(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/4/2019, “bà Hỏa” đã thiêu cháy một phần Nhà thờ Đức bà, biểu tượng nổi tiếng nhất của Paris (Pháp). Kể từ đó, các chuyên gia bận rộn chuẩn bị cho kế hoạch phục dựng công trình này trong 5 năm. Nhưng, đó là câu chuyện trước... đại dịch Covid-19.
Ngay sau vụ hỏa hoạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Nhà thờ Đức bà sẽ được xây dựng lại đẹp hơn trước. “Tôi muốn công trình này được hoàn tất trong 5 năm” - ông nói.
Mỗi viên gạch là một “kho báu”
Kể từ đó, nhiều kiến trúc sư, kỹ sư, nhà khảo cổ học, nhà khoa học và sử gia nghệ thuật đã phân tích toàn bộ thiệt hại của công trình 850 năm tuổi này.
Nhà địa chất học Jean-Didier Mertz là một trong những người tư vấn dự án phục dựng Nhà thờ Đức bà ngay từ đầu, cùng với nhóm của ông tại Viện Nghiên cứu Di tích Lịch sử (LRMH), một trong những viện nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng nhất ở Pháp. Hiện, họ đang tiến hành phân tích những viên gạch được lấy ra từ Nhà thờ sau đám cháy.
- Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nên giữ lại hồn xưa hay hiện đại hóa nhà thờ?
- Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Khoảng 90% thánh tích và tác phẩm nghệ thuật được bảo toàn
Trên những viên gạch này, dấu vết của đám cháy còn lưu lại rất rõ, một số nám đen toàn bộ do chì nóng chảy. Trong thời gian Mertz đánh giá tổn hại, không ai được phép chạm hoặc di chuyển những viên gạch này. Và câu hỏi đặt ra: Làm sao những viên gạch có thể chịu được sức nóng tốt đến vậy? Chúng có thể được tái sử dụng trong quá trình phục dựng?
“Những mỏ nguyên liệu tự nhiên tạo ra các viên gạch này không còn tồn tại đến ngày nay” - Mertz nói - “Chúng tôi hy vọng tìm thấy các nguyên liệu tương tự. Ngoài ra, một mục tiêu khác trong cuộc kiểm tra của chúng tôi là xác định chất lượng của những viên gạch vẫn còn trong nhà thờ”.
Hiện tại, Mertz đang xem xét kỹ loại vữa được sử dụng khi Nhà thờ Đức Bà được dựng lên lần đầu tiên. “Nhà thờ đã 850 tuổi và đã tồn tại được hàng thế kỷ. Hiểu được các thành phần của vữa, chúng ta có thể tái tạo Nhà thờ bằng các phương pháp tương tự như hồi đó” - ông nói thêm.
Bắt đầu con đường dài
LRMH có các chuyên gia trên khắp nước Pháp - từ các nhà địa chất học, nhà vi trùng học đến kỹ sư hóa học. Nhưng kể từ sau đám cháy tại Nhà thờ Đức Bà, tất cả họ chỉ tập trung vào nhà thờ này.
Các chuyên gia của LRMH đã quen với việc xử lý tất cả các loại vật liệu như gạch, gỗ, bê tông, kim loại để có thể phục dựng di tích một cách toàn diện. Họ được biết đến với những thành công của mình trong lĩnh vực này. Nhưng với trường hợp Nhà thờ Đức bà, Mertz chia sẻ rằng “hiện chưa thể nói trước điều gì”.
Một trong những vấn đề khác nằm ở lượng chì bị nung chảy. Thực tế, mái của Nhà thờ bị bao phủ trong hơn 250 tấn chì từ ngọn tháp đã bị cháy rụi. 9 ngày sau vụ cháy, các chuyên gia bắt đầu tháo dỡ các cửa sổ kính màu - một công việc tốn nhiều công sức vì Nhà thờ Đức Bà có diện tích gần 1.000m2. Theo lời Claudine Loisel, một nhà khoa học hóa học và chuyên gia về kính màu tại LRMH, lượng chì này gây ô nhiễm tới mức các chuyên gia phải đeo mặt nạ và kính bảo hộ đặc biệt khi tiến hành kiểm tra.
Trước đó, khi đám cháy xảy ra, từng có những lo ngại rằng những khung cửa sổ này có thể bị hủy hoại trong nhiệt độ cao. Tuy nhiên, theo Loisel, các ô cửa sổ vẫn tồn tại trong trạng thái tốt, nếu không tính đến các hóa chất độc hại bám vào đó. “Chúng tôi mừng khôn xiết khi thấy các ô kính không bị vỡ thành hàng ngàn mảnh nhỏ như lo ngại” - Loisel nói.
Dù vậy, giới nghiên cứu vẫn có những lo ngại về hệ cấu trúc chịu lực của nhà thờ đồ sộ này, khi có những tin đồn rằng nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào sau đám cháy. Trong bối cảnh nhiều mối nối bằng chì đã tan chảy và kết lại với nhau trong đám cháy, các chuyên gia đề nghị cần sớm củng cố hệ xà chịu lực ở đỉnh của gian giữa nhà thờ. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết trong nhiều tháng sau vụ cháy không cho phép tiến hành một hoạt động lớn như vậy.
Hiện tại, thời tiết đã thuận lợi hơn, song cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đang làm chậm lại tiến trình. Tình hình này khiến các chuyên gia đang lo ngại rằng, kế hoạch 5 năm của Tổng thống Macron dường như không thể thực hiện được.
Những bản thiết kế đầy tham vọng
Tính đến thời điểm này, nhiều kiến trúc sư đã đưa ra ý tưởng thiết kế cho Nhà thờ Đức bà mới. Nhiều bản thiết kế tập trung vào mái nhà thờ, trong đó có những ý kiến độc đáo để nghị sử dụng kính, hoặc tạo ra những không gian xanh đô thị. Một kiến trúc sư thậm chí còn nêu ý tưởng làm bể bơi trên nóc nhà thờ.
Hiện, người ta vẫn chưa biết về khả năng một ý tưởng nào trong số đó sẽ trở thành hiện thực. Song theo kế hoạch, dự thầu của chính phủ cho thiết kế kiến trúc tái xây dựng nhà thờ sẽ được tiến hành vào tháng 6 nếu dịch Covid-19 không đẩy nền kinh tế theo hướng xấu.
Sau khi có quyết định cuối cùng về mặt thiết kế, công trình phục dựng Nhà thờ dự kiến sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 2021. Ít nhất, kinh phí cho dự án này dường như không còn là vấn đề khi số tiền quyên góp đã lên tới gần 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD).
Aline Magnien, giám đốc của LRMH, tin rằng Nhà thờ Đức bà cuối cùng sẽ được xây dựng lại theo phong cách “ vừa có sự tôn trọng tuyệt đối với lịch sử và ý nghĩa của công trình gốc, vừa có sự trỗi dậy đầy huy hoàng trong giai đoạn mới”.
Vài nét về “trái tim của Paris” Nhà thờ Đức bà Paris được bắt đầu khởi công vào năm 1160 dưới thời Tổng giám mục Maurice de Sully. Phần lớn công trình được hoàn thành vào năm 1260. Năm 1844 và 1864, kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc đã xây dựng thêm ngọn tháp biểu tượng của nhà thờ. Trước khi bị cháy, mỗi năm Nhà thờ đón 12 triệu người đến thăm khiến cho công trình này trở thành di tích được ghé thăm nhiều nhất ở Paris. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags