Tối 9/9 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội), vở nhạc kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng Hoàng tử bé đã được nhóm sáng tạo HAY (Hanoi Arts for Youth) thể hiện khá thành công. Tại đó, trên sân khấu rực rỡ, các diễn viên nhí tài năng đã cho thấy sự đáng yêu và tự tin của mình qua các vai diễn, trong khi khán giả hào hứng cổ vũ dưới khán phòng.
Đây là vở diễn thứ 6 của nhóm HAY. Và, thành công của Hoàng tử bé cho thấy họ đang có một hướng đi được công chúng - đặc biệt là khán giả ở lứa tuổi thiếu nhi - đón nhận.
Định vị phong cách
Sau những cái tên như Matilda, Không gia đình, Cô bé bán diêm, Phù thủy, Totto Chan, Hoàng tử bé là vở diễn nối tiếp loại hình nhạc kịch được chuyển thể từ những tác phẩm văn học, đặc biệt là văn học châu Âu, được trình diễn bằng tiếng Anh của các bạn nhỏ từ 6 đến 18 tuổi của nhóm HAY.
Như chia sẻ của giám đốc dự án, chị Hoàng Thu Hường, đây cũng chính là cách mà HAY định vị phong cách của nhóm, từ nghệ thuật trình diễn đến ngôn ngữ biểu đạt.
Ngay cả việc dựng vở hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng là hướng đi riêng của nhóm. Thực tế, mặc dù sự lựa chọn này ít nhiều sẽ tạo ra giới hạn về mặt khán giả, nhưng nó lại mang tới những giá trị tích cực đối với việc rèn luyện ngôn ngữ của trẻ.
"Tiếng Anh đang gần trở thành một ngoại ngữ phổ biến của học sinh Việt Nam. Nhưng để có một sân chơi cho các bạn học sinh được bộc lộ, tôi luyện và va chạm bằng tiếng Anh, tôi thấy không nhiều" - chị Hoàng Thu Hường lý giải - "Để tiếng Anh kết hợp với được nghệ thuật, chúng tôi chọn nhạc kịch là loại hình sân khấu tổng hợp các kỹ năng như vũ đạo, diễn xuất, hát, nhảy, kịch… Điều này giúp cho các em tham gia có nhiều hứng thú và trải nghiệm, trong khi khán giả khi đến xem chương trình cũng cảm thấy không bị nhàm chán".
Một điểm đáng chú ý khác với nhạc kịch ở nhóm HAY: Âm nhạc được sử dụng trong các vở diễn đều được ê-kíp sáng tác mới hoàn toàn. Trung bình mỗi vở sẽ có gần 20 ca khúc và hiện giờ, nhóm HAY đã có hàng trăm ca khúc từ các vở diễn của mình.
Giám đốc dự án Hoàng Thu Hường tốt nghiệp khoa diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chị từng làm diễn viên tại Nhà hát Tuổi Trẻ, làm báo VietNamNet và làm việc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường (iSEE).
Nhiệt tình mới làm được diễn viên
Để có thể dàn dựng một vở kịch ở HAY, tất cả ê-kíp từ đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ… cho đến các diễn viên nhí đều phải đầu tư thời gian tối thiểu lên đến 5 tháng. Trung bình 1 tuần họ sẽ có 2 buổi tập kể từ khi dự án hình thành cho đến lúc công diễn.
Có thể nói đây là một hành trình khá dài đối với lứa tuổi học sinh, nhất là với những bé mới 6 tuổi. Thế nên, để có thể trở thành diễn viên của HAY, tiêu chí đầu tiên phải đáp ứng chính là sự nhiệt tình - nhiệt tình từ phía các em và cả từ sự đồng hành của gia đình.
"Nhiều bạn lúc đầu háo hức lắm, nhưng được vài buổi là chán. Bởi, khi tập hát hay diễn thì bé nào cũng thấy rất vui. Nhưng đến lúc phải tập vũ đạo với những động tác khó, nhiều em kêu ca và muốn bỏ" - chị Hường tiết lộ - "Vậy nên, tiêu chí cao nhất với chúng tôi là nhiệt tình. Các kỹ năng khác HAY sẽ "cân tất" - nghĩa là chúng tôi sẽ đào tạo các diễn viên nhí từ A đến Z".
Thành công không miễn phí
Hoàng tử bé không phải là vở diễn đầu tiên của nhóm HAY. Nhưng kể từ vở diễn đầu tiên Matilda, các tác phẩm của HAY luôn được công diễn ít nhất 2 đêm trở lên. Đó là sự thành công về mặt thương mại. Nhưng với những người điều hành và tổ chức nhóm HAY như chị Hoàng Thu Hường, đạo diễn Nguyễn Hoàng Tùng… thành công lớn nhất của HAY sau các dự án được hoàn thành chính là việc các diễn viên nhí đều trưởng thành từ kỹ năng xã hội đến cuộc sống.
"Nhiều bạn làm nũng hoặc khóc um lên ở những buổi đầu đến tuyển, nhưng chỉ sau vài buổi thì đã quen với hoạt động biểu diễn và chỉ vài tháng sau đã có những thay đổi. Chúng tôi thấy các bạn lớn lên rất nhiều với sự tự tin và có trách nhiệm với vai diễn của mình. Từ đó, các bạn cũng học được cách xử lý về vị trí và nhiệm vụ của mình trong một tập thể" - giám đốc dự án Hoàng Thu Hường bày tỏ.
Cũng theo lời chị, để có thành quả, các thành viên của dự án cũng phải đảm nhiệm một lúc khá nhiều vai trò "chồng chéo": Vừa làm phù thủy, vừa làm cô tiên, làm cô lao công, làm chị bảo mẫu cho đến chuyên gia tư vấn tâm lý, chuyên viên dinh dưỡng… Nhưng, bù lại, họ có được sự tươi mới và thú vị khi làm việc với các diễn viên nhí này.
Ngoài ra, 1 trong những yếu tố duy trì sự thành công của HAY đến nay, cũng chính là mỗi vở diễn sẽ không dựng miễn phí mà đều có sự đóng góp, chung tay của từng diễn viên. Cụ thể, các gia đình có con tham gia dự án đều đóng góp một mức phí nhất định.
"Nhớ lại từ vở diễn đầu tiên chỉ là ý tưởng làm nên một sân chơi nho nhỏ cho các con trong gia đình và người quen, tôi không nghĩ HAY lại có thể hình thành, phát triển và mở rộng cho đến nay, khi đã có gần 1.000 em học sinh Hà Nội được trải nghiệm các dự án" - chị Thu Hường cho biết.
Nhạc kịch Hoàng tử bé được biểu diễn vào 20h các ngày 9,10,16,17 trong tháng 9tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Sau vở diễn này, HAY cũng đang có kế hoạch dựng lại vở nhạc kịch Matilda để biểu diễn từ tháng 10/2023 đến 3/2024.
Tags