Trong nền văn học Pháp đương đại, Michel Bussi được mệnh danh là "ông hoàng trinh thám" với phong cách viết biến hóa tài tình, bất ngờ đến ngạt thở.
Theo tờ Le Figaro, ông là một trong năm nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2021 tại nước này. Các tiểu thuyết của ông đã được dịch, xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số đã được chuyển thể thành phim.
Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm của Bussi đã được xuất bản, bao gồm: Xin đừng buông tay, Hoa súng đen, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằn trên cát, Kho báu bị nguyền rủa...
Tới đây, nhận lời mời của Viện Pháp, nhà văn Michel Bussi sẽ sang Việt Nam. Nhân dịp này, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tái bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Hoa súng đen, đồng thời cho ra mắt cuốn sách mới nhất của ông có tên Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé.
Đồng thời, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhã Nam phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện trên toàn quốc để bạn đọc yêu thích văn học trinh thám có thể đến, trò chuyện, chia sẻ, trao đổi về tác giả người Pháp thú vị này.
Cụ thể, tọa đàm: "Trinh thám Pháp và Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh - Nhân dịp nhà văn Michel Bussi sang Việt Nam" được tổ chức lúc 15h ngày 25/10, tại phòng Hội thảo, Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Michel Bussi sẽ trao đổi cùng nữ nhà văn trinh thám Việt Di Li về nền văn học trinh thám của hai quốc gia; sự tương đồng, khác biệt, cơ hội, thách thức, cũng như hướng đi để giúp cho trinh thám Việt Nam thành công và khởi sắc hơn.
Buổi tọa đàm đồng thời là dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cho cuốn sách mới nhất của Michel Bussi, Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử Bé?. Cùng đó, chuỗi tọa đàm gặp gỡ nhà văn Michel Bussi - nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Mã 612 - Ai đã giết Hoàng tử Bé? sẽ được tổ chức tại các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh trong các ngày 29/10, 31/10 và 3/11.
Mã 612 Ai đã giết Hoàng tử bé là một cuốn sách hấp dẫn của Michel Bussi khi đặt ra những tương đồng trong cái chết của Hoàng tử bé và vụ mất tích bí ẩn của cha đẻ cậu – nhà văn Saint-Exupéry.
Antoine de Saint-Exupéry mất tích ngày 31/7/1944 trên máy bay trong một nhiệm vụ trinh sát quân sự ngoài khơi Địa Trung Hải. Người ta đã tìm thấy một chiếc lắc tay và vài mảnh vỡ máy bay được cho là của ông vào năm 1998 và 2004, song thi thể ông vẫn chưa bao giờ được tìm ra.
Cuốn sách có lẽ đã có một cuộc đời khác nếu không có số phận bi thảm của người viết nên nó. Bằng cách biến mất, Saint-Exupéry đã cho Hoàng tử bé được sống mãi và trưởng thành...
Michel Bussi tìm cách giải mã sự mất tích bí ẩn của Saint-Exupéry thông qua một "cuộc điều tra hư cấu", dựa trên những sự việc có thật (các trích dẫn từ bản thảo gốc của Hoàng tử bé, những lưỡng lự, lựa chọn, gạch bỏ, của tác giả, sự khác biệt giữa bản viết tay và bản được phát hành, những nhân chứng là người thân của Saint-Ex…), tất thảy khiến cuộc điều tra trở nên vô cùng nan giải.
- Tọa đàm 'Văn học trinh thám hiện đại, giao thoa Đông và Tây'
- ‘Đêm ngàn mắt’ - tiểu thuyết trinh thám mang ‘lời tiên tri’ về cái chết
Thông qua cuốn sách đầy hấp dẫn, lôi cuốn này, Michel Bussi đưa độc giả chu du qua bao miền đất trong một cuộc truy tìm manh mối. Ở đó, ông vẽ nên một cuộc điều tra hồi hộp đến nghẹt thở, để qua đó tri ân Hoàng tử bé và tác giả của nó, người chắc hẳn sẽ sống mãi trong lòng những người yêu quý câu chuyện đầy tính triết lý này.
Michel Bussi, sinh ngày 29/4/1965 tại Louviers, tỉnh Eure, là nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị, giảng viên Địa lý tại Đại học Rouen, ông điều hành Khoa Nghiên cứu Hỗn hợp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp tại đây cho đến năm 2016.
Tháng 1/2019, theo bảng xếp hạng GFK của báo Le Figaro, ông là nhà văn Pháp có lượng sách bán ra nhiều thứ hai (gần một triệu bản năm 2018). Tên ông được đưa vào bảng xếp hạng này từ năm 2014 - ở vị trí thứ tám, 2015 - ở vị trí thứ năm, 2017 - ở vị trí thứ hai.
TTXVN
Tags