Vẫn mang âm hưởng chiến tranh, nhưng các tác phẩm văn học và điện ảnh về đề tài này đã đề cập và phân tích những bi kịch cá nhân, thân phận con người trong và nhất là sau chiến tranh. Tính sử thi "nhạt dần" nhường cho yếu tố phi sử thi để từ đó hé mở thân phận con người cùng những mất mát, hy sinh…
Cuộc kháng chiến của dân tộc không chỉ được nhìn ở góc độ ngợi ca lãng mạn, mà đã hé mở, phơi bày những mất mát đau thương. Dấu ấn chiến tranh hằn sâu trong mỗi số phận, mỗi cuộc đời, mỗi con người. Cảm hứng ngợi ca được thay bằng giọng nói tâm tình, đối thoại, ngẫm ngợi…
Khắc chạm nhiều ngóc ngách số phận con người
Cảm hứng bi kịch bắt đầu xuất hiện ở nhiều bộ phim sau năm 1975, như Tự thú trước bình minh (1979, đạo diễn Phạm Kỳ Nam); Cây bạch đàn vô danh (biên kịch Nguyễn Quang Thân, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân); Truyện cổ tích cho tuổi 17 (1988, Xuân Sơn); Người đàn bà mộng du (2003, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, do Nguyễn Quang Thiều chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu)…
Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân tạo ra một Đời cát rất nhẹ nhàng, song những thương tổn thì không thể kể xiết. Những vui buồn, trăn trở, day dứt của những con người hậu chiến được khắc họa một cách chân thực, không diễn tả nhiều bằng lời mà bằng chính sự phức tạp của thế giới nội tâm.
Hàng loạt tác phẩm tập trung nói về số phận bi kịch của người trở về, chạm đến cả những góc sâu kín nhất của tâm hồn con người sau chiến tranh, tạo nên bao xúc động trong lòng độc giả, như phim Cỏ lau (1993, biên kịch Lê Hoài Nguyên, đạo diễn Vương Đức được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu); phim Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi được chuyển thể từ tác phẩm Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp); phim Người yêu đi lấy chồng (biên kịch Lê Ngọc Minh), phim Bến không chồng (2000, biên kịch Lưu Trọng Văn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng)… Phim Bến không chồng là bức tranh thê lương thời hậu chiến và đồng thời là bộ phim có sức ám ảnh dai dẳng nhất về số phận người lính thời hậu chiến.
Yếu tố phi sử thi khắc chạm nhiều ngóc ngách số phận con người. Ðặc biệt là với các vùng vốn bị coi là "cấm kỵ", bị né tránh trước đây như ham sống sợ chết, phản bội, mưu mô, toan tính... nay đã được đề cập trong văn chương và điện ảnh.
Phim Chớp mắt cùng số phận (2007, biên kịch: Bành Mai Phương, Nguyễn Quỳnh Trang, Hà Anh Thu, đạo diễn: Lê Ngọc Linh, quay phim Phạm Thanh Hà) xoay quanh số phận của 3 nhân vật vốn là bạn học. Phim đan xen giữa quá khứ - hiện tại; không gian rộng hậu phương - chiến trường… gắn với số phận con người trong và sau chiến tranh. Con người bộc lộ tận cùng tính cách: Người thì đối mặt với hiểm nguy, sự sống mỏng manh, cái chết không hẹn trước, can đảm, trong sáng; kẻ thì hèn nhát, thủ đoạn, mưu mô, hại người...
Phim Về nơi gió cát (biên kịch và đạo diễn Huy Thành) là câu chuyện bi thương của người chiến sĩ sau thời gian thoát ly hoạt động cách mạng, trở về quê hương sau giải phóng với bao biến động, phức tạp và nỗi đau riêng khi người vợ (do hoàn cảnh đưa đẩy) đã lấy một người lính của chính quyền cũ và đã có con. Đương đầu với trọng trách xã hội cùng với nỗi đau riêng, người cán bộ cách mạng phải kiên cường vượt qua mọi cản ngại, chung cũng như riêng, để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời để làm tròn vai trò của một người chồng cũ trong hoàn cảnh mới…
Ghi nhận sự lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ với những cống hiến quan trọng, nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế đã dành cho những bộ phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng, hậu chiến.
Chờ đợi và hy vọng
Những ngày cuối tháng 3/2023, phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn và ê-kíp sáng tạo đang chuẩn bị khâu hậu kỳ. Đây là tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng tái hiện không khí hào hùng mà vô cùng lãng mạn của quân và dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1946 đến ngày 17/2/1947) bảo vệ Hà Nội.
Cũng về chủ đề trên, trước đây điện ảnh đã xây dựng phim Hà Nội mùa Đông năm 1946 (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã chia sẻ: "Hai phim đều diễn ra trong thời điểm Hà Nội bước vào cuộc chiến 60 ngày đêm anh dũng và dữ dội, bởi vậy khán giả sẽ có chung cảm nhận về bối cảnh, không gian, văn hóa, con người… Song, phim Đào, phở và piano là câu chuyện kể về một đôi tình nhân trẻ vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của 60 ngày đêm ấy, ngày 17/2/1947, khi quân ta di tản lên chiến khu, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ".
Chiến tranh cách mạng và hậu chiến vẫn luôn là mảnh đất tiềm năng cho sáng tạo văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Nhận định của nhà văn Nga Lev Tolstoy "Trong 100 năm tới, chiến tranh vẫn là cảm hứng sáng tạo cho toàn bộ nghệ thuật..." vẫn luôn mang tính thời sự với mọi quốc gia, thời đại, gọi mời sự sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Chúng ta tiếp tục chờ đợi và hy vọng!
Phim được Nhà nước đặt hàng
Ở một số bộ phim được Nhà nước đầu tư, đặt hàng nhân các sự kiện lịch sử trọng đại, tính sử thi vẫn là thế mạnh, song đã có cái nhìn mới quan tâm số phận con người. Đó là các phim: Giải phóng Sài Gòn (kịch bản: Hoàng Hà, đạo diễn: Long Vân) sản xuất nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phim Hoa ban đỏ (đạo diễn: Bạch Diệp, Quốc Trọng, Phạm Huyền) nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên Phủ; phim Ký ức Điện Biên nhân 55 năm giải phóng Điện Biên Phủ; phim Hà Nội 12 ngày đêm nhân 30 năm sự kiện Điện Biên Phủ trên không; phim Mùi cỏ cháy (2011, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Hữu Mười) nhân 40 năm giải phóng Quảng Trị.
Tags