(Thethaovanhoa.vn) - Gần 3 năm trước, tôi có mặt trong lễ mừng thọ tôn vinh nhà nghiên cứu, soạn giả tuồng Mịch Quang tròn tuổi 100 được tổ chức vào ngày 27/1/2018. Vì lý do sức khỏe, ông không có mặt tại hội thảo, nhưng hơn 30 tham luận gửi đến hội thảo đã đánh giá cao sự nghiệp đồ sộ của ông. Chỉ gần 20 ngày sau, ngày 14/2/2018, ông đã vĩnh biệt chúng ta để lại 101 tuổi trời.
Với lão tướng tuồng Mịch Quang, sự học là suốt đời. Ông kiên trì học tập ở bất cứ đâu: Sách báo, qua các cuộc tọa đàm, hội thảo; học trong những cuộc tranh luận chuyên môn; học bất cứ ai để làm rõ những vấn đề học thuật… Vì thế, ông đã tự phong cho mình danh hiệu “Lão học sinh” trong bài thơ Khai bút xuân Tân Tỵ đầy xúc động: “Tám mươi lăm tuổi tự ta phong/ Hàm lão học sinh có được không/ Học mãi học hoài còn thấy dốt/ Viết rồi viết nữa vẫn chưa xong...”.
Và đến hôm nay, tôi đã viết nhiều về Mịch Quang. Nhưng quả thực "viết rồi viết mãi vẫn chưa xong", vẫn chưa hết được về con người và tác phẩm của ông.
Từ "Thế Khoán” đến “Mịch Quang”
Nhà nghiên cứu Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán (tự là Tử Quang, pháp danh là Như Hòa). Là một nhà Nho đỗ tú tài, cha ông - nhà thơ Tú Diệu Liên cư sĩ - đã rất cẩn thận chọn chữ và đặt tên cho cậu con trai duy nhất của mình. Tìm được chữ “Khoán” với nét nghĩa đẹp, ưng ý và cụ liền lấy đặt tên con Thế Khoán.
Bước vào con đường hoạt động văn nghệ, ông đã tự ý chiết tự chữ “Khoán” ra thành bút danh Mịch Quang: Vì chữ Hán, tên cha tôi có bộ “Mịch” nên cha tôi phải tra tự điển tìm chữ có bộ “Mịch”. Như vậy, tên Thế Khoán do cha mẹ đặt, nhưng cách mạng đã sinh ra tên Mịch Quang.
Vốn văn chương giúp ông thuận lợi trong hoạt động sáng tác, soạn tuồng, viết kịch thơ và nghiên cứu. Vào bộ đội, ông đảm nhận Trưởng ban Văn hóa Trung đoàn 94. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông làm thơ, viết văn, tổ chức nhiều hoạt động cho nhóm văn nghệ của Phân hội, biểu diễn phục vụ kháng chiến.
Sau Hiệp nghị Geneva năm 1954, trên tàu thủy Kilinski của Ba Lan tại cảng Quy Nhơn, ông Mịch Quang cùng vợ con tập kết ra Bắc. Ông làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó Ban Nghiên cứu Tuồng, rồi đến Trường Ca kịch dân tộc và cuối cùng là Viện Sân khấu Việt Nam (năm 1998, Viện Sân khấu sáp nhập vào Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội). Sau năm 1975, ông về làm Trưởng đoàn Tuồng Phú Khánh cho đến khi nghỉ hưu năm 1979.
Thành công về đề tài lịch sử
Cả cuộc đời mình, Mịch Quang đã dành toàn bộ tâm lực, trí tuệ, tài năng nghiên cứu, sáng tác, góp phần bảo tồn, phát huy nền văn hóa dân tộc. Ông có nhiều sáng tác thành công về đề tài lịch sử như Phất cờ nương tử, Vua Hùng kén rể, Quang Trung, Áo vải cờ đào, Trần Hưng Đạo, Thanh gươm hát bội, Má Tám... Hầu hết kịch bản của ông mang tính văn học cao, đậm trí tuệ, có phong cách riêng.
Nhờ vốn am tường văn chương, trước năm 1975, Mịch Quang đã viết vở kịch thơ Vua Hùng kén rể, vở kịch đã được thu thanh trên Đài Phát thanh Giải Phóng. Trên cơ sở kịch thơ đó, ông đã phát triển thành một kịch bản tuồng hoàn chỉnh.
Ông sáng tạo vở diễn Quang Trung. Đoạn đầu của vở tuồng, ông đã hư cấu từ hiện thực lịch sử: Trong vở, Ngọc Hân đang ngắm trăng ở cung riêng, Nguyễn Huệ đang luyện ngoài thành. Bỗng Ngọc Hân được tin báo Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh, nàng uất, giận đến ngất, vì ngày xưa chính nàng đã đích thân xin cho Lê Chiêu Thống được nối nghiệp theo sức ép của Việp quận công. Sau khi trấn an Ngọc Hân, Nguyễn Huệ lại trở ra nơi luyện quân. Ngọc Hân lấy áo bào đưa cho Nguyễn Huệ và nói: “Xin chàng hãy khoác chiếc áo bào cho đỡ giọt sương khuya”. Nguyễn Huệ nói: “Nàng để đó mặc ta, hãy vào nghỉ đi”. Ngọc Hân vào rồi, Nguyễn Huệ cầm chiếc áo bào đưa lên nói một mình: “Nàng công chúa nhà Lê cẩn thận quá! Nàng có biết đâu rằng: Dân áo vải đã quen rồi sương giá/ Với lại/ Kẻ làm tướng nếu giữ mình ấm quá/ Thì/ Hiểu làm sao nỗi lạnh của muôn binh”. Vở tuồng trên được biểu diễn rất thành công trong buổi khánh thành Bảo tàng Quang Trung.
Đặc biệt vở tuồng Thanh gươm hát bội có sức sống lâu bền trong công chúng miền Trung qua nhiều thập kỷ. Đây là vở tuồng lịch sử mà nhân vật chính là danh nhân Ðào Tấn. Vở tuồng được xây dựng năm 1986 khi ông ra Hà Nội làm việc với Viện Sân khấu. Được nghe kể việc vua Thành Thái đã trao cho Đào Tấn thượng phương kiếm để xử lý tên Bồi Ba (mật thám đắc lực của Khâm sứ Pháp) cậy thế lộng hành, về Nha Trang, ông bắt tay viết vở tuồng này. Vở tuồng do NSND Hoàng Chương đạo diễn, Nhà hát Tuồng Phú Khánh dàn dựng, phục vụ Hội nghị khoa học lần thứ ba về thân thế và sự nghiệp Đào Tấn (do Bộ Văn hóa và UBND tỉnh Nghĩa Bình tổ chức năm 1987). Năm 1990, vở tuồng đã đoạt HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Vở diễn làm mới bằng cách tuồng hóa toàn bộ các khâu. Theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Vịnh, cái tài của đạo diễn Hoàng Chương là xây dựng hình tượng Đào Tấn thành một hình tượng đa diện và đa nghĩa như ý đồ của kịch bản; làm cho vở diễn sôi động, gần với đời sống thực, dung dị mà giàu chất thơ, hiện đại mà không mang tiếng “phá tuồng”. Tất cả các nhân vật đều phải diễn tuồng theo khuôn mẫu, từ động tác, trình thức đến ca hát, võ thuật dân tộc, loại bỏ tất cả những cách thức thể hiện không dựa trên nền tuồng truyền thống. Trong vở đã có tới 4 lớp tuồng truyền thống nguyên mẫu đặc sắc, được khai thác từ tuồng Ðào Tấn.
Vở Thanh gươm hát bội sau khi phục dựng đã có diện mạo mới, đậm chất tuồng truyền thống, mở ra hướng đi đúng trong việc nâng cao nghệ thuật tuồng, được dư luận đánh giá cao. Theo GS Hồ Sĩ Vịnh, Thanh gươm hát bội là hình ảnh ẩn dụ sâu xa mà tác giả Mịch Quang muốn nói lên cốt cách cương trực ngay thẳng của một vị quan thanh liêm, đồng thời là tài năng và tính độc đáo của một nhà hoạt động vì nước vì dân, vốn là 2 phẩm chất cao đẹp của Đào Tấn. Đó cũng là chủ đề tư tưởng của vở tuồng.
Bên cạnh văn chương, Mịch Quang đã để lại gia tài đồ sộ về kịch hát dân tộc, nghiên cứu lý luận sân khấu. Về hưu năm 1979, nhưng sự nghiệp nghiên cứu của ông bền bỉ dường như không có tuổi. Thật kỳ lạ, bao năm “ủ kén” giờ là lúc ông “rút ruột” công bố những công trình nghiên cứu: Đặc trưng nghệ thuật tuồng (1988), Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc (1995), Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (1999), Khởi nguồn mỹ học dân tộc (2003), cùng hơn 80 tiểu luận đăng trên báo chí. Qua những công trình đó, ông đã trao truyền nhiều kinh nghiệm quý báu cho ngành sân khấu trên nhiều lĩnh vực: Âm nhạc, cải lương, tuồng, bài chòi, mỹ thuật dân tộc, kịch bản sân khấu, kịch thơ... GS Trần Bảng khẳng định tài năng của Mịch Quang là “Lão tướng tuồng”. Còn GS Trường Lưu tôn vinh ông là một Học giả đích thực...
Tinh thần hiếu học của một bậc thầy
Tiếp nối truyền thống gia đình Nho học, soạn giả Mịch Quang sống chân thực, giản dị, ngay thẳng, khí khái. Cuộc đời ông là minh chứng cho ý chí tiến thủ, vươn lên với tinh thần hiếu học, khổ học thành tài. Hơn nữa, “Lão tướng tuồng” có một tâm hồn nghệ sĩ bậc thầy và một tư duy bác học về nghệ thuật dân tộc.
Ông mang cốt cách của một nhà khoa học chân chính. Cứ lặng lẽ, khiêm nhường, hết lòng làm việc phụng sự cho nghệ thuật dân tộc.
Lấy chữ tâm làm trọng, ông không màng danh lợi, không cầu danh vị, học hàm, học vị: “Tôi không có học hàm giáo sư bởi mải mê với nghiên cứu và đóng góp cho nghệ thuật mà không có điều kiện học hành lấy bằng cấp…”. Dù không có học hàm, học vị, công trình nghiên cứu âm nhạc Việt Nam Cấu trúc động mở, đặc thù quán triệt âm nhạc dân tộc Kinh của ông được giảng dạy, nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt công trình đó được đưa vào giáo trình đại học ở Mỹ và nói như GS-TS Terry Miller (Đại học Kent - Hoa Kỳ) đó là "một tiểu luận khai phóng trí tuệ".
Nhà nghiên cứu Mịch Quang đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất (năm 1999); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001) và 15 năm sau là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 2016). |
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng
Tags