Mexico sôi sục vì MV thiêu sống phụ nữ ngoại tình

Thứ Ba, 12/04/2016 16:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Fuiste Mia (You were mine), video nhạc của ca sĩ Mỹ gốc Mexico Gerardo Ortiz (25 tuổi) đã được hơn 25 triệu lượt truy cập trên YouTube. MV này đang gây nên sự phản ứng dữ dội ở Mexico, trong bối cảnh nạn bạo lực tình dục và giết hại phụ nữ ở đất nước này vẫn tăng mạnh.

Trong video là hình ảnh một người đàn ông phát hiện người tình của mình đang ở trên giường cùng một người đàn ông khác. Anh ta rút súng và bắn chết tình địch rồi trói người phụ nữ, kéo lê cô ra ô tô của mình, nhét cô vào cốp xe và cười khi châm lửa thiêu sống người yêu.

Cổ súy bạo lực phụ nữ

Ortiz từng được đề cử giải Grammy với album đầu tay Ni Hoy Ni Manana và đã gắn tên tuổi mình với nhiều khúc “ballad nacro” – các khúc ballad ca ngợi trùm ma túy và mô tả các cuộc chiến ma túy đầy bạo lực ở Mexico, thể loại gây tranh cãi nhưng rất phổ biến ở Mexico. Ortiz chưa có video nhạc nào thu hút nhiều sự quan tâm như Fuiste Mia, phát hành đúng thời điểm 2 trường hợp quấy rối tình dục phụ nữ là chủđề của giới truyền thông ở Mexico.

Hình ảnh bó người phụ nữ trong chiếc áo ngủ chật chội rồi nhét vào cốp xe trong video Fuiste Mia gợi cho người xem nhớ đến cách thức của các băng đảng ma túy ở Mexico, khi chúng thường nhồi thi thể người, nhiều khi đã bị chặt ra thành từng phần và gắn các ghi chú vào đó rồi nhét vào ô tô.

Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức ở Nam California, nơi Ortiz đang sống, ca sĩ cho rằng những phản ứng dữ dội xung quanh video nhạc đã góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về hành động giết hại phụ nữ một cách đầy bạo lực.


Ca sĩ Mỹ gốc Mexico Gerardo Ortiz và hình ảnh trong MV

Tuy nhiên, giải thích của Ortiz vẫn không “xoa dịu” được giới phê bình ở Mexico. Lucia Lagunes, người đứng đầu tổ chức Truyền thông & Thông tin Phụ nữ, một tổ chức phi chính phủ, cho rằng những video như vậy “khiến phụ nữ trở thành tâm điểm tấn công, cổ xúy bạo lực và tái khẳng định định kiến về phụ nữ, thường gây rắc rối cho đàn ông và do vậy đáng bị trừng phạt”.

Đây là đề tài cực kỳ nhạy cảm ở Mexico, đất nước gần một nửa phụ nữ ở tuổi 15 trở lên (chiếm 47%) đã bị bạo lực tình dục.

Bộ Nội vụ Mexico đã lên án Ortiz với tuyên bố “phản đối mạnh mẽ nội dung kiểu này và đặc biệt là video nhạc của ca sĩ Gerardo Ortiz. Video nhạc rõ ràng thể hiện rõ hành động bạo lực với phụ nữ và bình thường hóa tai họa xã hội này”.

Chưa kể, video nhạc của Ortiz còn gây sự quan tâm của giới chức ở bang Jalisco, miền Tây Mexico, họ đã gửi giấy triệu tập Ortiz để thẩm vấn. Cách dây 2 năm, cảnh sát từng thu giữ 6 khẩu súng trường  AK-47 và máy phóng lưu đạn tại ngôi nhà ở Jalisco, nơi quay video nhạc của Ortiz.

Nạn bạo lực phụ nữ ở Mexico

Theo Đài Quan sát Quốc gia về các vụ giết hại phụ nữ, một tổ chức phi chính phủ, trong vòng 4 năm qua có khoảng 600 phụ nữ đã bị giết hại ở bang Mexico và các khu vực gần Mexico City. Bang Mexico cùng với Ciudad Juarez, thành phố giáp biên giới Mỹ, đang “khét tiếng” với những vụ giết hại phụ nữ và là nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ ở Mexico.

Tuy nhiên, tố cáo những hành động bạo lực tình dục đối với phụ nữ ở Mexico không phải là điều dễ dàng. 2 vụ gần đây cho thấy phụ nữ đã trở thành nạn nhân bị chỉ trích khi dám “nói thẳng, nói thật”.

Hôm 8/3, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, nhà báo Mỹ Andrea Noel (26 tuổi) đã đăng lên mạng hình ảnh camera an ninh quay một người đàn ông đã áp sát cô từ phía sau trên một con phố ở Mexico City, kéo váy cô lên và tụt quần lót của cô. Thay vì nhận được sự cảm thông, Noel đã bị phê phán dữ dội rằng quần áo và phong cách sống của cô khiêu khích cho hành động quấy rối tình dục. Sau khi bị những lời đe dọa giết, cuối cùng Noel đã phải chạy trốn khỏi Mexico.

Norma Mora, một huấn luyện viên thể dục cũng từng bị tấn công tình dục giống như Noel. Mora mong ước một ngày nào đó có thể “báo thù” cho các nạn nhân từng bị bạo lực tình dục trên các đường phố Mexico. Cô mua súng bắn điện, bình xịt hơi cay để tự vệ trước khi trông chờ sự thay đổi thái độ của đàn ông. Sự trông chờ không biết tới khi nào bởi Mexico “trọng nam khinh nữ”, bạo lực phụ nữ đã trở thành “thâm căn cố đế”.

Theo Manuel Valenzuela, chuyên gia về các khúc dạng “ballad nacro”: “Chừng nào nạn bạo lực còn cướp đi sinh mạng của nhiều người Mexico hàng ngày thì những ca khúc và video nhạc như vậy vẫn tiếp tục tồn tại như chiếc gương phản chiếu hiện thực cuộc sống”.

Hiện một nhóm các nhà hoạt động đã thu thập được hơn 4.000 chữ ký trên trang web Change.org nhằm thuyết phục YouTube xóa bỏ video nhạc của Ortiz. Chính phủ Mexico đang thúc giục các hãng truyền thông, trang web và cư dân mạng không lưu truyền video nhạc này.

Việt Lâm (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa




Đọc thêm
  • Xem thêm  ›