(Thethaovanhoa.vn) - Mộ Chúa Jesus trong Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem (Israel) đang có nguy cơ sập đổ một cách thảm khốc do nằm trên một nền tảng không vững chắc trùm lên các đường hầm, kênh và cấu trúc.
- Lăng mộ Chúa Jesus khánh thành sau 9 tháng trùng tu
- Tái tạo được gương mặt của Chúa Jesus?
- Israel: Phát hiện dấu tích ngôi nhà từ thời Chúa Jesus
Ediculea, phòng thờ có hang được cho là nơi chôn cất Chúa Jesus sau khi bị hành hình trên cây thập tự. Phòng thờ này mới trải qua dự án tu bổ kéo dài 9 tháng, tốn kém 4 triệu USD và đã mở cửa lại đón khách vào ngày 22/3.
Có nguy cơ sập đổ một cách thảm họa
Mộ Chúa bên trong Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem (Israel) sau 9 tháng tu bổ
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo di chỉ cổ rộng 914m2 này đang "có nguy cơ sập đổ" sau khi họ tiến hành khảo sát bằng việc sử dụng radar dò lòng đất và camera robot và phát hiện ra móng của phòng thờ Edicule nằm trên một đống đổ nát của công trình kiến trúc đã bị lãng quên.
Hình ảnh Chúa Jesus được đặt lên phiến đá sau khi bị đóng đinh
Trong khi nhóm thực hiện dự án tu bổ Ediculea cho biết nền móng của phòng thờ bị rung nhiều nên khi sập đổ nó sẽ không phải là một quá trình từ từ mà là ngay lập tức.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra những nguy cơ mới đang rình rập di chỉ này. Cụ thể, nhiều phần của Edicule nằm trên một nền đá dốc và là tàn tích của một mỏ than cổ. Phần vữa của móng ngôi mộ đã bị bong ra sau nhiều thập kỷ tiếp xúc với độ ẩm.
Bên ngoài phòng thờ Edicule sau khi tu bổ
Cuộc khảo sát còn cho thấy có nhiều đường hầm bí mật và kênh chạy ngay dưới phòng thờ Edicule.
Một đường hầm dài 2,4m ở ngay phía nam phòng thờ đã được đào từ những năm 1960. Đường hầm này nằm ngay dưới tấm bê tông nơi khách tham quan đứng xếp hàng chờ để được ngắm nhìn di chỉ linh thiêng mới được tu bổ.
Trong hơn hai thế kỷ qua, đây là lần đầu tiên phòng thờ linh thiêng này được tu bổ sau khi được hoàn thành hồi năm 1810.
Nhiều phần của nhà thờ Edicule nằm trên một nền đá dốc và từng là một mỏ đá cổ
Nhưng giờ đây các nhà nghiên cứu đang kêu gọi tiến hành dự án tu bổ khác tốn kém 6,5 triệu USD nhằm khắc phục những vết nứt quanh phòng thờ. Họ có kế hoạch dỡ bỏ những lát đá không an toàn xung quanh Edicule và đào bên dưới để lắp đặt hệ thống thoát nước mới.
Trong cuộc tu bổ vừa qua, các chuyên gia đã tháo bỏ khung sắt trông không đẹp mắt đã được giới chức Anh đặt quanh để chống đỡ các bức tường.
Lịch sử Nhà thờ Mộ Thánh
Theo Giáo hội Công giáo, thi hài Chúa Jesus được đặt trên một phiến đá được cắt từ một hang đá vôi sau khi Ngài bị quân La Mã đóng đinh trên cây thập tự. Phiến đá này nằm trong một kiến trúc được gọi là Edicule, một từ trong tiếng Latin có nghĩa là "ngôi nhà nhỏ".
Đây là nơi thi hài Chúa Jesus được đặt lên sau khi đã được xức dầu, bọc trong vải và chôn trước khi phục sinh. Bên trong "ngôi nhà nhỏ" Edicule được trang trí bằng những ngọn đèn dầu treo, cột và cây nến lớn.
Nhưng truyền thống của người Do Thái cấm các công trình bên trong tường thành và sách Phúc âm cũng nêu rõ mộ Chúa Jesus được xây bên ngoài thành Jerusalem, gần nơi Ngài bị đóng đinh ở Golgotha, hay còn được biết đến với tên gọi "nơi để sọ".
Nhà thờ Mộ thánh ở Jeresalem
Tuy nhiên, ngay sau khi xây mộ Chúa, các bức tường của Jerusalem được mở rộng, khiến Golgotha và ngôi mộ Chúa gần đó nằm trong tường thành.
Đến thế kỷ thứ 2, Hoàng đế La Mã Hadrian đã lệnh xây dựng ngôi đền thờ nữ thần Aphrodite nhằm chôn vui hang động mà Chúa Jesus đã được chôn cất và khẳng định vị thế thống trị của tôn giáo La Mã.
Tuy nhiên, đến năm 325, Hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Công giáo, Constantine Đại đế, đã lệnh xây một nhà thờ thay thế ngôi đền này. Khi các đại diện của vị vua này tới Jerusalem để định vị mộ Chúa, họ được đưa tới ngôi đền do Hadrian xây dựng 200 năm trước đó.
Ngôi đền La Mã đã bị phá hủy và sau khi tiến hành khai quật người ta thấy ở bên dưới có một ngôi mộ đá. Nhà thờ đã được xây dựng quanh ngôi mộ đó. Trong quá trình xây dựng nhà thờ, mẹ của Hoàng đế Constantine, bà Helena tuyên bố đã tái phát hiện ra "cây thánh giá thực thụ".
Tuy nhiên, đến năm 1009, nhà thờ này đã bị Fatmid Caliph Al-Hakim bi-Amr Allah, còn được gọi là "Caliph điên rồ" hay "Nero của đạo Hồi" phá hủy hoàn toàn nhằm dẹp bỏ hết các di sản Công giáo.
Sau đó, nhà thờ được Hoàng đế Constantine IX Monomachos xây dựng lại vào giữa thế kỷ 11.
Nhà thờ mới có 5 nhà nguyện nhỏ và sân.
Tuấn Vĩ
Theo Daily Mail
Tags