Mới đây, câu chuyện một người lên tiếng trách đồng nghiệp trẻ tuổi không giữ cửa cho mình nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội.
Trong môi trường công sở, mọi người đều bình đẳng, thế nhưng, vẫn có những tình huống khó xử xảy ra khiến đôi bên bất đồng. Từ những chuyện rất nhỏ như giữ cửa, kéo ghế, xưng hô cũng có thể khiến "chuyện bé xé ra to" nếu không cẩn thận. Điển hình mới đây, một đề tài được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội khi một người lên tiếng trách đồng nghiệp trẻ tuổi không giữ cửa cho mình. Chuyện tưởng nhỏ nhưng lại khiến nhiều người tranh cãi vì nó.
Từ chuyện "không giữ cửa" đến tranh cãi thái độ của người trẻ
Câu chuyện bắt đầu khi một người đàn ông chia sẻ về việc đồng nghiệp trẻ đi trước không giữ của cho anh: "Tôi gặp đồng nghiệp mới đi làm chưa lâu khi lên cầu thang bộ, cô ấy đi trước tôi vài bước. Khi đến cửa, sau khi mở cửa bước vào văn phòng, cô ấy thả tay, cửa đóng sầm trước mắt tôi trong sự ngỡ ngàng. Nếu không để ý có lẽ tôi đã bị va vào cửa".
Theo quan điểm từ phía người này, anh cho rằng hành động đó có phần chưa lịch sự, thiếu đi sự quan sát để ý tới những người xung quanh: "Tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay không chịu khó để ý đến xung quanh, đặc biệt là trong cách ứng xử với những người khác. Một nguyên tắc lịch sự là khi đi qua cửa, người bước vào trước phải dành một vài giây giữ cửa để người sau tiếp cận, tránh bị va đập".
Chia sẻ của người đàn ông nhanh chóng thu hút sự chú ý, nổ ra hàng loạt tranh cãi. Một bên đồng tình cho rằng cô gái nên chú ý giữ cửa cho người phía sau, vừa là phép lịch sự, vừa thể hiện sự tôn trọng với đồng nghiệp hơn tuổi, đã làm ở công ty lâu hơn mình.
Tuy nhiên, một bên lại phản đối vì cho rằng, người đàn ông này đã quá khó tính, có phần chấp nhặt những chuyện nhỏ. Điều này có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng nghiệp. Đặc biệt, khi anh quy chụp cho rằng "nhiều bạn trẻ hiện nay không chịu khó để ý đến xung quanh" khiến không ít cá nhân không đồng tình.
- Việc người ta giữ cửa là một hành động lịch sự, nhưng không có nghĩa người ta phải làm thế cho mình. Mình muốn đi vào phòng thì phải tự mở cửa, tự đóng cửa và đừng trông mong người đi trước phải giữ cửa cho mình, nếu họ không giữ thì họ không sai và mình cũng không có quyền trách họ.
- Chỉ là vấn đề của bạn nhưng lại quy chụp cho cả 1 thế hệ trẻ, bạn có thấy công bằng không?
Trong mắt nhiều "tiền bối" tại công ty, các bạn trẻ điển hình là Gen Z đôi khi nông nổi, có nhiều hành động dễ làm mất lòng đồng nghiệp. Nhắc đến Gen Z chốn công sở, người ta bảo nhau rằng: "Không vừa ý liền "bật sếp tanh tách", còn trẻ mà chẳng biết trước sau, không quan tâm đến mọi người xung quanh"... Sự khác biệt trong cách làm việc của những người trẻ so với thế hệ trước vô tình đã tạo nên những điều tiếng không hay.
Một thế hệ thường xuyên vướng vào "drama", quan niệm "nhiều bạn trẻ thế này, thế kia" khiến Gen Z mệt mỏi. Thậm chí, quá nhiều tranh cãi vô tình trở thành rào cản khi người trẻ hòa nhập với đồng nghiệp tại văn phòng, nhất là những nơi nhiều nhân sự lớn tuổi hơn. So với các "tiền bối", Gen Z thoải mái thể hiện cá tính, nhiều bạn trẻ thậm chí không muốn ép buộc bản thân theo bất cứ một quy chuẩn nào. Họ muốn thoải mái với đồng nghiệp thay vì khép nép, sợ sệt. Thế nhưng đôi khi sự vô tư đó lại bị hiểu lầm rằng Gen Z không biết cách tôn trọng người lớn tuổi.
Bạn Hà My (23 tuổi) cũng nhanh chóng chia sẻ về khó khăn của bản thân để giao tiếp, hòa nhập với tập thể khi mới tham gia thị trường lao động: "Những ngày đầu đi làm mình lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Vì mình làm kế toán nên văn phòng chủ yếu toàn các anh chị lớn tuổi hơn, mọi người khá nghiêm túc và yên tĩnh khi làm việc. Đi ra đi vào phải nhẹ nhàng, đứng dậy kéo ghế không dám tạo tiếng động. Mình thậm chí không dám đi trước mọi người".
Liệu có phải chuyện bé đang bị xé ra to?
Ở một nơi tập hợp nhiều nhân lực khác nhau về độ tuổi, tính cách, mỗi người một chức vụ riêng, chính vì vậy, những xung đột là điều khó tránh khỏi. Chưa nói tới bất đồng trong công việc thì đôi khi những hành động nhỏ cũng có thể bị để ý, đánh giá bởi nhiều cặp mắt khác nhau. "Nhân sự trẻ không giữ cửa", "mới đi làm mà anh chị chưa về đã đứng dậy đi về", "anh chị lớn đang đứng mà em lại ngồi",... Vậy mới thấy, vấn đề giao tiếp, ứng xử trong môi trường công sở tưởng là chuyện nhỏ nhưng cũng không dễ dàng để thực hiện.
Câu chuyện trên có lẽ là một ví dụ rõ ràng cho những phép lịch sự nơi công sở. Đây chỉ là chuyện nhỏ nhưng qua đó, nhiều người cũng có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Trong môi trường tập thể, mỗi người nên học cách bao quát, để ý tới mọi người xung quanh. Và hơn hết, bỏ qua cho nhau trước những hành động được cho là chưa khéo léo. Để công việc hiệu quả, không khí trong văn phòng vui vẻ, đồng nghiệp cần có sự gắn kết. Chuyện nhỏ có thể bỏ qua hãy góp ý, chia sẻ để cùng tạo nên một tập thể đoàn kết.
Có những vấn đề tưởng là nhỏ nhưng mỗi người có một góc nhìn khác nhau lại trở thành chủ đề bàn luận gây tranh cãi. Như câu chuyện trên đây là một ví dụ. Trong môi trường công sở, để quan hệ đồng nghiệp vui vẻ, hòa khí, nhân sự dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi đều phải tôn trọng lẫn nhau. Giữ cửa cho người phía sau không phải nghĩa vụ của bạn, nhưng bạn cũng cần khéo léo quan sát để tránh làm bị thương một ai đó.
Tags