(Thethaovanhoa.vn) - Milan và Ralf Rangnick về sơ bộ đạt được thỏa thuận làm việc từ mùa giải 2020-21, trong vai trò huấn luyện viên kiêm Giám đốc kỹ thuật. Đây là điều chưa từng có ở bóng đá Italy.
Milan của Rangnick là mục tiêu mà CEO Ivan Gazidis và chủ đầu tư Elliott hướng đến, giống như mô hình Arsenal trước đây với Arsene Wenger.
Rangnick gật đầu với Milan
Milan thi đấu khởi sắc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dù kết thúc mùa giải với bất kỳ vị trí nào, cuộc cách mạng vẫn sẽ diễn ra với Milan. HLV Stefano Pioli không thể tiếp tục công việc, vì CEO Gazidis và tập đoàn Elliott đơn giản là không thích ông. Ralf Rangnick mới là cái tên mà các quan chức có tiếng nói lớn nhất ở trung tâm Milanello muốn có.
Cuộc cách mạng mà Milan nhắm đến với Rangnick đã được vạch từ nhiều tháng trước. Boban đã sớm ra đi, và Paolo Maldini cũng rời cương vị GĐKT khi mùa giải 2019-20 kết thúc. Mọi thứ diễn ra với mục đích dồn quyền lực vào tay Rangnick. Chính xác hơn là Rangnick quản lý toàn bộ khía cạnh chuyên môn. Nhà cầm quân 62 tuổi người Đức không chỉ ngồi ghế HLV, mà ông còn kiêm luôn vai trò GĐKT.
“Không có quyết định kỹ thuật nào được đưa ra trước khi kết thúc mùa giải”, đại diện Milan lên tiếng với hãng thông tấn ANSA. Thông báo chính thức chưa được đưa ra, nhưng tất cả đều biết Milan và Rangnick đã đạt được thỏa thuận. Một cuộc cách mạng với Milan, cũng như nền bóng đá Italy.
Milan tiên phong ở Italy, nhưng thực tế là đang đi ngược với xu thế chung của bóng đá thế giới hiện nay. Trong vài năm trơ lại đây, vai trò GĐKT hoặc GĐTT rất được quan tâm. Tên gọi có thể khác nhau, nhưng tất cả đều quyết định chính sách chuyển nhượng của CLB. Monchi – GĐTT của Sevilla – đang được nhiều CLB châu Âu chào đón là một ví dụ. Chelsea vừa lấy được Hakim Ziyech và Timo Werner cũng nhờ những người phụ trách kỹ thuật Petr Cech và Claude Makelele. Hay MU cũng tìm kiếm GĐTT mà chưa thành…
Một đội bóng có GĐTT/GĐKT cũng có nghĩa HLV có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho các trận đấu, có thể tập trung vào việc nghiên cứu chiến thuật. Milan chấp nhận đi ngược xu thế hiện tại, khi Rangnick sẽ làm việc trực tiếp với Gazidis để xây dựng đội bóng, cũng như tìm kiếm chiến thắng.
Cuộc cách mạng theo mô hình Arsenal
Khi tiếp quản Milan, Elliott không giấu tham vọng tìm kiếm thành công về tài chính. Vì mục đích thương mại, Elliott lấy Gazidis từ Arsenal. Khả năng kiếm tiền của Gazidis được thể hiện từ Mỹ đến Anh. Trong thời gian Gazidis làm CEO ở Emirates, Arsenal không mạnh trên sân cỏ, nhưng luôn nằm trong nhóm các CLB có doanh thu và giá trị thương hiệu cao nhất thế giới.
Thành công về thương mại của Arsenal được quyết định bởi hai con người: Gazidis và Arsene Wenger. Gazidis quản lý về tài chính, còn Wenger quyết định toàn bộ về chuyên môn. Nhà quản lý sinh năm 1964 ở Na Uy đang muốn biến Rangnick thành “Wenger mới” trong dự án của ông với Milan.
Về mặt lý thuyết, Rangnick hoàn toàn phù hợp với dự án mà Gazidis hướng đến. Rangnick có nhiều kinh nghiệm huấn luyện lẫn quản lý về thể thao. Ông có hơn 3 thập niên giữ cương vị HLV hoặc GĐTT. Khoảng thời gian nổi bật nhất là khi ông làm GĐTT của Red Bull Salzburg và RB Leipzig. Sau đó, ông dẫn Leipzig thi đấu rất nổi bật ở Bundesliga.
Chọn Rangnick, Milan nhắm đến khả năng tìm kiếm và phát triển cầu thủ trẻ của ông, đặc biệt là từ môi trường bóng đá Đức. Không thể phủ nhận Đức đang là nơi đào tạo trẻ tốt nhất thế giới hiện nay. Bóng đá Đức không bao giờ thiếu tài năng trẻ. Với Rangnick, Milan có thể được xây dựng từ sức trẻ, và không loại trừ khả năng sau đó kinh doanh để kiếm lợi nhuận, như Arsenal vẫn làm.
Đội hình Liverpool vô địch Premier League 2019-20 có 4 cầu thủ mà Rangnick phát hiện và góp phần đưa ra ánh sáng, gồm Joel Matip (ở Schalke), Roberto Firmino (Hoffenheim), Naby Keita và Sadio Mane (cùng Salzburg). Vì vậy, Gazidis và Elliott càng xem trọng Rangnick.
Vinh quang là cả một hành trình dài. Trước khi nghĩ đến việc hồi sinh và chinh phục danh hiệu lớn, Milan của bộ đôi Gazidis – Rangnick tập trung vào việc kiếm tiền.
Ngọc Huy
Tags