MG G50 nhập khẩu Trung Quốc vừa gia nhập thị trường xe gia đình đa dụng MPV phổ thông với mức giá rẻ ngang "vua phân khúc" Mitsubishi Xpander, song kích thước, sức mạnh lại tương đương với hạng cao hơn, cỡ Toyota Innova Cross.
Có ngoại hình khá khác biệt so với các "anh em" MG4, MG5, MG7, ZS hay RX, tân binh G50 là tên gọi khác của Maxus G50, chiếc compact MPV được tập đoàn ô tô Thượng Hải SAIC, công ty sở hữu MG sau khi thôn tính Nam Kinh Auto vào năm 2007, bán ra thị trường nội địa Trung Quốc từ năm 2019.

MG G50 ra mắt tại thị trường Việt Nam (trước đó là Philippines) với 3 phiên bản : MT COM (số sàn), AT DEL và AT LUX, giá sau thuế lần lượt 559-698-749 triệu đồng. Bản số sàn của G50 có giá ngang Xpander MT (560 triệu) trong khi bản DEL bằng giá Xpander Cross, trong khi bản cao cấp nhất LUX rẻ hơn bản tiêu chuẩn Innova Cross tới hơn 70 triệu đồng. Cách đặt giá này cho thấy G50 có thể "bắt cá" ở cả hai phân khúc MPV cỡ nhỏ và cỡ trung phổ thông.
Vậy nếu so với các đối thủ ở cả hai phân khúc này, G50 đáng cân nhắc tới mức nào?
Với số đo dài-rộng-cao lần lượt là 4.825 x 1.825 x 1.778 (mm), dài cơ sở 2.800mm, G50 có kích cỡ tương đương Innova Cross, GAC M6, thoải mái hơn Xpander. Kích thước này cho G50 bố trí 3 hàng ghế với 8 chỗ ngồi, riêng phiên bản LUX thiết kế 2 ghế độc lập có tạy vịn cho hàng ghế thứ hai (7 chỗ).

Cả 3 phiên bản sử dụng đèn LED định vị ban ngày và tính năng bật/tắt đèn pha tự động nhưng chỉ có bản LUX mới có đèn pha LED, hai bản kia dùng đèn halogen. Chất liệu giả da mềm cùng nhiều trang bị tiện ích hiện đại được trang bị trên bản cao LUX gồm màn hình giải trí cảm ứng 12,3 inch, kết nối Apple CarPlay, màn hình đa thông tin 10,25 inch, tay lái tích hợp nút bấm điều chỉnh và lẫy chuyển số và cần số.
Các cửa gió, sạc điện thoại được bố trí độc lập cho ba hàng ghế, phanh tay điện tử và ghế trước chỉnh điện. Hai bản dưới chỉ có ghế nỉ, ghế chỉnh cơ. Bản tiêu chuẩn "trần trụi" hơn, không có màn hình giải trí, khởi động chìa khóa, không kết nối Bluetooth…
Động cơ trên cả 3 bản là xăng tăng áp 1.5L, công suất 169 mã, mô men xoắn 285 Nm, hộp số tự động 6 cấp và tự động 7 cấp ly hợp kép ướt - xét về thông số, G50 cho sức mạnh vượt trội so với Xpander (104 mã, hộp số tự động 4 cấp), thậm chí mạnh hơn cả Innova Cross (2.0L, 152 mã), tương đương Hyundai Custin. Chiếc MPV nhập Trung Quốc sẽ có ưu thế hơn khi bứt tốc, tuy nhiên cũng sẽ tiêu hao nhiên liệu hơn, ở tốc độ thấp (trong đô thị) sẽ có độ giật lớn hơn.
So với thiết kế thì trang bị an toàn và công nghệ hỗ trợ lái của G50 không mấy ấn tượng. Hệ thống an toàn ở mức cơ bản với hệ thống chống bó cứng phanh ABS, cân bằng điện tử ESP, hỗ trợ phanh khẩn cấp EBA, phân phối lực phanh điện tử EBD, khởi hành ngang dốc HAC, cảm biến khoảng cách phía sau và camera lùi. Bản cao cấp nhất cũng chỉ có 4 túi khí, còn 2 phiên bản thấp chỉ có 2 túi khí, chưa có gói công nghệ an toàn chủ động ADAS.

Như vậy, với mức giá 2 phiên bản thấp tương tự Xpander, G50 cho khoang lái và hành khách thoải mái hơn (thậm chí hơn 1 chỗ ngồi), mạnh hơn khi tải đủ và trên cao tốc. Bản cao cấp nhất của G50 lại thua Innova và Custin về trang bị an toàn và công nghệ hỗ trợ lái.
Mặc dầu MG đang là thương hiệu ô tô Trung Quốc bước đầu thành công tại thị trường Việt Nam, có độ nhận diện tốt nhờ hệ thống 41 đại lý trên toàn quốc, song "giá rẻ" vẫn được xem là yếu tố nhận diện hàng đầu. So với mức giá tại thị trường Philippines vào khoảng 470-533-578 triệu đồng cho 3 phiên bản, thì mức giá tại Việt Nam hiện nay của G50 vẫn có thể xem là cao. Một số khách hàng tin MG Việt Nam sẽ... giảm giá G50 trong thời gian tới như đã từng với một số mẫu trước đó của hãng.