- Vì sao người giàu càng giàu hơn: Vùi đầu làm việc thì không bao giờ đủ, muốn kiếm nhiều tiền, quan trọng là động não
- Bi kịch 'làm việc tới chết' của giáo viên Nhật Bản: Số giờ làm dài nhất thế giới, gánh vác từ việc giám sát học trò tới dọn vệ sinh sau giờ học
- 4 cách giúp bạn tìm hiểu văn hóa công ty sắp ứng tuyển
Có lẽ không phải ai cũng thích ứng được với các hoạt động sau giờ làm của công ty.
Ngày nay rất nhiều công ty chú trọng xây dựng văn hóa làm việc cũng như tổ chức hoạt động thú vị ngoài giờ làm giữ chân nhân viên. Các hoạt động networking bên ngoài môi trường công việc cũng là cách để nhân viên kết nối, làm thân và gắn kết hơn với đồng nghiệp hoặc sếp. Đặc biệt là những nhân sự cấp cao hoặc vị trí quản lý thì sự hiện diện của họ càng quan trọng.
Nhưng có lẽ không phải ai cũng hào hứng các sự kiện sau giờ làm, một số người có tính cách ngại đám đông, một số khác thì quá bận rộn (đi học Thạc sĩ, mới lập gia đình, nhà có con nhỏ) nên không thể thu xếp thời gian. Vậy nếu chúng ta là một trong số họ, thì làm cách để nào để từ chối tham gia các sự kiện sau giờ làm mà không bị dán nhãn là “người thiếu hòa đồng”?
Chọn lọc các sự kiện tham gia và không tham gia
Có một sự thật là bạn không thể nào hoàn toàn tách mình ra khỏi mọi hoạt động văn hóa tại công ty. Bởi trở thành một phần của tập thể tức là bạn cũng cần thi thoảng tham dự các sự kiện lớn trong năm. Khi cân nhắc tần suất tham dự sự kiện, tùy vào văn hóa công ty mà bạn có thể chọn lựa tham gia hoặc không. Ví dụ:
- Nếu công ty bạn chỉ tổ chức một sự kiện lớn duy nhất một lần một năm (sinh nhật công ty, tổng kết cuối năm), có lẽ bạn cần xuất hiện.
- Nếu công ty của bạn tổ chức một sự kiện mỗi quý, bạn chỉ cần phải tham dự một hoặc hai sự kiện trong tổng số bốn sự kiện.
- Nếu công ty mỗi tháng đều có một sự kiện nhỏ, thì trong năm bạn chỉ cần tham dự 4-5 lần là đủ.
Tuy nhiên hãy cân nhắc tính chất và tầm quan trọng của mỗi sự kiện để quyết định có tham gia hay không?
Xác lập ranh giới
Khi bạn biết chắc mình sẽ không tham gia một sự kiện nào, hãy chuẩn bị trước một lý do và quyết định sớm để người tổ chức chuẩn bị tốt nhất. Không phải lúc nào bạn cũng cần giải trình rõ, nhưng vẫn nên có một lý do để tránh rơi vào khoảng lặng khó xử khi có người hỏi tại sao bạn không tham dự.
Lý do gia đình thường dễ thông cảm nhất bởi tất cả mọi người đều coi trọng giá trị tình thân. Còn nếu đơn giản bạn muốn về nhà sớm để nghỉ ngơi, nằm dài trên ghế, xem Netflix, thì cứ thành thật là bạn cảm thấy mệt và cần nghỉ sớm.
Từ chối nhẹ nhàng, đừng nghiêm trọng hóa
Quy tắc ngầm là đừng lên tiếng chê bai về sự kiện trước mặt các đồng nghiệp khác. Ví dụ sự kiện sẽ có hoạt động chiêu đãi bia, hay chơi các trò chơi đội nhóm. Nếu bạn lên tiếng chê bai “uống bia say lắm”, hoặc “chơi đội nhóm ồn ào có gì vui đâu”, đồng nghiệp có thể cảm thấy khó chịu vì bạn đang áp đặt ý kiến cá nhân lên hoạt động tập thể, người khác cũng có những cái nhìn không hay về bạn. Chỉ cần đơn giản hoặc nhẹ nhàng như “Tiếc là em không tham gia được” là đủ.
“Chiến thuật” rời đi sớm
Đôi khi, vấn đề không nằm ở tần suất mà là thời gian nán lại. Thay vì hoàn toàn không tham gia sự kiện, bạn vẫn có thể tham gia một chút nhưng rời đi sớm. Lúc rời đi, bạn không quên chào mọi người và để lại lời chúc: “Nói chuyện cùng mọi người vui quá, nhưng em có việc nhà nên phải về sớm mất rồi, mọi người ở lại chơi vui vẻ nhé”. Một cử chỉ nhỏ nhưng vẫn làm mọi người nhớ về sự hiện diện của bạn.
Cập nhật hậu sự kiện
Không tham dự không có nghĩa là bạn bỏ lỡ mọi cuộc vui đã diễn ra trong đêm sự kiện. Hãy tận dụng sự kiện để bắt chuyện với mọi người, hỏi họ đã trải nghiệm những gì. Điều này thúc đẩy sự gắn bó, quan tâm và cảm giác kết nối của bạn với mọi người.
Kết
Đừng quên bạn vẫn phù hợp với văn hóa công ty hoặc quý mến đồng nghiệp thì mới có động lực để tham gia vào các hoạt động tăng tính gắn kết. Quan trọng nhất là bạn vẫn tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nếu thấy các sự kiện công ty đang chiếm nhiều thời gian của bạn, hãy tận dụng các mẹo trên để từ chối, hoặc ít nhất giới hạn thời gian tham dự lại.
Ở một số nơi làm việc, những ai không tham gia hoạt động sau giờ làm thường bị nhân viên khác chọc ghẹo. Thường thì điều này vô hại, nhưng đôi lúc thì họ lại đẩy câu chuyện đi quá xa. Trong trường hợp hành vi “chế giễu” ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn, hãy nhắn tin nói chuyện với họ, và có thể là sếp nếu câu chuyện chưa kết thúc. Hãy đặt ra ranh giới của mình và yêu cầu sự tôn trọng tối thiểu, bởi sau cùng thì năng lực của mỗi người được đánh giá dựa trên hiệu suất chứ không phải tinh thần ăn chơi sau giờ làm.
Tags