Người xưa có câu "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Khi một thương hiệu trăm tuổi được truyền qua nhiều thế hệ, nó sẽ khó duy trì được vinh quang và sẽ đến lúc suy tàn vì nhiều lý do.
Thương hiệu lâu đời "Chó phớt lờ"
Theo trang tin Sohu (Trung Quốc), bánh bao Goubuli (Chó phớt lờ) được coi là biểu tượng của ẩm thực Thiên Tân – thành phố ven biển lớn nhất ở phía bắc Trung Quốc. Có thể nói, đây là thương hiệu lâu đời nhất tại Thiên Tân, đã có hơn 100 năm tuổi, được thành lập vào năm 1858 vào thời vua Hàm Phong của nhà Thanh. Mọi người thường đùa giỡn về cái tên "Chó phớt lờ", nhưng thực ra cái tên này không liên quan đến bất kỳ con chó nào, mà liên quan đến người sáng lập thương hiệu.
Ban đầu, người sáng lập Goubuli tên là Cao Quý Hữu. Lúc nhỏ, cha mẹ ông đặt cho ông biệt danh là "Cẩu tử" (tức là chó) vì muốn con mình lớn lên khỏe mạnh. Từ đó, mọi người cũng thường gọi Cao Quý Hữu bằng biệt danh mà quên mất tên thật của ông.
Cao Quý Hữu bắt đầu làm nhân viên trong một cửa hàng bánh bao khi mới chỉ hơn 10 tuổi. Sau đó Cao đã mở cửa hàng bánh bao của riêng mình với tên gọi "Ju De Hao". Tài làm bánh của Cao đã thu hút một lượng lớn khách hàng, và vì công việc quá bận rộn, Cao không có thời gian trò chuyện với khách, nên các vị khách đã nói đùa rằng: "Chó bán bánh và phớt lờ mọi người". Theo thời gian, mọi người gọi bánh bao của Cao Quý Hữu là bánh bao "Chó phớt lờ".
Bánh bao "Chó phớt lờ" được bán trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả phố ăn vặt Tiền Môn ở Bắc Kinh, nhưng món bánh bao chuẩn vị phải được bán ở Thiên Tân, và thực khách có thể phải xếp hàng rất rất lâu mới đến lượt.
Bánh bao "Chó phớt lờ" có gì đặc biệt?
Theo trang tin Sohu, việc thương hiệu bánh bao "Chó phớt lờ" nổi tiếng khắp Trung Quốc có liên quan đến Từ Hi Thái hậu. Viên Thế Khải (một đại thần cuối thời nhà Thanh và là Đại Tổng thống thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc) đã từng dâng bánh bao "Chó phớt lờ" cho Từ Hi Thái hậu nếm thử. Từ Hi Thái hậu sau khi ăn đã tấm tắc khen ngon.
Từ đó về sau, bánh bao "Chó phớt lờ" đã nhanh chóng trở thành đặc sản hàng đầu Thiên Tân, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả bánh rán Ma Hoa.
Bánh bao "Chó phớt lờ" được làm từ thịt lợn và bột mì với công thức chế biến đặc biệt; hình dạng bánh cũng đặc biệt tinh tế, mỗi chiếc bánh bao hấp phải có ít nhất 15 nếp gấp, thậm chí là 18 nếp gấp.
Bánh bao "Chó phớt lờ" cũng cần chú ý đến độ trắng và mềm, bánh vừa đưa ra khỏi lồng hấp phải tươi nhưng không béo, thơm và ngon. Từ bánh bao nhân thịt ban đầu, nhân bánh đã được sáng tạo lên tới 98 loại nhân như ba chỉ, hải sản, gà, vịt, cá, đồ chay và các loại rau theo mùa… sử dụng các phương thức chế biến khác nhau như hấp, luộc, quay và chiên...
Nhiệt độ để hấp bánh cũng rất khắt khe, cần hấp bánh bằng lò hơi trong 5 phút, nếu hơi nước quá nóng, vỏ bánh sẽ dễ bị co lại, còn nếu nhiệt không đủ thì vỏ bánh sẽ bị dính.
Trang tin Sohu nhận định, sở dĩ bánh bao "Chó phớt lờ" được những người sành ăn ưa chuộng là do yêu cầu về chất lượng nguyên liệu và quy trình chế biến đều rất cao.
Nhưng với thương hiệu bánh bao "Chó phớt lờ" của ngày hôm nay, vinh quang đã không còn nữa. Người dân địa phương Thiên Tân không còn giới thiệu cho bạn bè gần xa về món đặc sản này, và du khách sẽ phải hối tiếc sau khi ăn. Chuyện gì đã xảy ra với bánh bao "Chó phớt lờ"?
Định giá lại thương hiệu
Theo trang tin Sohu, bánh bao "Chó phớt lờ" từ chỗ nổi tiếng cả trong và ngoài Trung Quốc rồi đến chỗ bị "người phớt lờ" có nhiều lý do, dịch bệnh cũng là một phần, nhưng lý do lớn nhất đến từ chính sự kiêu ngạo của thương hiệu này.
Trong những năm gần đây, doanh số bán hàng của công ty Goubuli liên tục giảm sút, điều này đã giáng một đòn mạnh vào thương hiệu lâu đời này. Nguyên nhân là do giá cả của bánh bao "Chó phớt lờ" đắt một cách vô lý: một lồng bánh bao hấp có giá 120 nhân dân tệ (NDT, khoảng 410.000 VNĐ), một đĩa đậu phộng cũng đắt 58 NDT (198.000 VNĐ); trong khi đó, một lồng bánh bao Xiaolongbao nổi tiếng của Hàng Châu chỉ khoảng 10 NDT (35.000 VNĐ).
Thứ hai, hương vị của bánh bao "Chó phớt lờ" cũng đã thay đổi, nó không còn là Goubuli từng được Từ Hi Thái hậu hết lời khen ngợi, và cách chế biến cũng không quá đặc sắc, một số nhà hàng Goubuli thậm chí còn sử dụng bánh bao đông lạnh, khiến cho chính người dân Thiên Tân còn xa lánh thương hiệu này.
Thứ ba, thái độ phục vụ kém. Nhiều thực khách cho biết, nhân viên phục vụ không nhiệt tình.
Thứ tư, quy trình nhượng quyền thương hiệu không chặt chẽ khiến chất lượng của chuỗi nhà hàng Goubuli bị giảm sút, nhiều cửa hàng bị đánh giá tiêu cực.
Theo trang tin Sohu, trong những năm gần đây, nhiều cửa hàng Goubuli đã buộc phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả. Từ "Chó phớt lờ" đến "người phớt lờ", triết lý kinh doanh chạy theo số lượng và tiền bạc, bỏ qua chất lượng của Goubuli đã khiến danh tiếng của họ bị mai một.