Mong muốn kỳ lạ của HLV Hoàng Anh Tuấn

Thứ Năm, 24/08/2023 08:30 GMT+7

Google News

Phát biểu của HLV Hoàng Anh Tuấn trong buổi họp báo trước trận bán kết với U23 Malaysia có đại ý như sau: Để bóng đá Đông Nam Á phát triển mạnh hơn thì đội U23 Malaysia có đánh bại U23 Việt Nam cũng tốt, nhưng nếu đội bóng của ông Tuấn giành chiến thắng thì… sẽ tốt hơn. Có lẽ hiếm thấy HLV nào sẵn sàng chấp nhận việc đội mình thua trận và xem đó là điều tốt.

Tất nhiên là chúng ta không nên hiểu sai ý của ông Tuấn "con". Chẳng có HLV nào lại mong đội bạn thắng, đội mình thua, kể cả là nói đùa. Phát biểu của ông Tuấn cho thấy đây là kỳ giải mà U23 không chịu nhiều sức ép về thành tích, mục tiêu vẫn là để kiểm tra đội hình.

Hãy hình dung, cộng với 23 cầu thủ hiện đang được HLV troussier tập trung thì U23 Việt Nam đang có đến 46 cầu thủ, chưa kể khoảng 10 người khác chưa được gọi từ một số đội V-League đang đá ở nhóm tranh chức vô địch. Tổng thể, thì đây là giai đoạn sàng lọc khá quy mô để chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Ngay cả khi đội U23 Việt Nam do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt có thắng chức vô địch Đông Nam Á thì cũng chưa bảo đảm đây là đội hình U23 mạnh nhất. Vậy nên, thắng hay thua trong trận bán kết với U23 Malaysia thì ông Tuấn "con" cũng… vô sự, vì trên lý thuyết, HLV Philippe Troussier là người chịu trách nhiệm chính về U23.

Ở một góc nhìn khác, mong muốn của ông Tuấn có vẻ kỳ lạ nhưng không phải là vô lý. Bóng đá Việt Nam loanh quanh rồi cũng phải đá hàng chục trận mỗi năm ở mọi cấp độ đội tuyển tại làng cầu Đông Nam Á. Hoàn cảnh ấy chúng ta không thay đổi được. Indonesia định sang vùng Đông Á để chơi bóng cũng có được đâu. Chúng ta cũng không thể cẩu thả đưa các đội hình yếu dự các giải khu vực. Thế nên, cái mà chúng ta hy vọng đó là trình độ chung của bóng đá Đông Nam Á được nâng lên để mỗi trận đấu sẽ là một đợt cọ xát chất lượng. Đang là một nền bóng đá hàng đầu, nghĩa là Việt Nam sẽ phải luôn chơi ở tư thế cửa trên với những đội yếu hơn. Về khía cạnh chuyên môn, đá với các "quân xanh" như vậy thì lợi ích không thiết thực cho lắm. Như đội Hàn Quốc mới đây chọn Việt Nam để đá giao hữu FIFA Days cũng bị truyền thông nước họ chỉ trích. Nói cho cùng, muốn tiến bộ thì phải đấu với các đối thủ mạnh hơn mình. Vì thế mà ông Tuấn "con" mới muốn gặp một U23 Malaysia mạnh hơn để rồi thua cũng cảm thấy hữu ích.

Mong muốn kỳ lạ của ông Tuấn “con” - Ảnh 1.

HLV Hoàng Anh Tuấn cần được tạo cơ hội để mạo hiểm với một đội bóng có tuổi đời rất trẻ và nhiều tiềm năng như U23 Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc

Không nói đâu xa, chính Thái Lan là "nạn nhân" của hoàn cảnh này. Họ là kỷ lục gia của SEA Games lẫn AFF Cup nhưng 30 năm qua (tính từ SEA Games 1993) chúng ta thấy họ có tiến được đâu xa? Không vào đến chung kết Asian Cup, cũng chưa từng vào chung kết một giải U23 châu Á, cũng chưa thắng một giải U châu lục nào cả. Ngay cái thứ hạng FIFA được xem là phù phiếm, thì hạng cao nhất của họ là 43 vào năm 1998, thời điểm của thế hệ Kiatisuk nhưng đến năm 2014, họ rơi xuống tận hạng 163. Các con số này cho thấy sự thiếu ổn định, cũng đồng nghĩa là Thái Lan vẫn chưa đạt đến đẳng cấp của châu lục. Vậy nhưng họ vẫn cứ loanh quanh tại Đông Nam Á, không thoát ra được.

Vậy nên, chúng ta cần những tầm nhìn và sự mạo hiểm của ông Troussier, ông Tuấn "con". Phải nhìn thấy được sự hạn chế của bóng đá Đông Nam Á, phải gạt bỏ được ham muốn thành tích khu vực để còn hy vọng đến khả năng phát triển. Chúng ta có thể không biết mình đi được bao xa, nhưng nếu không xác định được cái đích thì cũng chẳng đi đến đâu cả. Điển hình như đội tuyển nữ dự World Cup, không có thành tích đặc biệt nào nhưng có được dự World Cup thì mới biết mình đang ở xa đến mức nào. Đây là điều mà những trận giao hữu không thể cho chúng ta biết được. Thua trận không phải là vấn đề, quan trọng là thua ai, thua như thế nào.

Tất nhiên là như ông Hoàng Anh Tuấn đã nói, thắng thì vẫn tốt hơn. Nhưng mục đích thì vẫn là việc cần phải tập trung. Ví dụ trận bán kết này là nơi mà U23 Việt Nam nên mạnh dạn đá theo kiểu áp đặt lối chơi, tăng thời lượng kiểm soát bóng và cố gắng chuyển hóa nó thành các pha hãm thành. Không phải tự nhiên mà trên thế giới hiện nay, thông số xG (Tỷ lệ triển vọng cơ hội, bàn thắng) lại đang được chú ý. Bóng đá hiện đại đang ngày càng nặng tính chiến thuật, nên người ta coi trọng cái kết cấu dẫn đến chiến thắng nhiều hơn việc đưa bóng vào lưới. Kiểu như một đội bóng yếu đá với đội mạnh, chuyện thua trận là bình thường, nhưng các thông số xG mà tốt thì có nghĩa là trong tương lai, đội yếu ấy sẽ thắng được đội mạnh.

Không biết đó có phải là ý mà ông Tuấn muốn nói qua lời phát biểu kỳ lạ của mình?! 


Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›