Ngôi sao của Triệu phú ổ chuột Dev Patel đã có một hành trình ngoạn mục tỏa sáng trong dự án đầy cá nhân Monkey Man (Monkey Man báo thù).
Ngập tràn năng lượng điên rồ, các cảnh chiến đấu mãn nhãn, Monkey Man kết hợp hành động đỉnh cao trong một câu chuyện thấm đẫm sắc màu huyền hoặc của văn hóa Ấn Độ.
Cơn giận của thần khỉ
Nhân vật chính của Monkey Man là một thanh niên vô danh (Dev Patel đóng) kiếm sống bằng nghề võ phủi trong các sàn đấu ngầm ở Ấn Độ. Dần dần từng bước, anh leo lên các nấc thang xã hội tội phạm ngầm để đi tìm kẻ đã giết mẹ mình. Trên hành trình đó, anh đối diện với nỗi đau quá khứ và nhận ra kế hoạch trả thù của mình có thể giúp đỡ cả những số phận vô danh khác. Xuyên suốt trong câu chuyện là hình tượng thần khỉ Hanuman - một vị thần quan trọng trong văn hóa Hindu, đại diện cho sức mạnh, chính trực và lòng dũng cảm. Giống như nhân vật chính, Hanuman phải trải qua kiếp nạn trừng phạt, đau đớn khôn cùng để trở lại mạnh mẽ với sứ mệnh mới.
Điều có lẽ khiến một nhà sản xuất nổi tiếng như Jordan Peele và công ty Monkeypaw Productions lựa chọn Dev Patel và Monkey Man có lẽ ở một thông điệp sâu xa hơn là câu chuyện hành động. Lồng ghép tính bình luận chính trị xã hội và thần thoại Hindu vào câu chuyện, tác phẩm khắc họa một xã hội bóc lột có hệ thống và sự tuyệt vọng của những tầng lớp dưới.
Dev Patel cùng lúc làm xuất sắc ở cả hai việc: thực hiện các phân cảnh hành động quyết liệt và khắc họa chiều sâu cảm xúc cho nhân vật. Điểm nghỉ giữa các cảnh hành động, máy quay quét nhanh qua gương mặt tổn thương của nhân vật chính: ở đó ta thấy được cam kết báo thù lẫn sang chấn của quá khứ, hằn lên trong đôi mắt to lấp lánh. Cảnh phim nhân vật chính cầm khẩu súng run rẩy chĩa vào kẻ đã giết mẹ mình có thể thấy cái tầm của diễn xuất phi ngôn ngữ ở Dev Patel.
Lần đầu ngồi ghế đạo diễn, làm ra luôn siêu phẩm hành động
Trên trang Rotten Tomatoes, bộ phim được chấm 87% "tươi" từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Hơn 3.000 người dùng của IMDb chấm phim 7.4/10, với hàng loạt lời khen ngợi dành cho phong cách hành động và diễn xuất của nam chính.
Kể từ Triệu phú ổ chuột (2008) cho đến Hành trình tìm mẹ (2016) và Hiệp sĩ xanh (2021), Dev Patel đã trải qua cả một chặng đường dài khẳng định bản thân. Trong nỗ lực thoát ra khỏi khuôn mẫu mà các diễn viên gốc Ấn thường đóng, nam diễn viên nhận ra nếu không tự mình tạo ra, cơ hội sẽ không bao giờ đến. Anh ấp ủ một dự án riêng, lấy cảm hứng từ tình yêu với thể loại hành động kết hợp với cội nguồn văn hóa Ấn Độ.
Kid trong phim bầm dập bao nhiêu thì Dev Patel cũng phải trầy trật bấy nhiêu trong quá trình thực hiện Monkey Man. Nam diễn viên mất 8 năm để phát triển kịch bản từ ý tưởng về chiếc vòng cổ Hanuman của ông mình. Cho đến khi anh quyết định đạo diễn và quay phim thì đại dịch Covid-19 ập đến. Quá trình quay phim tại Ấn Độ bị gián đoạn, đoàn làm phim bị thiếu người trầm trọng, bản thân Patel bị chấn thương nặng: gãy cả chân tay khi mới bấm máy, tất cả khiến dự án phim suýt nữa thì trở thành thảm họa.
Nhờ sự quyết tâm cùng tài năng phi thường, Dev Patel đã hoàn thiện được bộ phim với kinh phí vô cùng tiết kiệm. Thành quả là một Monkey Man mãn nhãn với các pha hành động dồn dập. Phần mở đầu nhẹ nhàng của phim nhanh chóng chuyển sang các phân cảnh chiến đấu, đã xác lập phong cách chung cho tác phẩm: đan xen giữa nhịp hành động tàn bạo là những hồi tưởng dịu dàng về quá khứ, cho thấy hiện thực nghiệt ngã mà Kid phải đối mặt. Anh ta có một tuổi thơ đẹp biết bao, nhưng tất cả đã bị cướp mất bởi những kẻ quyền lực ác ôn.
Monkey Man có phong cách chiến đấu thống nhất với tính cách của nhân vật: hoang dã, bùng nổ, điên rồ và liều lĩnh. Điều phối viên chiến đấu Brahim Chab, cùng với Dev Patel, hướng tới cách tiếp cận thực tế đối với các cảnh chiến đấu. Nhân vật của Patel chiến đấu với tất cả những gì mình có, như một con thú anh ta bước ra khỏi mỗi trận chiến bầm dập và đầy thương tích.
Có thể thấy sự tuyệt vọng trong mắt của Kid: sau tất cả đó chỉ là một con người, không phải tuýp anh hùng bất khả chiến bại thường thấy trên màn ảnh. Các kế hoạch của anh ta thông minh, nhưng không hoàn hảo, anh ta cố gắng giết một người nhưng quên rằng điều đó có nghĩa là đối đầu với cả hệ thống.
Một khía cạnh quan trọng tạo nên sự độc đáo của Monkey Man đến từ triết lý "chơi dơ nhất có thể". Các trận chiến của Kid được đặc trưng bởi việc sử dụng vũ khí ngẫu hứng - miếng gỗ, chiếc giày, mảnh thủy tinh, chai tương ớt hoặc bất kỳ đồ vật nào có sẵn - để giành lợi thế, nhấn mạnh tính chất tàn bạo và hỗn tạp của các trận đánh nhau. Điều này hoàn toàn khác biệt với phong cách "Gun Fu" hay "khiêu vũ với súng" gọn gàng và giàu tính biểu diễn trong John Wick. Cảnh loạn đả trong nhà tắm của câu lạc bộ Kings Club đã cho thấy rõ phong cách "chơi dơ" của Monkey Man, gợi nhớ cảnh đấu tay đôi giữa nhân vật của Tom Cruise và Henry Cavill trong Nhiệm vụ bất khả thi: Sụp đổ (2018).
Sở hữu khiếu thẩm mỹ tinh tế và mảng hành động hiệu quả, Monkey Man là minh chứng cho tầm nhìn nghệ thuật của Dev Patel và báo trước tiềm năng của anh trong vai trò đạo diễn. Tác phẩm xứng đáng là cột mốc đáng tự hào trong sự nghiệp của nam đạo diễn/diễn viên, cho thấy sức mạnh của lòng quyết tâm và sự đam mê, mở ra những cơ hội mới cho anh và trao tiếng nói cho người yếu thế.
Monkey Man (tựa Việt: Monkey Man báo thù) hiện đang khởi chiếu tại rạp.
Tags