Tròn 40 năm sau khi danh họa Bùi Xuân Phái xuất hiện ở phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai, giải thưởng mang tên ông vẫn gắn với hành trình đi tìm những giá trị của Hà Nội. Chúng được hiển thị từ đôi mắt của mỗi người - để rồi phóng chiếu qua việc làm, ý tưởng và cả tâm hồn họ.
1. Chiều qua, 6/10, Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã diễn ra tại Hà Nội.Trước lễ trao giải, một cuộc triển lãm đã được khai mạc tại tiền sảnh của Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Ở đó, quan khách có dịp chiêm ngưỡng hàng loạt bức ảnh đoạt giải - hoặc lọt vào chung khảo - của cuộc thi ảnh Hà Nội mát xanh, cũng do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức nhân sự kiện này. Hướng về vẻ đẹp cũng như sự trong lành của thành phố, ở một chừng mực, những bức ảnh ấy cũng là một cách tôn vinh và đón mừng “những tình yêu Hà Nội” tại lễ trao giải diễn ra sau đó.
Để rồi, tại khán phòng, sau phần trao thưởng cho các tay máy đoạt giải tại cuộc thi ảnh này, Tổng biên tập Lê Xuân Thành của TT&VH đã đọc lời chào mừng giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 - 2022. Lời chào mừng nhắc tới một cột mốc thú vị: 40 năm trước, đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm bộ phim Hà Nội trong mắt ai và để lại nhiều thông điệp cho đến tận bây giờ, với những ưu tư trăn trở về thời thế, những vẻ đẹp về văn hóa lịch sử của Hà Nội ngàn năm và cả những hình ảnh của một Hà Nội mộc mạc, bình dị không chút xô bồ.
Còn bây giờ, như một cơ duyên, giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái - người đã xuất hiện trong bộ phim ấy như một biểu trưng của những tấm lòng hướng về Hà Nội - đã ghi tên NSND Trần Văn Thủy trong đề cử duy nhất của hạng mục Giải thưởng Lớn năm nay.
Và nếu nói thêm về chữ “duyên”, cũng phải nhắc tới 2 gương mặt khác: Nghệ sĩ guitar Văn Vượng - nhân vật trong phim - và cố học giả Nguyễn Vinh Phúc, người đã tư vấn rất nhiều về lịch sử Hà Nội cho đạo diễn Trần Văn Thủy trong quá trình thực hiện phim. Khá trùng hợp, nếu học giả Nguyễn Vinh Phúc là người được ghi danh đầu tiên tại hạng mục Giải thưởng Lớn của Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào năm 2009 thì cách đây tròn 10 năm (năm 2012), nghệ sĩ Văn Vượng cũng được xướng lên ở hạng mục này.
“Những người gửi trọn tấm lòng và trái tim của mình vào Hà Nội - như bác Phái, bác Phúc hay anh Văn Vượng - nhiều lắm. Chúng luôn làm ta rơi nước mắt khi xem lại. Tôi và bộ phim của mình sẽ không là gì khi đặt bên cạnh những con người ấy”- đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ với người viết trước lễ trao giải - “Và tôi nghĩ, không có những tình yêu lớn như thế thì 2 chữ Hà Nội sẽ không trở nên thiêng liêng như bây giờ. Giống như, mọi thứ sẽ là vô nghĩa nếu ta vinh danh một con người, một lý tưởng, một sự kiện nhưng lại quên gửi gắm tình yêu của mình trong đó…”
2. Có thể thấy rõ, điểm chung của những cái tên tại giải thưởng năm nay là tìm về với những giá trị bất biến và bền vững của Hà Nội. Tưởng như xưa cũ, nhưng khi gạt bỏ lớp bụi thời gian, những giải thưởng ấy vẫn lấp lánh và cho thấy chiều sâu đặc biệt của mình.
Đơn cử, vượt qua những cuốn sách vốn có ưu điểm về thể loại - chẳng hạn như sách ảnh hay bút ký, Tranh dân gian Kim Hoàng (giải Tác phẩm) thuyết phục được Hội đồng giám khảo bằng sự công phu tỉ mỉ trong cách tiếp cận trên cả 2 lĩnh vực mỹ thuật và dân tộc học. Và, chủ nhân của nó, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa - người đã bỏ ra 6 năm để thực thi một dự án giúp dòng tranh này hồi sinh sau 70 năm vắng bóng - cũng rất chân tình và mộc mạc khi chia sẻ cảm xúc của mình.
“Thẳng thắn, tôi thấy các đề cử ở hạng mục giải Tác phẩm đều một chín một mười, rất khó để phân định với nhau. Bởi thế, khi được Hội đồng giám khảo ưu ái lựa chọn, tôi thấy mình đã được động viên rất lớn sau những gì từng thực hiện” - chị nói - “Đã có lúc, dự án về tranh Kim Hoàng tưởng như không thể triển khai. Để rồi, bây giờ, khi điều không thể trở thành có thể, tôi mong các bạn trẻ yêu mến văn hóa Hà Nội sẽ có thêm nhiệt huyết khi đứng trước rào cản trong những dự án và kế hoạch của mình”.
Ở một góc độ khác, cả giải Ý tưởng (Biến bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên) và Việc làm (Bảo tồn, tôn tạo biệt thự 49 Trần Hưng Đạo) cũng gắn với những gì mà người Hà Nội trông đợi từ rất nhiều năm nay. Thậm chí, như cách gọi của nhà sử học Dương Trung Quốc, đó là những “món nợ” mà quá khứ để lại cho giấc mơ phát huy những giá trị đặc thù của Hà Nội.Điển hình, như lờiông Emmanuel Cerise - Giám đốc PRX-Vietnam, đại diện Vùng Ile-de-France (đơn vị phối hợp thực hiện dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo), di sản kiến trúc này chính là một “tài sản chung” của Hà Nội và nền văn hóa Pháp, không chỉ bởi biệt thự gắn với một giai đoạn đặc thù của lịch sử Pháp - Việt mà còn bởi những yếu tố kiến trúc bản địa cũng đã được tiếp nhận và đưa vào hình hài của ngôi biệt thự này ngay từ lúc hình thành…
- Giải Bùi Xuân Phái 2022: Tiếp tục tôn vinh những con người đã tận tụy cống hiến cho Thủ đô
- Kết quả Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15-2022. Đạo diễn Trần Văn Thủy được vinh danh 'Giải thưởng Lớn'
- 'Giải Bùi Xuân Phái đã góp phần tạo ra nguồn lực văn hóa to lớn cho Thủ đô'
Và cuối cùng, tất nhiên cũng không thể bỏ qua những chia sẻ của đạo diễn NSND Trần Văn Thủy khi bước lên nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Ông nói, mình đã may mắn có dịp đi nhiều nơi, tham dự nhiều hội thảo, nhận được nhiều giải thưởng danh giá đến từ các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Thế nhưng, việc nhận một giải thưởng gắn với hai chữ Hà Nội lại khiến cho đạo diễn xúc động đến nghẹn ngào.
“Những tình yêu gắn với Hà Nội đã có từ rất lâu, và sẽ còn tiếp tục rất lâu. Tôi nghĩ, tâm hồn của những con người hướng về Hà Nội chính là lý do để vùng đất này luôn trở nên thiêng liêng trong tâm khảm mỗi cá nhân” - đạo diễn NSND Trần Văn Thủy nói - “Và điều tôi muốn gửi gắm ở đây chính là niềm mong mỏi, rằng mỗi chúng ta hãy vun đắp tình cảm và trách nhiệm với nơi đang sinh sống, không phải bằng đầu lưỡi mà bằng những việc làm thiết thực trong suy nghĩ của mình”.
“Việc nhận giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái luôn là niềm mơ ước của bất cứ ai sinh ra tại Hà Nội, làm việc tại Hà Nội và có những nghiên cứu gắn với vùng đất này. Riêng với tôi, niềm vui ấy được nhân đôi, khi làng Kim Hoàng - nơi khai sinh ra dòng tranh đỏ tồn tại suốt vài trăm năm qua - lại chính là quê gốc của danh họa Bùi Xuân Phái” (nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa). |
Cúc Đường
Tags