(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ thực hiện ý tưởng xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo chiến lược phát triển kinh tế, đánh giá hiệu quả chi tiêu công và sự phản hồi của người dân về dịch vụ của chính quyền. Đây là những nội dung chính được trao đổi tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh với lãnh đạo WB tại thủ đô Wasington DC, Mỹ ngày 15/12.
- Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển
- Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam: Ổn định, tăng trưởng cao
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá cao sự hỗ trợ của WB cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian qua.
Đề cập đến những nội dung hợp tác trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô hơn 10 triệu dân và để đáp ứng nhu cầu phát triển cần một mô hình kinh tế mới. Thành phố cũng đang ưu tiên việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo chiến lược phát triển kinh tế. Đây là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định các kế hoạch của Thành phố trong tương lai.
Đó là một khu vực nằm giữa trung tâm với tập hợp là các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm tài chính cùng với một cộng đồng dân cư chất lượng cao và có các khu vực giải trí. Vì vậy, ông bày tỏ hy vọng WB sẽ nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng triển khai cụ thể đối với việc xây dựng Trung tâm, cũng như giới thiệu các cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm để Thành phố trao đổi và hợp tác.
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn WB hỗ trợ trong việc nghiên cứu đánh giá, tổ chức hội thảo về lĩnh vực chi tiêu công, giúp thành phố xây dựng kế hoạch ngân sách từ năm 2019, cũng như giúp thành phố kiểm tra, đánh giá sự phản hồi của người dân về chất lượng phục vụ của chính quyền.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, chính quyền Thành phố mong muốn có thêm kinh nghiệm tận dụng nguồn tài năng trẻ, nhiệt huyết thông qua các mô hình vườn ươm cũng như hệ thống kết nối, đào tạo hiệu quả. Cụ thể, đoàn lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc, thúc đẩy hợp tác với Trường MIT Sloan về vấn đề này.
Ở tầm khu vực, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn phía WB xem xét hỗ trợ Việt Nam xử lý các vấn đề của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bị sụt lún nghiêm trọng do bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn… diễn biến phức tạp.
Chia sẻ về các vấn đề Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong hợp tác với WB, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đánh giá cao các mục tiêu mà Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến, đồng thời nhấn mạnh WB có thể hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố, đưa Thành phố phát triển xứng tầm trong khu vực và quốc gia.
Về những thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải về biến đổi khí hậu, sụt lún, bà Victoria Kwakwa cho rằng, nguyên nhân ngoài biến đổi khí hậu, còn có một phần do quá trình đô thị hoá nhanh, công tác quy hoạch chưa được tốt. Vì vậy, công tác lập quy hoạch cần tốt hơn, tránh làm tổn thương, tác động đến tự nhiên.
Về các vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác đánh giá hiệu quả của việc chi tiêu công, nghiên cứu sự phản hồi của người dân về các dịch vụ của chính quyền, bà Victoria Kwakwa cho biết, WB có thể cử các tổ công tác đến Thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi, thảo luận và hỗ trợ trong việc đưa ra các giải pháp cụ thể với thành phố. Việc Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó tạo thêm việc làm là định hướng rất đúng đắn, trong đó thành phố lựa chọn kết nối với MIT là rất hay.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia của WB cũng đã thảo luận, trao đổi với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề về thực hiện các quy hoạch đô thị, xây dựng thành phố thông minh, vấn đề đổi mới sáng tạo… Theo các chuyên gia WB, WB có những nhóm công tác quản lý, nghiên cứu lĩnh vực công ở khắp thế giới, phân tích về lợi ích, chi phí mua sắm công, vì vậy có thể tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này, đồng thời mở rộng, tối ưu hoá nguồn lực đầu tư tư nhân và để thu hút nguồn lực tư nhân hiệu quả, cần có môi trường đầu tư tốt nhất, làm sao hạn chế được rủi ro, minh bạch.
Các chuyên gia của WB cho rằng, việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh là rất cần thiết, chứng tỏ lãnh đạo thành phố có tầm nhìn xa. Với khả năng và kinh nghiệm dồi dào, WB có thể kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều đô thị thông minh trên thế giới để Thành phố Hồ Chí Minh có thể học hỏi, rút kinh nghiệm.
Cùng ngày, ông Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có buổi làm việc với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh và IFC.
Mục đích của Bản ghi nhớ này là thiết lập các bước khả thi có thể dẫn tới sự hợp tác giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh và IFC để cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng Thành phố bằng việc đa dạng hóa nguồn vốn của chính quyền địa phương (gọi tắt là Dự án) thông qua việc IFC cung cấp các công cụ tài chính và dịch vụ tư vấn kỹ thuật không hoàn lại cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bản ký kết giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và IFC, Dự án có thể bao trùm nhưng không giới hạn những hợp phần gồm hỗ trợ trực tiếp của IFC đối với các đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của thành phố hoặc các khoản vay nợ không thuộc nguồn viện trợ phát triển chính thức cho nhu cầu đầu tư và cải thiện giao thông, cấp thoát nước và các lĩnh vực hạ tầng đô thị khác, hỗ trợ để Thành phố Hồ Chí Minh có được xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật về Thành phố Thông minh (các dự án liên quan đến Công trình xanh, xử lý nước thải, sản xuất năng lượng từ rác thải, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực hạ tầng khác); hỗ trợ kỹ thuật về cấu trúc dự án và chiến lược PPP.
Đánh giá về hoạt động này, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết về thí điểm các cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó các vấn đề về tài chính. Để giải quyết các vấn đề về hạ tầng, huy động vốn, việc xếp hạng tín nhiệm tín dụng của địa phương là rất quan trọng. Vì vậy, Thành phố rất cần sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, trong đó có IFC. Sự hỗ trợ của IFC trong thời gian qua là rất kịp thời.
Ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc IFC phụ trách khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng, các thách thức về môi trường, giao thông đô thị… là vấn đề chung của các đô thị trên thế giới. IFC mong muốn hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đối phó với các thách thức hiện nay. Thông qua việc ký kết Biên bản hợp tác này, IFC hỗ trợ thành phố tìm các giải pháp giải quyết các vấn đề này một cách hiệu quả.
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có buổi toạ đàm với các học giả, nhà nghiên cứu thuộc chương trình các thành phố toàn cầu của Viện Brookings.
Phương Oanh
Tags