Minh Hải: 'Tự hào được trao sứ mệnh thiêng liêng đóng vai Bác Hồ'

Thứ Tư, 20/01/2021 19:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Như kỳ trước đã thông tin, trong hành trình 40 năm, vở Đêm trắng phiên bản 2020 (của cố tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn Xuân Bắc) đã chính thức ra mắt khán giả Thủ đô trong 2 ngày (14 - 15/1/2021).

Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'

Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'

Vở kịch Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn đã chạm đến trái tim công chúng khi khắc họa thành công hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh với một thông điệp nhân văn “trừng trị để giáo huấn”...

Làm nên thành công cho vở kịch Đêm trắng là cả ê-kíp sáng tạo, trong đó nổi bật là nghệ sĩ Minh Hải. Anh đã thể hiện xuất sắc hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm năm 1950. Để đến với vai diễn này, nỗ lực lao động nghệ thuật của nghệ sĩ Minh Hải thật đáng nể phục.

Nguyễn Minh Hải Sinh ngày 3/3/1979 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, chàng trai xứ Nghệ đã đam mê nghệ thuật sân khấu, điện ảnh. Năm 1996, Minh Hải quyết tâm thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Anh đã hiện thực hóa niềm đam mê và thỏa nguyện khát vọng từng đeo đuổi khi có tên trong lớp diễn viên kịch - điện ảnh, Khoa Sân khấu do PGS-TS Nguyễn Đình Thi (hiện là Hiệu trưởng nhà trường) chủ nhiệm.

Cơ duyên “trời cho”

Sau 4 năm nỗ lực học tập, tháng 9/2000, Minh Hải về đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam - “Anh cả đỏ” nền nghệ thuật sân khấu kịch nói. Với Minh Hải, đây là khởi đầu không có gì hạnh phúc hơn. Trước khi chạm vai diễn Bác Hồ, Minh Hải vẫn “quẩn quanh”, “loay hoay” tìm lối đi sau những vai nhỏ, nhạt, “chạy cờ”. Có thể do chưa có “đất” phô diễn tài năng, hoặc có nhưng anh “chưa bật nảy khỏi mầm” dù có tràn trào tâm huyết, đam mê cháy bỏng. Dẫu vậy, chàng trai xứ Nghệ vẫn nuôi niềm tin. Có niềm tin là có tất cả.

Vai diễn Bác Hồ đã chọn chàng trai xứ Nghệ, hay chàng trai xứ Nghệ chọn được đóng Bác Hồ? Chắc là cả 2. Mắt xanh đạo diễn hướng chọn anh bởi vóc dáng “hao hao” Bác, chất giọng Nghệ trầm ấm, từa tựa giọng Người, phong thái đĩnh đạc ra chất con người Bác… Minh Hải coi đây như cơ duyên “trời cho”, như “lộc đời” ban tặng.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Minh Hải đóng vai Bác Hồ trong vở kịch “Đêm trắng”

Từ cái thuở ban đầu duyên đến năm 2009, anh liên tục được các đạo diễn chọn mời vào vai Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tính đến nay, Minh Hải đã thể hiện hình tượng Bác Hồ trong khoảng gần 50 tác phẩm sân khấu, phim (điện ảnh, truyền hình), chương trình nghệ thuật…

Ở thể loại kịch (cả ngắn và dài), anh đã tham gia đóng các tác phẩm, như: Bác Hồ ra trận, Nước mắt giữa rừng Pác Bó, Bác không phải là vua, Ông Cụ ở quê ra, Chị em ngày gặp lại, Đêm Giao thừa, Bác Hồ chúc Tết gia đình chị Tín... Ở thể loại phim truyện nhựa, anh đã hóa thân khá nhuyễn vai Nguyễn Ái Quốc trong phim điện ảnh Vượt qua bến Thượng Hải. Ở thể loại phim truyện truyền hình, Minh Hải tham gia phim Ý chí độc lập do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện. Ở 19 tập (45 phút/tập), anh thể hiện hình tượng Bác Hồ trong giai đoạn từ Khởi nghĩa Bắc Sơn (1941) đến trước Cách mạng tháng Tám (1945).

Ngoài ra, Minh Hải được mời thể hiện hình tượng Người trong chương trình đặc biệt Muôn vàn tình thương yêu do Đài Tiếng nói Việt Nam, tỉnh Nghệ An và TP.HCM phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc của Người. Trong chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc năm 2020, nghệ sĩ Minh Hải được mời thể hiện hình tượng Bác Hồ…

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Minh Hải tái hiện hình ảnh Bác Hồ trong chương trình nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu”

“Truyền nhân” của NSƯT Tiến Hợi

Hơn 10 năm được nhận vinh dự này, nghệ sĩ Minh Hải không ngừng tìm tòi, trăn trở, nghĩ suy để tìm ra một cách thể hiện hình tượng Bác Hồ sao cho ấn tượng trong lòng công chúng. Đúng là “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, hình tượng Bác Hồ luôn là kim chỉ nam cho các vai diễn của anh.

Là thế hệ đi sau, mỗi lần hóa thân vào vai Bác, Minh Hải chú trọng đầu tư kiến thức phông văn hóa, kỹ càng chọn lọc tư liệu, phân tích tâm lý, trạng thái cho vai diễn. Anh luôn có ý thức học hỏi những nghệ sĩ đã từng đóng vai Bác Hồ. Anh tìm thấy thế mạnh ở NSƯT Tiến Hợi - người anh đồng hương ở ngoại hình, thần thái, tiếng nói xứ Nghệ trầm ấm, tập trung cái thần trong ánh mắt nhìn sâu, thấu tâm can.

Năm 2012, tại LHP Việt Nam lần thứ 17 ở Phú Yên, Minh Hải đã tranh thủ gặp học hỏi kinh nghiệm anh ấy, nhưng liên hoan đông, nên anh em chỉ kịp gặp nhau chừng 5 phút. Minh Hải thấm điều anh Tiến Hợi nói, nếu vào vai Bác Hồ mà diễn viên chỉ dừng ở mức mô phỏng lại hình tượng nhân vật là chưa thành công. Điều quan trọng là tìm tòi, tạo ra kịch tính, để thể hiện được tâm tư, tình cảm, cốt cách tinh thần của Người trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

Còn với NSƯT Trần Lực tuy không có ưu thế về ngoại hình giống Bác, nhưng bù lại Trần Lực giàu khả năng diễn xuất nội tâm, tinh thần của Bác. NSND Bùi Bài Bình cũng vậy, anh ấy phát huy cách diễn xuất nội tâm, xử lý tình huống rất chắc trong việc thể hiện nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh…

Là nghệ sĩ từng có hơn 40 năm diễn vai Bác Hồ, hóa thân hàng trăm vở diễn lớn nhỏ trên sân khấu, phim truyền hình, điện ảnh, khi được hỏi ai sẽ là người kế tiếp đóng vai Bác Hồ thành công, NSƯT Tiến Hợi không suy nghĩ lâu và đã trả lời ngay: “Tôi ấn tượng với diễn viên Minh Hải của Nhà hát kịch Việt Nam. Cậu ấy đã thể hiện được phần nào tinh thần của Bác”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Minh Hải (giữa) đóng vai Nguyễn Ái Quốc trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”

Quả thật, để “thể hiện được phần nào tinh thần Bác”, Minh Hải đã dày công nghiên cứu kỹ lưỡng những bài viết của các bậc chính khách, các nhà văn hóa, các nhà văn về Người như: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu" - Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Đặc biệt là những cảm nhận tinh tế về Người của nhà thơ Ôxip Manđextam: “Cả gương mặt Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”…

Vinh dự và trách nhiệm thiêng liêng

Đọc và hiểu phong thái của Bác vô cùng giản dị, gần gũi, yêu thương con người, giàu nghị lực, ý chí đấu tranh, Minh Hải dần định hình cho mình một lối diễn xuất dung dị, đa dạng tâm lý (hiền từ, nhân hậu, cương nghị, cứng rắn…); nhất quán trong phong cách để cuối cùng thể hiện được hình tượng Hồ Chí Minh mang cốt cách, tinh thần cao cả, thiêng liêng...

Thế nên, thực hiện vở Đêm trắng, Minh Hải nói: “Em đồng quan điểm với cách thể hiện con người Hồ Chí Minh, như đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc nói, dựng hình tượng Bác Hồ theo cách hiểu và tình cảm của tôi yêu quý, tôn kính Bác. Những câu chuyện ứng xử của Bác với người dân, với chiến sĩ luôn toát lên sự chân thành, dung dị và ấm áp. Vì thế, chúng ta khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách chân thật nhất, giản dị nhất. Vai diễn Bác Hồ có rất nhiều cung bậc. Cùng lúc em phải phối hợp nhiều “binh chủng giáp công”, lấy cảm hứng từ những bài thơ về Bác, dân ca xứ Nghệ, phim ảnh, giọng đọc của Bác… để nhập tâm nhân vật. Vì tập trung cho Đêm trắng nên em phải dừng đóng phim Câu chuyện pháp sư cho Viettel Media. Vì được đóng Bác Hồ, em không ngần ngại cạo, cắt tóc đi...".

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở “Đêm trắng”

Minh Hải tâm sự chân thành: "Sau 15 năm, được Nhà hát tin cậy giao nhiệm vụ đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, em cảm nhận được vinh dự và trách nhiệm rất đỗi thiêng liêng. Tấm gương đạo đức của Bác, ta học cả đời cũng không học hết được. Em xác định đây là vai diễn quan trọng và cực khó. Hóa thân vào nhân vật Bác, em xúc động đã khóc rất nhiều. Em nhớ lúc Bác Hồ vừa xuất hiện, diễn viên đóng bộ đội xúc động khóc đến mức quên mình là diễn viên và thậm chí còn quên cả lời thoại. Khi vở diễn kết thúc, chào khán giả, nước mắt em vẫn giàn giụa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xem xúc động lắm. Khi lên sân khấu chúc mừng ê kíp Đêm trắng, em vẫn thấy cô ấy khóc".

Tôi chứng kiến điều đó khi lên tặng hoa nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ trong niềm xúc động rưng rưng.

Minh Hải đang nỗ lực tiếp nối đội ngũ các nghệ sĩ, như: Mạnh Linh, Lê Tiến Thọ, Hà Văn Trọng, Ngọc Thủy, Tiến Hợi, Trần Lực, Trần Thạch, Bùi Bài Bình, Mạnh Trường, Minh Đức… góp phần thể hiện thành công hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên sân khấu và điện ảnh.

Có lần tôi hỏi Minh Hải về những giải thưởng sân khấu, điện ảnh đã đoạt được. Giọng trầm buồn, em nói: “Em mới có 2 Huy chương Bạc thôi chị ạ: Huy chương Bạc vai Hải trong vở Trong mưa dông thấy nắng (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Anh Tú) tại Liên hoan hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần thứ 3 - 2015; vai Cát trong vở Khát vọng (Tạ Xuyên chuyển thể từ Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn: Lâm Tùng) tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô - 2016”. Nhưng với tôi và đông đảo khán giả thì thành công của nghệ sĩ Minh Hải là đã được “đóng đinh” với những vai diễn thể hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó mới là giải thưởng lớn nhất, cao quý nhất mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được.

(Còn tiếp)

PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›