(Thethaovanhoa.vn) - Tại giải vô địch bơi lội thế giới 2019 diễn ra tháng trước, lần lượt Caeleb Dressel và Kristof Milak đã vượt qua những kỷ lục thế giới mà Michael Phelps nắm giữ ở nội dung bơi bướm 100m và 200m. Và đó là lần đầu tiên kể năm 2001, Phelps không còn nắm giữ một kỷ lục thế giới nào nữa.
Liệu kình ngư huyền thoại cảm thấy như thế nào trước thực tế đó? Và cuộc sống của anh kể từ khi giải nghệ sau Olympic Rio 2016 thế nào. Dưới đây là bài phỏng vấn của ký giả Karen Crouse với Michael Phelps được đăng trên tạp chí New York Times mới đây.
Kỷ lục sinh ra là để… bị phá vỡ
* Anh dự Olympic lần đầu tiên ở nội dung 200m bướm, lập kỷ lục thế giới đầu tiên ở nội dung này, và giữ kỷ lục ấy suốt 18 năm. Cảm giác khi hai cột mốc đó bị xô đổ phải chăng giống như khi mất đi hai bảo vật gia truyền của gia đình?
- Việc nhìn hai cột mốc mà mình nắm giữ ra đi trong vòng 1 tuần rõ ràng không phải điều mà tôi mong muốn. Kỷ lục ở nội dung 200m bơi bướm thực sự đặc biệt vì tôi đã giữ nó hơn nửa đời người. Đó còn là cự ly sở trường của chị tôi, Whitney. Bởi vậy, nó không chỉ là kỷ lục của tôi, mà là của gia đình nhà Phelps. Tôi từng nhắn tin cho Bob (Bowman, HLV lâu năm của Phelps) sau khi kỷ lục 100m bướm bị phá vỡ rằng: "Thề với Chúa, nếu kỷ lục 400m cá nhân hỗn hợp bị phá vỡ. Tôi sẽ sẽ đến Colorado Springs để tập với ông". Thật buồn khi kỷ lục ấy không thể đứng vững, nhưng tôi cũng thích nhìn lứa trẻ bứt lên. Thể thao cần những màn trình diễn như thế để phát triển, để tiến hóa. Nếu bạn sở hữu những kỷ lục không thể bị phá vỡ, người ta sẽ tự hỏi: "Lạy chúa, tại sao phải cố gắng làm gì?"
* Anh từng đạt rất nhiều thành tựu, nhất là kỷ lục 8 HCV ở Olympic Bắc Kinh 2018 mà chưa có ai vượt qua. Chiến tích 28 HCV Olympic là cột mốc mà không ai có thể vượt qua. Anh có từng nghĩ thế?
- Sau khi Caeleb giành 8 huy chương ở Hàn Quốc, tôi thấy một bài báo giật tít: "Caeleb Dressel vượt qua Phelps". Không, không hề. Khi tôi giành 7 HCV ở giải VĐTG năm 2007, tôi đã phá 5 KLTG. Kristof Milak mới phá vỡ 1 KLTG, còn tôi phá vỡ 39 KLTG. Hãy tiếp tục đi, phá vỡ kỷ lục đó 10 lần nữa, giữ vững nó 18 năm nữa. Vấn đề nằm ở sự trường tồn.
* Ký ức nào trong anh đáng nhớ nhất: HCV Olympic đầu tiên tại nội dung 400m cá nhân hỗn hợp ở Athens 2004, hay HCV thứ 23 ở nội dung 400m cá nhân tiếp sức ở Rio de Janeiro 2016?
- Tấm HCV cuối cùng chắc chắn đáng nhớ nhất vì đó là hành trình mà tôi có Booms ở đó (con trai Phelps, khi đó mới vài tháng tuổi). Về cá nhân, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất, dù không thể quên được những ký ức Bắc Kinh.
Biết ơn những ngày đen tối
* Người ta nói: "Không biết Phelps sẽ thi đấu tốt thế nào nếu không vướng vào D.U.I (lái xe trong tình trạng say xỉn) và vài vấn đề khác dẫn đến việc phải trị liệu vào năm 2014". Anh nghĩ sao?
- Không có thời điểm đen tối năm 2014 sẽ không có thành tích năm 2016. Đó chẳng phải một kinh nghiệm hay ho gì, nhưng chính nó đã khiến tôi được như hôm nay, được thấy Boomer lớn lên từng phút theo đúng nghĩa đen, và Beckett (con thứ hai của anh) nữa. Nhìn lại 10 năm qua, tôi mới thấy thời gian chứng kiến những đứa trẻ trưởng thành thực sự đáng quý, thực sự hạnh phúc.
* Theo dõi giải vô địch thế giới, anh cảm thấy thế nào về bơi lội?
- Tôi thấy thật vui vì đã tách hẳn được khỏi môn thể thao mà tôi đã gắn bó gần như cả đời này, vì tôi đang tận hưởng cuộc sống hiện tại, và sẵn sàng cho tương lai. Hàng ngày, khi đi dọc hành lang sau đặt lũ trẻ lên giường, được nghe chúng bi bô gọi tên khi thấy những bức ảnh to của mình trên tường. Cảm giác thật tuyệt vời. Nhưng lâu nay, tôi không nói chuyện với các VĐV bơi lội, và tôi cũng không có ý định đó.
* Năm 2016, anh bảo rằng mình đã phải thi đấu ở chung kết Olympic trước ít nhất 1 đối thủ sử dụng doping. Anh có tâm tư gì về nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, chẳng hạn như vụ Sun Yang bị tẩy chay trên bục nhận huy chương mới đây?
- Tôi thực sự thất vọng về cách người ta chọn con đường tắt để đạt thành tích cao bằng việc sử dụng doping, thay vì luyện tập, và rồi được gọi là nhà vô địch. Tôi hiểu được sự thất vọng của số đông dư luận. Nhưng người ta đang tốn quá nhiều thời gian và năng lượng cho một việc mà không nằm trong quyền kiểm soát của họ. Chỉ có một nhóm người có thể thực sự làm sạch môn thể thao này, và đó là FINA.
Thích nấu nướng vì cảm giác yên bình
* Anh và Nicole sẽ đón em bé thứ ba vào tháng Mười tới. Hai vợ chồng sắp bị áp đảo về số lượng rồi nhỉ?
- Tôi không căng thẳng lắm đâu. Nhớ hồi Olympic Rio 2016, tôi còn không biết cách tự chăm sóc bản thân, mà thực tế là trước giờ tôi chưa bao giờ tự chăm sóc bản thân. Từ việc mọi người bảo tôi phải làm gì từ phòng gym đến trong và ngoài bể bởi, tôi đã cố gắng học cách nuôi dưỡng hai đứa trẻ, chăm lo một gia đình, đi du lịch khắp thế giới, đảm bảo rằng Nicole có mọi thứ cô ấy cần và cảm thấy OK.
* Một ngày bình thường của anh thế nào?
- Boomer ngủ dậy là bọn tôi dậy. Về cơ bản là tôi chơi với lũ trẻ từ 6 đến 9 giờ sáng. Tôi làm bữa sáng hầu như mọi ngày trong tuần, thường là bánh kếp hoặc trứng, và bao giờ cũng có hoa quả. Boom thích bánh kếp, còn Beckett thì ăn như một cái máy vậy, con bé ăn tất tần tật: từ bột yến mạch, ngũ cốc, sữa chua. Từ 9 giờ đến trưa, tôi buôn điện thoại, làm một số việc nhà, và chạy bộ. Cuối ngày, tôi đi khắp nhà, từ phòng này sang phòng kia, dọn dẹp từng góc nhỏ, sắp xếp mọi thứ, và sẵn sàng chờ em bé thứ ba chào đời. Đôi lúc tôi cũng đi bơi. Và sau đó, tôi ở trong garage chừng tiếng rưỡi đến 2 tiếng.
Mỗi ngày, tôi cũng đạp xe trên máy từ 50 đến 90 phút, sau đó tập cơ bắp và căng cơ. Thỉnh thoảng tôi cũng đi chơi golf, và thường là vào buổi sáng. Tôi cũng hay nấu bữa tối. Tôi rất thích nấu nướng vì nó mang đến cảm giác yên bình. Lũ trẻ thì chơi ở bên ngoài, và căn bếp khi đó thật yên tĩnh. Tôi từng thích vừa trò chuyện vừa làm nhiều việc cùng lúc, nhưng sau đó, tôi rút ra rằng khi ở trong bếp, tôi cần giữ tập trung cao độ, nếu không muốn làm cháy cả ngôi nhà, hay khiến cả gia đình ôm bụng vì... ngộ độc.
Tuấn Cương (Lược dịch từ NY Times)
Tags