giả không thể đến sân Allianz. Vì thế, theo CEO của Bayern Munich là Oliver Kahn, bóng đá cần thiết có quy định giới hạn lương. Việc giới hạn lương sẽ cho phép các đội bóng có một sân chơi công bằng. Tuy vậy, việc này sẽ cần có thời gian vì các đội bóng vẫn có những quan điểm khác nhau.

 

Mạnh Hào

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›