Một ngành nghề bùng nổ nhờ thương mại điện tử, cơ hội thăng tiến nhanh, mức lương kỳ vọng 100-160 triệu đồng/tháng, nhưng luôn khát nhân lực

Thứ Sáu, 09/12/2022 10:04 GMT+7

Google News

Với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, ngành nghề logistics đang phát triển rất nhanh chóng và có nhu cầu tuyền dụng nhân sự rất lớn.

Theo Khảo sát doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam thực hiện bởi Vietnam Report tháng 02/2022, Logistics thuộc top 2 những ngành tăng trưởng mạnh nhất, chỉ sau công nghệ thông tin. Với nhu cầu không ngừng gia tăng, cơ hội việc làm của ngành này cũng không ngừng được mở rộng, đi kèm với mức thu nhập đầy hứa hẹn.

Ngành nghề gắn liền với xu hướng phát triển Thương mại điện tử

Hiểu khái quát, Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng.  Logistics bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lí, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu... Ngoài ra Logistics cũng sẽ kiêm luôn việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, lập kế hoạch sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng.

Ngành Vận tải/Logistics vẫn là lĩnh vực đang thu hút đầu tư mạnh tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội tới 42% mỗi năm nhờ xu hướng mua sắm trực tuyến, làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất, các ngành công nghiệp phụ trợ, các chính sách đầu tư.... 

Khoảng 10 năm trở lại đây, lĩnh vực thương mại điện tử đã và đang bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường nước ta. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Sau dịch Covid, nhu cầu của người tiêu dùng đối với lĩnh vực này càng tăng cao hơn nữa. 

Dự báo, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới và đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 ASEAN.

Điều đó cũng đặt ra yêu cầu ngành Logistic – một mắt xích cực kì quan trọng trong thương mại điện tử - phải phát triển tương xứng để kịp thời đáp ứng sự thay đổi của thị trường.

Lấy ví dụ, Tiki, một trong những trang mua sắm trực tuyến lớn nhất nước ta hiện nay, đã không ngừng đầu tư hàng chục triệu USD mỗi năm vào Logistics nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của người dùng. Từ dịch vụ giao hàng thông thường mất khoảng 3-4 ngày cho đến 1 tuần, Tiki đã phát triển thêm hình thức giao hàng nhanh (TikiNow) chỉ trong vòng 2 tiếng, bảo đảm những khách hàng có nhu cầu lấy hàng gấp có thể ngay lập tức nhận hàng. 

photo-1

Điều này rõ ràng cũng giúp thu hút thêm một số lượng khách hàng đáng kể cho Tiki, khi phải lựa chọn cùng một loại sản phẩm, với cùng một mức giá, chắc chắc người tiêu dùng sẽ có xu hướng chọn sản phẩm được giao nhanh hơn.

Một ví dụ khác là Shopee, trang web mua sắm trực tuyến gần như thống trị lĩnh vực thương mại điện tử ở nước ta. Shopee cũng rất nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu mua sắm và nhận hàng mạnh mẽ của người dùng, để từ đó phát triển dịch vụ giao hàng hỏa tốc. Điều này hiển nhiên sẽ làm hài lòng những khách hàng đang cần gấp sản phẩm. Từ đó, tính tiện lợi của Shopee càng được củng cố, giúp thu hút thêm sự lựa chọn của khách hàng

Từ những đặc điểm như vậy, rõ ràng rằng nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho ngành Logistics tại các doanh nghiệp nêu trên nói riêng, trong lĩnh vực thương mại điện tử nói chung sẽ ngày một cấp thiết, dẫn tới cơ hội việc làm ngày càng rộng mở dành cho người lao động. Lấy ví dụ, theo ước tính, trong 3 năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng của Shopee tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã tăng 176%. Bình quân, mỗi ngày Shopee lại cần tuyển thêm 3 nhân sự mới.

Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp Logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về Logistics là trên 200.000 nhân lực. Chỉ riêng tại TP.HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực với ngành này cũng lên tới khoảng 15.000 người mỗi năm.

Mức thu nhập ấn tượng

Hiện nay nhân sự ngành Logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, với vị trí khởi đầu thường là nhân viên với mức lương khoảng 8 triệu đồng, và vị trí cao như giám đốc có thể có mức lương lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. 

Cụ thể, với vị trí quản lý/ trưởng phòng Logistics, mức lương có thể dao động từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Với vị trí Giám đốc Logistics, mức lương có thể đạt từ 80 – 130 triệu đồng. Và với vị trí Giám đốc chuỗi cung ứng, con số này có thể lên tới 110 -160 triệu đồng.

Có thể thấy, ngay mức lương khởi điểm của ngành đã tương đối ổn định so với mặt bằng chung các ngành nghề trong nước. Và chỉ cần phấn đấu lên vị trí giám sát hoặc cao hơn, mức thu nhập đã cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

photo-1

Cụ thể hóa, với ngành Logistics, người lao động bước đầu có thể làm việc cho các công ty dịch vụ Logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải, giao nhận… tại rất nhiều phòng ban phù hợp chuyên môn như dịch vụ khách hàng, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán, kinh doanh quốc tế, marketing, khai thác hay kế hoạch.

Sau một thời gian làm việc, nếu có năng lực, người lao động có thể được thăng chức lên vị trí quản lý, trưởng nhóm, trưởng bộ phận kinh doanh, khảo sát thị trường, lập kế hoạch…Thậm chí đây có thể là nền tảng để tự khởi nghiệp, thành lập và điều hành công ty riêng.

Vì thế, nhu cầu nhân sự ngành Logistics đang là rất lớn. Điều này thực sự mở ra cơ hội việc làm và mức thu nhập ổn định, thậm chí là cao với người lao động, nhất là các bạn trẻ mới ra trường khi quyết định gắn bó với lĩnh vực này.

Vậy học ngành Logistics ở đâu?

Trước cơ hội việc làm rộng mở, các bạn trẻ muốn theo học ngành Logistics có thể lựa chọn các trường ĐH có truyền thống đào tạo Logistics như:

Đại học Ngoại thương Hà Nội,

Đại học Hàng hải Việt Nam,

Đại học Thương mại,

Đại học Kinh tế quốc dân,

Đại học Giao thông vận tải.

Năm 2022, ĐH Thương mại lấy điểm chuẩn ngành này là 29 điểm, ĐH Kinh Tế Quốc Dân lấy 28,2, còn ĐH Hàng Hải cũng lấy điểm chuẩn lên tới 26.25. 

Với các nội dung kiến thức bổ ích được trang bị như kinh tế Logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị Logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán, …, người học sẽ có cho mình những hành trang tốt nhất để có thể tự tin khẳng định năng lực trong lĩnh vực đang rất nhiều tiềm năng phát triển này.

Lưu Ly

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›