(TT&VH) - Thất bại ở lần ứng thí đầu tiên, việc Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu theo chương trình Ký ức thế giới đến từ những thay đổi rất cơ bản trong cách tiếp cận.
Cụ thể, danh sách Di sản Tư liệu của UNESCO thành 2 nhóm: Nhóm thuộc chương trình Ký ức Thế giới ứng dụng chung cho toàn bộ các nước (được xét công nhận vào năm lẻ) và loại thuộc chương trình Ký ức Thế giới ứng dụng riêng cho từng khu vực như châu Âu, châu Mỹ… (xét công nhận vào các năm chẵn). Năm 2011, khi xin xét danh hiệu thuộc nhóm 1, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (MBCVN, ảnh) chỉ lọt qua... vòng sơ duyệt – trước khi được công nhận theo tiêu chí của nhóm 2 tại kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Ký ức Thế giới ở Thái Lan vừa qua.
1. “Thật lòng, trong lần xét danh hiệu năm trước, chúng ta rất vất vả trong việc tìm cách để UNESCO hiểu tường tận về vai trò và ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam – khi mà hầu hết thành viên thuộc Hội đồng chuyên môn và IOCMOS (cơ quan tư vấn độc lập) của Ủy ban Di sản thế giới đều đến từ các nước châu Âu” – ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO VN chia sẻ.
Theo lời ông Thắng, sau thất bại năm 2011, Ủy ban UNESCO Việt Nam đã thảo luận cùng IOCMOS và rút ra kết luận: Khả năng MBCVN được công nhận trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là vẫn còn, thậm chí khá cao. Và thay đổi lớn nhất là hồ sơ của “trận lượt về” nên tập trung khai thác sâu những vấn đề về mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo tại Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực.
Cụ thể,với sự tư vấn của IOCMOS và Ủy ban UNESCO VN, hồ sơ MBCVN lần này được tỉnh Bắc Giang chuẩn bị dựa trên những lập luận khoa học về quá trình “Việt Nam hóa” Phật giáo từ Trung, Ấn thông qua tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm (hầu hết trong số hơn 3000 tấm ván in của kho mộc bản đều là những văn bản liên quan tới lịch sử và tư tưởng của Thiền phái này).
2. Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, những thành viên của IOCMOS và Hội đồng chuyên môn trong lần xét danh hiệu này hầu hết đến từ các nước khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Pakistan... Họ đánh ra rất cao về tính ảnh hưởng trong khu vực của di sản mà chúng ta đệ trình (2 tiêu chí chủ yếu còn lại là tính độc đáo và tính xác thực của di sản). Kết quả, MBCVN là một trong ba di sản nhận được số phiếu tuyệt đối của hội đồng chuyên môn trong đợt xét tặng này. Kết luận từ phía UNESCO đưa ra ghi rõ: “MBCVN của Việt Nam mang giá trị nguyên bản, thể hiện sự truyền bá và phát triển đạo Phật của Việt Nam trong khu vực với tính chất như một trường phái riêng của Châu Á – Thái Bình Dương. Tư tưởng này có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá lối sống, văn hóa, ý thức hệ... tới nhiều cá nhân lãnh đạo kiệt xuất của khu vực”.
Được biết, kết luận trên đến từ việc UNESCO cũng tỏ ra rất thú vị với 2 chi tiết khác được liệt kê trong hồ sơ của Việt Nam: Trên MBCVN có khắc một số bài thuốc nam rất phổ biến trong khu vực, đồng thời phông chữ Nôm trên mã Unicode được Hội bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ lấy mẫu chữ Nôm từ sách Thiền tông bản hạnh - một phần của bộ mộc bản. Đó là những lý do dẫn tới việc sau bia đá Văn Miếu và Mộc bản triều Nguyễn, MBCVN trở thành di sản thứ 3 của VN lọt vào danh sách Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới do UNESCO công nhận.
Thực tế, kể cả khi được công nhận danh hiệu Di sản tư liệu ở cấp khu vực, mỗi quốc gia đều có thể tiếp tục ứng thí di sản của mình một lần nữa trước UNESCO để công nhận danh hiệu này ở cấp thế giới. Hiện, bia đá Văn Miếu của Việt Nam là trường hợp từng 2 lần nhận danh hiệu DSTL theo cách này.
Đợt xét năm 2013, VN chưa có di sản tư liệu để “ứng thí” Theo Ủy ban UNESCO VN, trong đợt xét tặng danh hiệu năm 2013 tới đây (dành cho cấp thế giới), phía Việt Nam không có di sản nào tham dự (thời hạn cuối cùng là tháng 3/2012 vừa qua). Hiện, phía UNESCO VN đang phối hợp cùng Ủy ban đầu mối quốc gia về chương trình Kí ức thế giới (đặt tại Cục văn thư lưu trữ quốc gia) tích cực điều tra và tìm kiếm những tư liệu có thể tiếp tục đệ trình lên UNESCO vào tháng 3/2013 tới đây. Trong thời gian qua, một số di sản đang được giới nghiên cứu nhắc tới gồm có bộ kinh Phật cổ ở chùa Dâu (Bắc Ninh), các cột kinh, sách đá chùa Nhất Trụ (Ninh Bình), các bản thảo của Hồ Chủ Tịch... |