Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, một nhà khoa học pháp y nước này phát hiện ra rằng trong số các ca tử vong bất thường ở tỉnh Fukushima, tỷ lệ người hút thuốc lá cao gấp đôi so với số người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) tại địa phương. Nhà khoa học này cũng đưa ra cảnh báo về những hậu quả nguy hại liên quan đến việc hút thuốc.
Phó Giáo sư tại Khoa Y học pháp y của Đại học Y Fukushima - Rie Nishikata đã tiến hành nghiên cứu mối liên hệ giữa tình trạng tử vong bất thường và việc hút thuốc lá tại Fukushima, tỉnh có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất Nhật Bản.
Phó Giáo sư Nishikata đã phân tích mối quan hệ giữa hút thuốc và tử vong của 1.823 cá nhân (1.300 nam và 523 nữ) đã được khám nghiệm tử thi pháp y trong giai đoạn 2017-2023 và khám nghiệm tử thi giai đoạn 2018-2023, không bao gồm những người dưới 20 tuổi và những người không rõ tình trạng hút thuốc. Kết quả cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong số các nạn nhân là 53,7% đối với nam giới, 21,6% đối với nữ giới và 44,5% nói chung.
Tại tỉnh Fukushima, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 33,2%, cao nhất trong số 47 tỉnh của Nhật Bản, nữ giới là 10,5% cao thứ 2 và tỷ lệ chung là 21,4% cao nhất cả nước. Theo phân tích của Phó Giáo sư Nishikata, so với tỷ lệ hút thuốc ở người lớn trong tỉnh, tỷ lệ hút thuốc ở những trường hợp tử vong bất thường cao hơn 1,6 lần đối với nam giới, cao hơn 2,1 lần đối với nữ giới và cao hơn 2,1 lần nói chung.
Tác động của thuốc lá đến trẻ em cũng rất nghiêm trọng. Trong số 50 cá nhân từ 16 tuổi trở xuống đã trải qua khám nghiệm tử thi pháp y từ năm 2019-2023, tổng cộng có 31 người, tương đương 62%, có thành viên gia đình hút thuốc.
"Tử vong bất thường" là trường hợp tử vong không phải do bệnh tật tự nhiên. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Y khoa pháp lý Nhật Bản, "tử vong bất thường" liên quan đến những yếu tố không lường trước được như tai nạn giao thông, hỏa hoạn, tự tử, giết người và các trường hợp không rõ nguyên nhân tử vong.
Theo Phó Giáo sư Nishikata, những ca tử vong bất thường bao gồm tự tử, tội phạm, tai nạn liên quan đến rượu, bệnh tâm thần, môi trường làm việc nguy hiểm và ma túy bất hợp pháp có tỷ lệ liên quan đến hút thuốc cao hơn.
Phó Giáo sư Nishikata cũng đưa ra cảnh báo về việc hút thuốc gây ra tổn thất xã hội đáng kể. Trong bài phân tích trong số ra tháng 3/2024 của "Tạp chí Kin-en" (Tạp chí không hút thuốc). Phó Giáo sư Nishikata viết rằng hút thuốc được cho là có thể ảnh hưởng đến các vụ tự tử, đột tử, tử vong do tai nạn, tử vong do hỏa hoạn và tử vong đơn độc. Chuyên gia này kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt và những người hút thuốc lá thụ động nên nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá.
Tags