Mình nói chuyện gì nếu không nói chuyện dưa?

Thứ Bảy, 18/04/2015 21:45 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ từ thuở Mai An Tiêm trồng ra được quả dưa hấu đến giờ, chưa bao giờ cái quả ruột đỏ nhiều nước lành tính loại nhất trong các thứ hoa quả trên đời lại gây nhiều xôn xao đến thế.

Cho đến hôm nay, sau nửa tháng, vẫn tràn ngập trên mạng những lời thông báo có nội dung tương tự như sau: “Sáng nay 9/4 20 tấn dưa của bà con Quảng Nam đã cập bến Nguyễn Xiển, cần tình nguyện viên làm công việc bốc vác!”, hoặc: “Sáng nay 14/4, 110 tấn dưa của bà con Tịnh Sơn, Quảng Ngãi đã về đến Hà Nội, mời các bạn đã đăng ký đến mua theo địa chỉ...”...

Thật sự mỗi trái dưa là một tấm lòng. Chưa bao giờ lại có một cuộc vận động trợ giúp bà con nông dân hiệu quả đến như vậy, cả dưa và hành tím. Chưa bao giờ thấy trong cuộc sống cùng lúc xuất hiện nhiều tấm lòng hào hiệp như vậy... Đúng là cảm động và không thể không công nhận thành công rất lớn của truyền thông xã hội!


Thanh niên tình nguyện và người dân hỗ trợ nhóm bốc xếp dưa đi bán giúp nông dân Quảng Nam. Ảnh: VTC News

Tuy nhiên cũng phải nhận ra rằng truyền thông xã hội rất hữu ích trong việc kêu gọi những tấm lòng thiện nguyện, nhưng điều cần thiết là phải giúp  người nông dân biết điều tiết trồng trọt hay phân phối sản phẩm, chuyện đó truyền thông xã hội vẫn chưa làm nổi.

 Truyền thông chính thống cũng còn xa vời khi đem cho người nông dân những kiến thức, kinh nghiệm hoặc thông tin thị trường. Mươi phút trong chương trình “Chào buổi sáng” rõ là không đủ. Thôi thì cứ biết, sau vụ dưa, vụ hành (đang vụ muối cũng ế, bà con diêm dân khổ) rồi đến vụ vải thiều, vụ thanh long... Truyền thông xã hội sẽ còn làm được nhiều việc tốt, cho đến lúc những lời kêu gọi thiện nguyện cũng trở nên bão hòa, vì dù lòng có muốn bao nhiêu, sức tiêu thụ của người thành phố cũng chỉ có giới hạn. 

Điều cơ bản nhất phải từ chuyện trồng dưa chứ không phải chuyện bán dưa.

Không nói chuyện dưa, nói sang chuyện khác, vô vàn chuyện cũng cần truyền thông xã hội. Chẳng hạn chuyện cả trăm giáo viên mầm non ở Thanh Hóa có từ 20 đến 40 năm công tác, khi về hưu được nhận lương trên dưới 500.000 đồng. Cô giáo 57 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non xã Trường Sơn, huyện Nông Cống  vào ngành giáo dục từ tháng 9/1973, đến tháng 11/2013 thì nghỉ hưu. 40 năm công tác, gắn bó với bậc học mầm non và từng làm hiệu trưởng, bí thư chi bộ nhà trường nhiều năm liền, nhưng khi về nghỉ chế độ, cô chỉ nhận được mức lương chưa đến 440.000 đồng mỗi tháng. Cầm đồng lương ấy cô bật khóc vì tủi.

 Cái khóc ấy không so sánh với cái khóc bên ruộng dưa của người nông dân vì nó xót xa hơn nhiều lắm, không chỉ một vụ mùa thất bát mà là cả một đời người...

Rồi truyền thông cũng cần để ý xem có bao nhiêu bệnh nhân xuất viện mà có lễ tiễn như bệnh nhân vụ tai nạn lao động ở Vũng Áng gần đây mà đưa tin nữa chứ. Nhập viện chẳng lễ, tiễn thì rõ long trọng, nhìn những gương mặt vui mừng ấy chợt nghĩ đến mười mấy người xuất viện theo lối khác, lối nhà xác, trong cùng vụ này...

Chợt thấy buồn quá

Hay là lại nói chuyện dưa?

Hà Phạm 
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›