Tờ Vice ví cơn sốt Fidget Spinner như "cơn sốt vàng", nó mạnh tới mức khiến một loạt các nhà máy Trung Quốc bỏ dở hết những gì đang làm để chạy theo "chỉ sau 1 đêm".
Năm 2017, một món đồ chơi mang tên "Fidget Spinner" đã gây sốt toàn cầu, khiến các xưởng sản xuất dù hoạt động hết công suất vẫn không đủ đáp ứng các đơn đặt hàng.
Với cấu tạo nhìn khá đơn giản nhưng "con quay" Fidget Spinner lại có sức mê hoặc khủng khiếp. Chỉ cần cầm Fidget Spinner trên tay, sau đó dùng ngón tay búng và xoay theo ý thich, người xem đã có cảm giác như bị cuốn theo các vòng xoay.
Món đồ chơi đầy mê hoặc
Theo tờ Guardian, Fidget Spinner do một phụ nữ mang tên Catherine Hettinger (sống tại Florida, Mỹ) sáng tạo ra từ năm 1992 khi muốn làm một món đồ chơi cho con của mình.
Bà Hettinger đã được cấp bằng sáng chế Fidget Spinner từ năm 1997 nhưng sau đó không giữ được quyền sở hữu vì không có đủ 400 USD trả lệ phí gia hạn bằng vào năm 2005.
Fidget Spinner có cấu tạo gồm các cánh gắn quanh một trục có ổ bi. Các cánh có nhiệm vụ giúp Spinner cân bằng và quay đều hơn, lâu hơn.
Thước đo làm nên đẳng cấp của một chiếc Fidget Spinner là thời gian quay và chất liệu. Loại giá rẻ thường được làm từ nhôm, nhựa, trong khi hàng cao cấp làm từ đồng, thép hoặc thậm chí là titanium. Một chiếc Fidget Spinner giá rẻ có thể quay trong 30-90 giây, trong khi hàng cao cấp có thể xoay được từ 3-5 phút.
Tùy theo cấu trúc và chất liệu mà Fidget Spinner có giá dao động từ vài chục, vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Những chiếc Fidget Spinner cao cấp, thiết kế đẹp có thể được bán với giá lên tới cả chục triệu đồng.
Cùng với cơn sốt của thế giới, Fidget Spinner cũng từng có thời gian gây sốt tại Việt Nam, khi được các em nhỏ mua chơi rất nhiều. Ngay cả người lớn cũng khó lòng cưỡng lại sức hút của Fidget Spinner. Nhiều người gọi nó là "cái để nghịch cho đỡ ngứa tay".
Quả thật, công dụng đầu tiên của Fidget Spinner là để giúp hạn chế các thói quen xấu như cắn móng tay, hút thuốc, gõ tay xuống bàn… Tiếp đó, nhiều người chơi cho biết xoay Fidget Spinner giúp họ lấy lại bình tĩnh, giảm stress và bồn chồn.
Đáng chú ý, những người mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đã có những chuyển biến tích cực nhờ vòng quay của spinner.
Cung không đủ cầu, lãi khủng khiếp
Tờ Vice ví cơn sốt Fidget Spinner như "cơn sốt vàng", nó mạnh tới mức khiến một loạt các nhà máy Trung Quốc bỏ dở hết những gì đang làm để chạy theo "chỉ sau 1 đêm".
Nói trên tờ Vice, Michael Oberdick – chủ cửa hàng điện thoại thông minh – cho biết, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, anh đã bán được tới 20.000 chiếc Fidget Spinner và đang phải đặt hàng thêm từ Trung Quốc.
"Món hàng này rất dễ mua nhưng phải chờ khá lâu bởi người ta đặt rất nhiều", Oberdick nói trong bài phỏng vấn đăng ngày 11/5/2017, "8 ngày trước, tôi đã đặt 10.000 chiếc nhưng không lấy được ngay. Có người đặt đơn hàng 2 triệu chiếc nên họ được lấy trước tôi" .
Không giống như nhiều cơn sốt đồ chơi khác, Fidget Spinner mang tới một "mảnh đất màu mỡ" cho những con buôn muốn kiếm tiền từ cơn sốt này.
Thứ nhất, do không phải lo lắng về việc vi phạm bằng sáng chế nên bất kỳ nhà máy nào cũng có thể sản xuất ra Fidget Spinner với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc.
Thứ hai, chi phí sản xuất và giá bán ra của Fidget Spinner rất rẻ nên có rất ít rủi ro nếu đầu tư vào.
Thứ ba, không giống như hoverboard (xe điện cân bằng) – cơn sốt mà các nhà máy Trung Quốc đã tạo ra vào năm 2016, Fidget Spinner sẽ không bắt lửa hay phát nổ.
"Tôi thậm chí đã cắt giảm chi phí dành cho các phần khác trong hoạt động kinh doanh sửa chữa của mình để mua Spinner. Nó dễ bán hơn nhiều so với việc bán và sửa chữa các bộ phận của iPhone" – Oberdick cho hay.
Fidget Spinner đắt hàng tới nỗi, theo các nhà bán buôn ở Trung Quốc và Mỹ, nhiều nhà máy ở Trung Quốc vốn sản xuất vỏ và phụ kiện điện thoại thông minh đã quyết định ngừng hoạt động các bộ phận này để quay ra tập trung sản xuất Fidget Spinner toàn thời gian.
Mandy Xiao, đại diện của LTS Technology – công ty chuyên bán buôn màn hình và phụ kiện iPhone ở Thâm Quyến (Trung Quốc) – cho hay, Fidget Spinner đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ.
LTS Technology bán tới 25 loại Fidget Spinner khác nhau (phát sáng trong bóng tối, tích hợp đèn LED, kim loại, ngụy trang…) với số lượng đặt hàng tối thiểu 100 chiếc, giá khởi điểm 1,1 USD/chiếc.
Sunny Lin – chủ sở hữu một cửa hàng sửa chữa smartphone trên đường St. Marks Place ở Manhattan và có mối liên hệ trực tiếp với các nhà bán buôn, cũng như các nhà máy ở Trung Quốc cho biết, anh thậm chí chẳng cần bày bán Fidget Spinner trong cửa hàng của mình mà cứ đi dọc con phố và bán dạo cho người ta là đủ.
"Tôi mua (Fidget Spinner) với giá 60 cent và bán buôn 85 cent/cái. Một tuần tôi bán được vài nghìn chiếc chỉ bằng việc đi quanh và hỏi xem có ai mua không" – Sunny Lin cho hay.
Các nhóm Facebook hay diễn đàn bán phụ kiện/sửa chữa điện thoại cũng tràn ngập những lời khuyên cho việc quảng cáo Fidget Spinner, những mánh bán buôn hay cả nguồn thông tin lấy hàng. Những công ty chẳng liên quan gì cũng bắt đầu tập trung vào món hàng gây sốt này, mở ra loạt địa điểm bán lẻ Fidget Spinner.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Dù có những tác dụng giải trí, giảm stress nhất định nhưng Fidget Spinner vẫn là món đồ chơi gây nhiều tranh cãi. Nó được cho là không an toàn như nhiều người nghĩ.
Tại bang Michigan và Alabama (Mỹ) đã ghi nhận một số trường hợp Fidget Spinner bốc cháy. Đây là loại dùng pin, có kết nối Bluetooth với điện thoại để phát nhạc thông qua loa được trang bị sẵn. Nó đã bốc cháy trong khi đang sạc khoảng 30-45 phút.
Nhà sản xuất được cho là đã sử dụng những viên pin kém chất lượng để tiết kiệm chi phí. Món đồ chơi này lại thường có vỏ ngoài bằng nhựa hoặc kim loại nên chịu nhiệt kém, dễ bị quá nhiệt và bốc cháy trong khi đang sạc.
Ngoài ra, cũng có trường hợp một em nhỏ tại Australia đã quăng Fidget Spinner lên không trung. Khi rơi xuống, những cạnh sắc nhọn của con quay đã quệt vào, khiến em suýt mù một bên mắt.
Nhiều giáo viên thì phàn nàn rằng Fidget Spinner gây ra gián đoạn trong việc học tập, các em nhỏ mải chơi nên thường bị xao nhãng.
Tags