Môn bắn cung tại Paralympic 2024: Chuyện về những thần tiễn… không tay

Thứ Năm, 05/09/2024 15:32 GMT+7

Google News

Sheetal Devi vừa được cả thế giới biết đến với hình ảnh cực ấn tượng về pha ghi điểm 10 bằng… chân. Nhưng cung thủ 17 tuổi này không phải người đầu tiên làm được kỳ tích như thế.

Những cung thủ không tay thật ra đã không còn quá mới lạ ở Paralympic nữa. Nhưng trước Matt Stutzman, việc một VĐV không tay tham gia môn bắn cung para dường như là điều quá khó tin.

Định nghĩa lại môn bắn cung

Stutzmann, 42 tuổi, đã tái định nghĩa môn thể thao này, cho thấy rằng mình không chỉ có khả năng cầm cung bằng một chân, kéo dây cung với cái hàm, giữ toàn bộ căng thẳng và năng lượng tiềm năng để bắn mũi tên. Anh còn phô diễn kỹ năng ấy với một độ chính xác đến nỗi giành được huy chương vàng với điểm số kỷ lục Paralympic: 149 điểm.

Gần như ngay sau khi mũi tên cuối cùng của Stutzman trúng mục tiêu - ghi được điểm 10, tất nhiên - anh nhảy lên từ ghế của mình, lao về phía đồng đội và ôm lấy họ. Đó là màn ăn mừng thành tích mà anh đã dành 12 năm cuộc đời của mình để đạt được.

Ở nơi khác trên sân bắn cung Paralympic, cũng có những biểu tượng sống mang tính di sản của anh trong hình bóng các cung thủ không tay khác. Hai VĐV ở hạng mục 3 dây dành cho nam, và một người khác, Sheetal Devi, trong nội dung dành cho nữ. Không phân biệt quốc tịch hay giới tính, Stutzman cho rằng ai trong số các cung thủ không tay chiến thắng thì nó cũng giống như HCV của mình vậy. "Tôi không quan trọng (ai). Thật tuyệt phải không? Tôi chia sẻ với họ tất cả bí mật của mình. Quan trọng là phát triển môn thể thao này", anh tâm sự trước thềm Paralympic.

Môn bắn cung: Chuyện về những thần tiễn… không tay - Ảnh 1.

Matt Stutzman đang giữ kỷ lục thế giới khi bắn trúng mục tiêu ở cự ly gần 300 mét

Stutzman sinh ra không có tay và được một gia đình thợ săn ở Iowa nhận nuôi khi mới 4 tháng tuổi. Anh muốn lớn lên như cha và anh trai dù "họ chưa hề bắn trúng được cái gì". "Khi còn nhỏ, bạn muốn hành động giống như cha hoặc bắt chước những gì ông làm. Vì vậy, ông ấy đã mua tặng tôi một chiếc cung vào năm 16 tuổi", Stutzmann kể. Chiếc cung đó đã bị đánh cắp vào năm sau và anh không mua một cái khác cho đến gần 10 năm sau. Từ thời điểm đó trở đi, kỹ năng bắn cung của Stutzman tốt dần, và anh đoạt huy chương bạc Paralympic vào năm 2012.

Năm 2015, Stutzman đã thiết lập kỷ lục thế giới mới khi anh bắn trúng mục tiêu từ một khoảng cách đáng kinh ngạc là 283,47 mét (930,04 feet), phá vỡ kỷ lục trước đó do một cung thủ chuyên nghiệp có khả năng vận động bình thường nắm giữ.

Cảm hứng từ "Thần tiễn không tay"

Và, bên cạnh những thành tựu phá kỷ lục của mình, Stutzman đã mở ra một khía cạnh hoàn toàn mới của môn thể thao, cho thấy rằng một vận động viên không tay có thể cạnh tranh và xuất sắc trong bắn cung para. Devi, một trong những "đệ tử" của anh, chỉ mới 17 tuổi nhưng đã giành HCĐ trong cuộc thi đồng đội hỗn hợp cung 3 dây, trở thành nữ cung thủ không tay đầu tiên giành huy chương Paralympic.

Devi cũng sinh ra với một tình trạng hiếm gặp khiến cho cánh tay của cô không phát triển đầy đủ, và cô bắt đầu tập bắn cung tại một sự kiện dành cho thanh thiếu niên do Quân đội Ấn Độ tổ chức vào năm 2021. Sự khéo léo của cô đã gây ấn tượng cho các HLV ở đó và ban đầu, họ đã thử sử dụng cán sa giả để cho phép cô cầm cung. Khi cách thức ấy không thành công, họ đã liên hệ Stutzman, người được gọi là "Cung thủ không tay" sau khi giành huy chương tại Paralympic London 2012. Học theo Stutzman, Devi đã ngày một trưởng thành ở môn thể thao này. Cô giành HCB tại giải vô địch thế giới năm 2023 và HCV tại Đại hội Thể thao Para châu Á cùng năm đó.

Môn bắn cung: Chuyện về những thần tiễn… không tay - Ảnh 2.

Sheetal Devi được xem như “đệ tử” của Matt Stutzman

"Bắn cung là tất cả đối với tôi", Devi nói sau khi giành HCĐ Paralympic 2024, "Từ khi tôi bắt đầu tập bắn cung, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Nếu không phải vì bắn cung, tôi sẽ không ở đây. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, tôi đã đạt được rất nhiều". Video về những màn trình diễn tuyệt vời của Devi tại Thế vận hội Paralympic Paris đã lan truyền rộng rãi, biến cô trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của môn thi đấu này.

Stutzman nói rằng đây sẽ là Paralympic cuối cùng của anh. Việc bắn suốt thời gian dài bằng chân đã gây hậu quả, gây ra "vấn đề về hông", anh nói, và "sau khoảng 13 năm rưỡi hoặc hơn của việc bắn mỗi ngày, các bác sĩ bảo rằng hông của tôi 'đã mòn'". Nhưng anh đã chia tay ở đỉnh cao, và để lại một di sản thực sự, với những cơ hội mới cho thế hệ cung thủ tiếp theo.


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›