Bản ballad Một ngàn nỗi đau của Văn Mai Hương (do Hứa Kim Tuyền sáng tác) ra mắt từ ngày 23/7 trên kênh YouTube của nữ ca sĩ với 271 nghìn subscribers, đến nay đạt gần 6,6 triệu lượt xem.
Không đình đám, tạo trend, được các nghệ sĩ trẻ cả nước cover liên tục trong các đêm trình diễn khắp mọi nơi như bài Hương năm 2021. Một ngàn nỗi đau nhẹ nhàng như một lời tâm sự chất chứa nỗi buồn nhưng cũng tạo được sự gần gũi và đồng cảm.
Tại BXH Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs tuần 31 (từ 29/7 đến 4/8) Một ngàn nỗi đau đứng ở vị trí thứ 5. Cũng trên BXH này, Một ngàn nỗi đau bắt đầu lọt top 10 BXH nhạc Việt này từ tuần 27 (từ 1 - 7/7) ở vị trí thứ 3, vị trí này còn lặp lại trong các tuần 28 và 30.
Rút ruột
"Anh, những lúc say em hay thường nghĩ"! Không phải anh say, mà là em say. Và suy nghĩ của người ở vai em trong lúc say là: "Nếu ngày xưa ấy, em đến sớm hơn thì sao?/ Chắc có lẽ ta đang vui với nhau/ Chắc có lẽ ta đang xây với nhau/ Một tình yêu, một giấc mơ".
Rõ ràng một cuộc tình đã đi qua, nhưng người trong cuộc thì vẫn chìm đắm trong cuộc tình ấy. Và cuộc tình ấy mới vừa chỉ vuột khỏi tầm tay của em: "Anh, đã mấy tháng trôi qua khi ta cách xa/ Đôi đường đôi ngả, giờ ta cũng sắp xa lạ/ Mỗi đêm em nhớ về anh, vào lúc 11 giờ 11 phút/ Nhưng chắc anh chẳng nhớ em đâu".
Trong mỗi cuộc tình sẽ có những dấu hiệu riêng chỉ có người trong cuộc biết. Dấu hiệu ấy có thể đến từ bất cứ điều gì, miễn nó đủ để 2 người nhớ. Có thể là một địa điểm, một nụ cười, một tiếng nói, một câu đùa, một cử chỉ, một khoảnh khắc, một không gian, một thói quen (kể cả thói quen khác người)...
Vì thế, sự xuất hiện của "11 giờ 11 phút" tưởng chừng như chẳng ăn nhập, gây khó hiểu nhưng lại hướng người ta đến suy nghĩ về một tình yêu sâu đậm hay một dấu ấn, một kỷ niệm nào đó mà người trong cuộc muốn khắc họa. Nó có thể là sự tưởng tượng chỉ có trong bài hát,cũng có thể là kỷ niệm đã trải qua của chính người trong cuộc.
Một ngàn nỗi đau có những giai điệu được khán giả nhớ như: “Vì em vẫn chỉ là người đến sau/ Vẫn mang trong mình một ngàn nỗi đau”. Cũng có những đoạn ca từ khá hay: “Tình yêu cứ ngỡ dịu dàng/ Bỗng dưng lại hóa bẽ bang”. Lại có những đúc rút từ nỗi đau: "Trong tình yêu có lẽ ai yêu hơn sẽ là người tổn thương nhiều hơn".
Dẫu "mãi mang trong mình một ngàn nỗi đau" nhưng vẫn "mong anh sớm quên em/ người anh đã từng yêu thương". Ca từ có thể gợi người nghe tới một cuộc tình nhiều ẩn chứa của số phận. Nó có sự chấp nhận, có cả cảm xúc ngập tràn hạnh phúc cho người trong cuộc dù có phải chia xa.
Chạm vào cảm xúc
Không chỉ có ca từ nói về những suy tư cho một cuộc tình đã chia xa, ngay cách nói nhân hóa trongcái tên của ca khúc cũng đã toát lên được phần nào nội dung chính của bài hát. Một ngàn nỗi đau chứng tỏ người trong cuộc phải rất yêu, đã trải qua những cung bậc cảm xúc - trong đó có cả những khổ đau - mới dám sử dụng đến những câu từ ấy. Và cũng chính từ cái tên đó, từ những ca từ trong ca khúc, có thể thấy người trong cuộc vẫn còn yêu.
Ở ngoài đời, nghệ thuật đôi khi là cứu cánh để tâm hồn người giàu cảm xúc có thể bấu víu và giãi bày. Nhưng ở góc độ khác, chính những người có cuộc sống "bất hạnh" trong thế giới nội tâm, có tâm hồn mong manh lại hay đứng ở ranh giới của những cảm xúc trái ngược nhau - kiểu như yêu thương và tan vỡ, hạnh phúc và khổ đau - thì mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm đồng điệu với người nghe. Cho nên, cái ranh giới giữa những cảm xúc tưởng chừng như trái ngược đôi khi lại là hạnh phúc của những người được tạo hóa ban tặng khả năng sáng tạo nghệ thuật.
Và Một ngàn nỗi đau chính là cảm xúc của tác giả, là câu chuyện có thật mà tác giả đã trải qua và kể lại thành ca khúc. Câu chuyện trong ca khúc này nhận được sự đồng cảm của Văn Mai Hương. Và cô quyết định thực hiện nó.
Sau khi kể bằng âm nhạc, ê-kíp tiếp tục kể câu chuyện bằng hình ảnh thông qua việc thực hiện một MV. Một ngàn nỗi đau mang chất liệu điện ảnh, như một bộ phim âm nhạc ngắn. Chất điện ảnh càng được tăng thêm khi tham gia diễn xuất có NSƯT Chiều Xuân vào vai bà mẹ và 2 nam diễn viên trẻ Trần Nghĩa, Trần Doãn Hoàng. Trong MV, Văn Mai Hương vào vai nữ chính.
Cả 3 gương mặt trẻ tham gia diễn xuất trong MV bị xoáy vào một cuộc tình tay ba. Có điều, nhân vật thứ 3 cần phải ra đi không phải là 1 trong 2 chàng trai, mà là cô gái. Vì, dường như cô bị rơi vào sự trái ngang trong một cuộc tình ẩn chứa nhiều chông gai.
Một khán giả trên mạng đã nhận xét về câu chuyện được kể trong MV Một ngàn nỗi đau: "Ban đầu nghe, tưởng Hương hát cho hoàn cảnh của mình. Đến cuối MV mới nhận ra, lời bài hát là dành cho chàng trai còn lại. Đến trước, đến sau không quan trọng, chỉ cần là người không được yêu nữa thì sẽ là người thứ 3. Ai yêu nhiều thì đau thế thôi”!
Phần nội dung MV không đưa ra những phán xét, những nhận định đúng sai mà gợi lên câu chuyện đang tồn tại ở đâu đó trên khắp thế gian này. Cũng chính vì thế, theo chia sẻ của Văn Mai Hương, câu chuyện trong MV Một ngàn nỗi đau "không dừng lại ở câu chuyện về tình yêu đôi lứa, chuyện giới tính mà còn cả câu chuyện về gia đình, chuyện giữa cảm xúc và lý trí".
Nếu có chút xíu nuối tiếc, có lẽ nó nằm ở phần tiếng guitar. Giá như bản hòa âm Một ngàn nỗi đau có thêm câu lead của guitar classic ở phần mở đầu, có lẽ bản nhạc sẽ còn ngọt ngào hơn rất nhiều. |
Một bản ballad vừa tai
Quay trở lại với âm nhạc, Một ngàn nỗi đau là một bản ballad mang tính tự sự và đậm chất Hàn. Chất Hàn được thể hiện đậm đặc từ phần hòa âm đến mọi yếu tố trong cách làm, cách viết của sản phẩm này. Tất cả làm nên Một ngàn nỗi đau rất dễ nghe, đầy chất thư giãn.
Với những bài ballad theo kiểu Hàn Quốc,phần đàn dây thường rất được quan tâm ở khâu hòa âm, cũng là phần khó xử lý nhất bởi những yêu cầu rất kỹ lưỡng. Thông thường, đây sẽ là một trở ngại đối với các nhạc sĩ hòa âm, và hậu quả là hay bị khô. Nhưng ở bản hòa âm cho sản phẩm này, tiếng đàn dây vừa đạt độ dày, vừa kéo rất ngọt. Bên cạnh đó, tiếng piano cũng đáng để nhắc tới. Đối với drum, phần cao trào cũng cho ra được màu và đẩy được lên cao trào ở những đoạn tutti.
Để ra chất Hàn “xịn” cho một bản ballad bên cạnh drum, 2 âm thanh quan trọng bậc nhất phải xử lý là tiếng piano và tiếng đàn dây. Một ngàn nỗi đau đã có được điều này. Nếu có chút xíu nuối tiếc, có lẽ nó nằm ở phần tiếng guitar. Giá như bản hòa âm Một ngàn nỗi đau có thêm câu lead của guitar classic ở phần mở đầu, có lẽ bản nhạc sẽ còn ngọt ngào hơn rất nhiều.
Còn một chút xíu lăn tăn nữa ở đoạn điệp khúc với câu hát bắt tai nhất của ca khúc ứng với ca từ: “Vì em vẫn chỉ là người đến sau, vẫn mang trong mình một ngàn nỗi đau...”. Nghe thoáng qua không sao, nhưng nghe kỹ nhiều lần nó gợi đến sự gần gũi với câu nhạc quen "Ngoài kia thế giới bao la rộng lớn, còn thế giới của mẹ chính là con" trong Ước mơ của mẹ, cũng một sáng tác khác của Hứa Kim Tuyền và cũng do Văn Mai Hương thể hiện ra mắt trước đó.
- Hoàng Duyên cùng Hứa Kim Tuyền gửi lời tỏ tình dễ thương qua MV 'Vọng nguyệt'
- Hứa Kim Tuyền và Amee tung MV 'Hai mươi hai': Giản dị mà vẫn xúc động
- Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền: Viết 'Một ngày tôi quên hết' vì muốn tạo giá trị riêng
Sự ảnh hưởng, sự tương đồng trong âm nhạc giữa các nhạc sĩ các thế hệ với nhau, các nhạc sĩ trong cùng một thế hệ với nhau, hay trong chính một nhạc sĩ trong các giai đoạn khác nhau trên thực tế không phải là những điều gì xa lạ. Đôi khi sự tương đồng trong những tác phẩm cùng một tác giả lại tạo cho họ một màu sắc riêng trong đời sống nghệ thuật, dù phải thừa nhận nó sẽ là một lối mòn mà sự sáng tạo sẽ giảm dần cùng với sự gia tăng về số lượng,
Hứa Kim Tuyền là một nhạc sĩ trẻ giành được nhiều tình cảm của công chúng và cả giới chuyên môn, ngay cả với những nhà chuyên môn thuộc thế hệ đi trước. Cũng chính vì thế, những gửi gắm với Hứa Kim Tuyền sẽ cao hơn. Mong rằng ở giai đoạn mà nguồn cảm xúc tâm hồn vẫn còn đang dào dạt, sự nghiệp sáng tác vẫn còn đang phát triển, nam nhạc sĩ trẻ sẽ có thật nhiều những sáng tác giàu sáng tạo.
Ê-kíp thực hiện MV "Một ngàn nỗi đau" Nhạc sĩ: Hứa Kim Tuyền Đạo diễn: Kawaii Tuấn Anh Sản xuất: Lệ Quyên Biên kịch: Minh Châu Đạo diễn hình ảnh: Trang Công Minh Đạo diễn mỹ thuật: Lanzi Dựng phim: Đỗ Dương Hoàng Minh Diễn viên: Trần Nghĩa, Trần Doãn Hoàng, Văn Mai Hương, NSƯT Chiều Xuân |
Điểm: 7,1 |
Nguyễn Quang Long
Tags