(Thethaovanhoa.vn) - Những câu hỏi vẫn chưa hết với đội bóng của Lionel Scaloni nhưng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, họ vẫn có cơ hội thành công ở World Cup 2022.
Còn nhớ năm 2018, Argentina đến Nga với cảm giác bây giờ hoặc không bao giờ. Họ đã thua trong trận chung kết World Cup trước đó. Một thế hệ những cầu thủ tấn công tài năng tuyệt vời đã già cỗi. Lionel Messi đã 31 tuổi và hai năm trước đó đã nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế sau thất bại thứ hai liên tiếp ở trận chung kết Copa America trước Chile. Và cuối cùng, Liên đoàn bóng đá Argentina đã bổ nhiệm một huấn luyện viên năng động và cầu tiến, Jorge Sampaoli, người hứa sẽ khôi phục lại những ngày tháng lạc quan của Bielsista.
Thay đổi
Messi đã ghi một bàn thắng tuyệt vời vào lưới Nigeria và có một trận ra quân đầy tinh thần trước Pháp ở vòng 16 đội, nhưng rồi kì World Cup vừa qua là một nỗi thất vọng lớn. Họ có trận hòa buồn tẻ trước Iceland và một thất bại toàn diện trước Croatia.
Trong khi đó, chiếc ghế dẫn dắt đội tuyển Argentina dường như khiến Sampaoli bị choáng ngợp, khuôn mặt xám xịt và đổ mồ hôi khi ông không thể khắc phục được sự kém cỏi ở hàng hậu vệ chậm chạp trước yêu cầu chơi dồn dập và đẩy cao đội hình của ông.
Rõ ràng là Sampaoli phải đi, nhưng AFA, vốn bất đồng nội bộ do đấu đá phe phái, cũng lúc tốt lúc dở trước khi thanh toán hết hợp đồng cho HLV người Chile. Khi Lionel Scaloni, cựu hậu vệ cánh của West Ham, được bổ nhiệm thay thế, ban đầu với tư cách tạm quyền, thì lí do lớn nhất của anh, sau khi từng là trợ lí của Sampaoli, là hợp đồng có giá trị không lớn.
Sau cùng thì bóng đá Argentina lúc này đầy bi quan: Dây chuyền sản xuất từng giúp họ dự 5 kì World Cup của U20 từ năm 1995 đến 2007 đã bị phá vỡ và quyền lực của Messi dường như đang suy yếu.
Tuy nhiên, đôi khi mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Năm ngoái, Argentina đã đánh bại Brazil ngay tại Maracana để giành Copa América. Đó là một giải đấu bổ sung được thêm vào lịch thi đấu để gây quỹ cho các liên đoàn nghèo khó dưới chiêu bài chỉnh đốn lại lịch và đây là một sự kiện vô hồn diễn ra trên các sân vận động không có khán giả khi các cầu thủ công khai dự định tẩy chay. Nhưng đối với Argentina, điều quan trọng là cơn hạn hán danh hiệu kéo dài 28 năm đã qua. Và bây giờ là Scaloneta, như đội bóng hiện tại được biết đến, có thể mang đến nhiều hơn.
Vấn đề là họ sẽ giải quyết bài toán Messi như thế nào. Câu chuyện về Messi luôn có gì đó không được trọn vẹn vì thiếu... mặt trái. Kể từ khi đến Barcelona lúc mới 13 tuổi, anh, ít nhất là ở cấp độ câu lạc bộ, luôn thi đấu ổn định và thành công không ngừng. Không có bất kì sự thăng trầm nào như trong cuộc đời của người hùng vĩ đại mà anh luôn phải được so sánh. Người hùng đó là Diego Maradona, người từng bị vỡ mắt cá chân nặng, viêm gan và nghiện cocaine.
Rồi Messi đôi khi phát cáu với đồng đội. Tuy nhiên, đây có thể là vinh quang mà sự nghiệp của anh hướng tới, đưa Argentina ở tuổi 35, sau những gì đã mất, đến với danh hiệu World Cup thứ 3 tưởng không thể có được.
Đó là quan điểm lãng mạn, được thúc đẩy bởi phong độ đặc biệt của Messi cho Paris Saint-Germain trong mùa giải năm nay. Dĩ nhiên thì với Argentina, còn đó những vấn đề thực tế, phần lớn liên quan đến sự kém cỏi của AFA.
Hi vọng
Mới chỉ 1 năm kể từ khi trận đấu ở vòng loại World Cup của Argentina với Brazil bị hủy bỏ khi cảnh sát và các quan chức y tế vào sân trong nỗ lực bắt giữ 3 cầu thủ vì bị cáo buộc vi phạm quy định phòng chống Covid-19. Cristian Romero đã bỏ lỡ trận giao hữu mới đây với Honduras ở Miami vì thị thực được cấp chậm trễ với lí do vào thời điểm Anh tổ chức lễ tang của Nữ hoàng. "Đó là một vấn đề", Scaloni nói, "bởi vì đây là ngày cuối cùng chúng tôi phải gặp nhau và tập luyện, anh ấy không thể ở đây".
Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. Argentina thất vọng về việc giải đấu Nations League đã từ chối họ cả về sự đa dạng và chất lượng của các đối thủ. Chiến thắng trước Honduras và Jamaica đã kéo dài chuỗi trận bất bại của Argentina lên 35 trận và họ đã tiến một bước gần hơn tới kỉ lục 37 trận của Italy.
Chính kỉ lục của Italy được thiết lập giữa hai kì World Cup mà họ không vượt qua được vòng loại, ngay cả khi kết hợp thành công ở EURO, có lẽ cho thấy giá trị của số liệu thống kê như vậy, nhưng có lẽ thích hợp hơn là thành tích của Argentina chỉ bao gồm 4 trận đấu với những đội bóng không phải là Mỹ Latin.
Họ đã gây ấn tượng khi đánh bại Italy 3-0 ở Copa Finalissima - cuộc gặp gỡ giữa những người vô địch EURO và Copa America tại Wembley vào tháng 6 - nhưng bên cạnh đó, trước trận đấu duy nhất của Argentina với một đội không phải Conmebol trong 3 năm qua là chiến thắng giao hữu 5-0 trước Estonia. Đó không phải là một sự chuẩn bị cho World Cup mà ai cũng có thể lên kế hoạch.
Tuy nhiên, bản chất của chiến thắng tại Wembley đã giải tỏa phần nào một chút lo lắng. Tiền vệ Rodrigo De Paul của Atletico Madrid cho biết: “Khi chúng tôi thi đấu ở Italy, một số nghi ngờ về khả năng của chúng tôi khi gặp các đội châu Âu. Nhưng trước các nhà vô địch châu Âu gần nhất, đội đã làm rất tốt. Tôi không cảm thấy như chúng ta đang ở một tốc độ khác".
Các câu hỏi vẫn còn đó, đáng chú ý là ở khu vực hậu vệ cánh có vấn đề lâu dài. Cả hậu vệ phải Gonzalo Montiel hay hậu vệ trái dự bị, Marcos Acuna, đều không chơi thường xuyên cho các câu lạc bộ của họ. Angel Correa và Joaquin Correa có xu hướng được sử dụng từ băng ghế dự bị cho Atletico và Inter. Angel Di María gặp nhiều khó khăn trong thời gian thi đấu tại Juventus. AFA vẫn là AFA.
Nhưng họ có một khuôn mẫu và một phong cách. Họ có sự tự tin. Họ muốn được cọ xát nhiều hơn với các đối thủ mạnh của châu Âu, muốn được dạy bảo nhưng giấc mơ về World Cup cuối cùng của Messi vẫn còn nguyên.
Từ chiến thắng trước Honduras Honduras là một thách thức khác, cơ bắp và quyết liệt, không phải là một đối thủ giao hữu lý tưởng về mặt đó. Nhưng La Scaloneta không dao động. Bộ 3 tiền đạo có thể không có sự hào nhoáng của các tiền bối Argentina trong quá khứ, nhưng họ có sự cân bằng và phối hợp tốt với nhau. Messi dạt vào từ cánh phải để hoạt động như một số 10 và chính từ vị trí đó, anh đã tạo ra hai bàn thắng trước khi hiệp 1 kết thúc, đầu tiên là một pha đưa bóng dễ dàng qua đầu (Papu Gomez tạt bóng thấp và Lautaro Martinez dứt điểm) và bàn thứ hai với một pha chọc khe (Papu Gomez bị cản phá; Messi đá phạt đền). Bàn thắng thứ ba là pha lập công của Messi, có lẽ không quá xuất sắc như bàn thắng vào lưới Mexico năm 2007 nhưng quá đủ để khích lệ những ai tin vào sức mạnh của bảng tỷ số. Có lẽ cũng đáng kể như vậy là khu vực giữa sân được dẫn dắt bởi tiền vệ trẻ Enzo Fernandez của Benfica. |
Mạnh Hào
Tags