(Thethaovanhoa.vn) - Các tòa nhà cao ốc đã từng thu hút sự chú ý và tình cảm của giới làm phim kể từ những ngày đầu tiên, trước khi bị ghét bỏ, ruồng rẫy. Nhưng nay tình yêu tưởng như đã nguội lạnh đang được nhen nhóm lại.
“Khi chúng ta 20 tuổi, ta thường nghe về các tòa cao ốc" - tiểu thuyết gia người Pháp Jean-Paul Sartre viết năm 1946 - "Ta khám phá chúng trong kinh ngạc, tại các bộ phim. Chúng là công trình kiến trúc của tương lai, cũng như điện ảnh là nghệ thuật của tương lai vậy".
Những biểu tượng của tương lai
Quả thực khi đó, các bộ phim Hollywood đã gắn chặt với các tòa cao ốc. Với công chúng, cả cao ốc và phim ảnh đều là những sản phẩm có sức sống trường tồn, vô cùng mới mẻ với họ.
Cả hai đều được thai nghén trong thế kỷ 19 và bùng nổ trong những năm trước Thế chiến thứ 2. Khi ấy, mối quan hệ giữa phim ảnh và cao ốc đã trở nên rất khăng khít.
Trong cuốn sách của James Sanders mang tựa đề Celluloid Skyline: New York and the Movies (tạm dịch New York và các bộ phim), ông viết rằng một số bộ phim thuộc dạng sơ khai nhất của Hollywood như The Skyscrapers (Các tòa cao ốc - 1906) chẳng có nội dung gì ngoài việc ghi hình những tòa nhà chọc trời. Theo Sanders, hình ảnh của các tòa cao ốc ấy "giống như phép lạ thực sự" với những khán giả sống ngoài New York hay Chicago.
Nhưng đó là những năm 1920, 1930, khi cả phim ảnh và cao ốc đều mang tính biểu tượng mạnh nhất. Đây là giai đoạn mà King Kong (1933) đánh đu trên tòa Empire State Building và nhân vật Fred Astaire giải trí tại một hộp đêm nằm ở tầng 50 của một tòa cao ốc trong Swing Time (1936). “Các bộ phim đã thu được khoảnh khắc thành phố (New York) bắt đầu hình thành dáng vẻ đặc biệt như hiện nay, thông qua sản phẩm sáng tạo lớn nhất của nó là các tòa cao ốc" - Sanders nói.
Theo Sanders, những vị thần tình yêu đã giúp phim ảnh phải lòng cao ốc là các nhà văn New York dọn tới sống ở Hollywood trong những năm 1920. Họ di cư vì muốn tăng sự đa dạng của khung cảnh đời sống đô thị trong các kịch bản do mình tạo ra.
Họ nhanh chóng phát hiện ra rằng mình có thể kiếm được rất nhiều tiền ở Hollywood, nhưng lại không có sự hài lòng. Các nhà văn như Dorothy Parker và Herman Mankiewicz chỉ được sử dụng để ca ngợi những nơi như sân khấu Broadway. Họ cảm thấy bị xúc phạm, thấy mình giống như những cây viết hạng xoàng, đi bán chữ để kiếm sống. Sau khi tỉnh dậy khỏi giấc mộng phù hoa của Hollywood, họ buồn rầu phát hiện bản thân trong các khu nhà thấp tầng, lầm bụi ở Los Angeles.
Yêu và ghét quanh các tòa nhà cao tầng
Họ "báo thù" điều này bằng cách vẽ ra các kịch bản, trong đó New York trở nên lung linh, tráng lệ tới mức Los Angeles phải thấy hổ thẹn khi đứng cạnh. Họ bị ám ảnh bởi những tòa cao ốc có thể khiến người ta chóng mặt ở khu Manhattan ở New York. "New York ngoài đời có các tòa cao ốc và không thiếu các tòa nhà thấp tầng, đặc biệt là ở những khu ngoại ô và khu dân cư" - Sanders viết - "Nhưng thành phố trong mơ, xuất hiện tại các bộ phim, dường như luôn vươn lên theo chiều thẳng đứng. Mọi cảnh trong phim đều diễn ra trên một căn hộ penthouse, tại một hộp đêm ở nóc cao ốc, mọi cửa sổ đều hướng ra hình ảnh lung linh của các tòa tháp đang vươn lên".
Dưới sự dẫn dắt của những kẻ sống xa quê, gặm nhấm nỗi thất vọng trong lòng đó, các đạo diễn nghệ thuật ở Hollywood đã tạo ra những khung cảnh đô thị tráng lệ trong phim. Nhưng ngay cả khi không chịu ảnh hưởng từ các nhà biên kịch nhớ nhà kia, người ta cũng không thể bỏ qua tiềm năng điện ảnh của cao ốc.
Sau rốt thì sự hiện diện của các tòa nhà đồ sộ đó trong trung tâm của thành phố có nghĩa giới làm phim sẽ không phải đưa diễn viên của họ tới các rừng rậm, sa mạc chỉ để có một hậu cảnh nên thơ, đẹp đẽ. Không ai phải leo lên đỉnh núi hoặc diễn cảnh trên một chiếc máy bay để gây ấn tượng với khán giả. Chỉ cần sự hiện diện của cao ốc là đủ để chinh phục khán giả! Ví dụ trong phim kinh điển Safety Last! (1923), tòa nhà mà nam diễn viên chính leo lên chỉ cao có 12 tầng. Nhưng như thế đã đủ để các khán giả thời ấy há hốc mồm kinh ngạc.
Phải tới tận những năm 1960, tình yêu giữa Hollywood và các cao ốc mới xấu đi. Theo Sanders, sự thay đổi diễn ra do có những xáo trộn trong quy định quy hoạch đô thị của New York. Theo đó, các tòa nhà cao nhất thành phố không cần phải đua nhau trở nên đẹp đẽ, tráng lệ nữa. Và thế là các tòa nhà với khung nhôm, cửa kính đơn điệu bắt mọc lên. Các công trình như thế "đơn giản là không còn khiến người ta ngây ngất nữa".
Từ đó, các cao ốc không còn là biểu tượng của sự đẹp đẽ và lãng mạn. Chúng trở chỉ còn mang ý nghĩa kiêu căng, láo xược và tham lam. Towering Inferno (1974) là tác phẩm điển hình thể hiện sự thay đổi tình cảm của Hollywood. Trong bộ phim, tòa tháp lớn nhất thế giới chẳng có gì đáng để ca ngợi. Tòa tháp có tên The Glass Tower (Tháp kính), đặt trong bối cảnh San Francisco giả tưởng, đã biến thành một cái bẫy lửa chết chóc do lỗi thiết kế.
Kể từ sau đó, các tòa cao ốc đã trở thành mục tiêu để Hollywood thể hiện sự khinh ghét. Trong Independence Day (1996), tòa Empire State Building bị người ngoài hành tinh bắn nổ tan tành. 2 năm sau, Emmerich và Devlin tạo ra Godzilla (1998), có cảnh tòa nhà Chrysler Building bị chém đứt ngọn bởi các quả tên lửa tầm nhiệt của quân đội Mỹ. Khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra, người ta nói cảnh các máy bay lao vào tòa tháp đôi WTC "giống như được lôi ra từ một bộ phim Hollywood". Quả thực đến thời điểm xảy ra vụ khủng bố, nhiều tòa cao ốc trong phim ảnh đã bị hạ gục bởi máy bay, tên lửa, quái thú và tàu của người ngoài hành tinh.
Tình yêu nhen nhóm trở lại
Thời kỳ hậu Towering Inferno, chỉ thi thoảng cao ốc mới lại được lãng mạn hóa trong phim, nhưng là với mục tiêu nhắc lại một thời đại kỳ diệu đã qua. Ví dụ trong Manhattan (1979) của Woody Allen, cảnh mở màn có hình ảnh cao ốc được thu hình đen trắng, trong tiếng nhạc Rhapsody In Blue (1924) của Gershwin. Trong Ghostbusters (1984), nơi ở của Sigourney Weaver nằm trong một tòa chung cư cao tầng được xây trong năm 1930.
Cao ốc có thể là kiến trúc của tương lai trong những năm 1940, như Sartre từng viết, nhưng như những gì được vẽ ra trong phim, chúng đã trở thành kiến trúc của quá khứ
Tuy nhiên khoảng 15 năm trở lại đây, tình yêu cao ốc dường như đã được nhen lại trong Hollywood, cùng với cuộc đua xây dựng các tòa nhà cao nhất thế giới. Một thế hệ các tòa cao ốc hoành tráng mới mọc lên ở châu Á đã khiến giới làm phim ở Hollywood say mê.
Trong Entrapment (1999), Sean Connery và Catherine Zeta-Jones cướp một ngân hàng nằm tại tháp đôi Petronas ở Malaysia. Trong Mission: Impossible – Ghost Protocol (2011), Tom Cruise leo lên tháp Burj Khalifa ở Dubai. Gần đây nhất, tại phim Furious 7, Vin Diesel và đội của anh đã phá một bữa tiệc trên cụm tháp Etihad ở Abu Dhabi.
Không một tòa tháp nào trong số này khiến khán giả tròn mắt như thời kỳ trước, nhưng chẳng nghi ngờ gì về việc chúng vẫn gây ấn tượng rất mạnh với họ.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Tags