Theo chuyên gia, loại hạt này là vị thuốc dùng khá phổ biến trong các bài thuốc Đông y. Thuốc có thể dùng độc vị hay kết hợp đều mang lại nhiều lợi ích.
Hãng tin BBC (Anh) đã có bài viết khen gợi kỷ tử và ví nó như "kim cương đỏ" bởi có tác dụng chống lão hóa. Tờ báo này cũng cho rằng kỷ tử là một siêu thực phẩm tốt cho sức khoẻ.
Trong y học cổ truyền của Trung Quốc, kỷ tử là vị thuốc rất được coi trọng. Kỷ tử thường được dùng để hầm trong các món ăn, kết hợp với các bài thuốc bổ dưỡng cho cơ thể.
Theo nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, kỷ tử là vị thuốc 'có tiếng' trong Đông y với nhiều công dụng khác nhau. Trong đó, công dụng nổi bật được nhắc nhiều tới là giúp bổ thận âm. Kỷ tử còn được gọi bằng các tên khác là câu kỷ tử, khởi tử, câu kỷ quả, địa cốt tử, tên khoa học là Lycium chinense Mill., thuộc họ Cà.
Trong y học cổ truyền, kỷ tử có tính bình, vị ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công dụng bổ gan thận, nhuận phế, tăng cường thị lực; thích hợp dùng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, lưng gối đau mỏi, chóng mặt, ù tai, mắt nhìn mờ, di tinh, phụ nữ mới sinh xong cần hồi phục sức khoẻ, hỗ trợ điều hoà huyết áp...
Theo Đông y kỷ tử có tính bình, vị ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công dụng bổ gan thận, nhuận phế, tăng cường thị lực; thích hợp dùng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, lưng gối đau mỏi, chóng mặt, ù tai, mắt nhìn mờ, di tinh...
Nghiên cứu hiện đại cho thấy kỷ tử giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ giảm mỡ máu, chống tích đọng mỡ ở tế bào gan, chống oxy hóa và kiềm chế quá trình lão hoá.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết tại Việt Nam, kỷ tử thường được trồng ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc với số lượng ít. Kỷ tử thường được kết hợp với cúc hoa với bài thuốc quý kinh điển kỷ cúc địa hoàng hoàn. Bài thuốc cổ này gồm 8 vị: kỷ tử, cúc hoa, thục địa, hoài sơn, sơn thù, bạch linh, trạch tả, đan bì. Bài thuốc có tác dụng chữa tăng huyết áp, dưỡng âm, bổ huyết khu phong, thanh não minh mục.
Bài thuốc trên thường được dùng chữa các chứng bệnh thuộc vùng đầu mặt do can thận âm hư gây nên như: đầu choáng mắt hoa, tai ù, ra mồ hôi trộm, mờ mắt, mỏi mắt, mắt kéo màng, mắt khô đau, sợ ánh sáng, dưỡng gan thận.
"Kỷ tử và cúc hoa thường được dùng sắc lên uống giúp giảm huyết áp, bổ gan thận", lương y Bùi Đắc Sáng nói.
Kỷ tử ngâm rượu là thuốc trợ dương hoạt huyết rất tốt cho nam giới trong giai đoạn mãn dục.
"Có thể nói câu kỷ tử là một trong ít những vị thuốc có đa công dụng tốt cho sức khoẻ, dưỡng âm và bổ âm. Kỷ tử có thể dùng độc vị vẫn có tác dụng tốt. Kỷ tử là vị thuốc có thể dùng kéo dài để nâng cao sức khoẻ", lương y Bùi Đắc Sáng nói.
Người dân có thể dùng trà kỷ tử, cúc hoa (kỷ tử 10g, cúc hoa 10g), hãm với nước sôi trong bình kín. Loại trà này giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy giảm thị lực, quáng gà, hoa mắt.
Ngoài ra, kỷ tử cũng có thể dùng để nấu cháo với công dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, ốm lâu ngày, tuổi cao sức khỏe yếu, kiềm chế lão suy, kéo dài tuổi thọ. Cách làm: kỷ tử 25g, gạo tẻ 100g, nấu thành cháo, chia ăn 1 - 2 lần/ngày, có thể ăn thường xuyên.
Rượu ngâm kỷ tử có tác dụng bổ tinh khí, giúp trẻ lâu. Người mệt nhọc, người gầy yếu muốn bồi bổ cơ thể cũng có thể sử dụng. Cách ngâm rượu kỷ tử như sau: dùng 6-15g kỷ tử, rượu lượng vừa đủ ngâm. Mỗi ngày uống khoảng 10-20ml.
Tags