Một ngày trên Đảo Yến - Hòn Nội

Thứ Tư, 21/05/2014 16:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nha Trang những ngày này bắt đầu bước vào mùa du lịch hè, luôn lộng gió và ngập tràn nắng vàng. Chúng tôi đến thăm quan Đảo Yến - Hòn Nội vào một sáng trời xanh không thể xanh hơn, hơi gió mặn mòi mùi biển và những tiếng kêu náo động cả thinh không của những chú Hải Âu khiến ai cũng phẫn khích.

Ôi xinh đẹp tổ quốc của tôi!

Biển Nha Trang những ngày này xanh ngắt một màu ngọc. Những tàu du lịch và tàu cá của ngư dân ngược xuôi trên mặt biển. Tiếng máy tàu giòn giã chốc chốc lại bị át đi bởi những tiếng ồ lên của du khách bởi cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng của những hòn đảo trên vịnh Nha Trang, và cả khi những con cá chuồn lao vọt lên mặt nước như những mũi tên bắn vào không trung lấp loáng nắng.

Sau hơn 40 phút ngược sóng xanh, ngược gió biển nồng, vượt gần 12 hải lý, chúng tôi cập tàu vào Hòn Sam và bước những bước đầu tiên tìm hiểu về những câu chuyện của nghề yến – cái nghề gắn với một món ẩm thực yến sào từng là huyền thoại nơi cung vua, phủ chúa xưa kia. Bước chân lên đảo, đón tiếp khách đầu tiên là những con Hải Âu dạn dĩ, kêu váng lên trong không trung khi có người lạ lên đảo.

Anh Nguyễn Ngọc Hải, phó Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Yến sào Khánh Hòa nói với chúng tôi: “Đối với những công nhân, những người bảo vệ Đảo Yến thì Hải Âu là một người bạn, một người bạn đặc biệt, góp phần bảo vệ sự an toàn của những tổ yến trên đảo. Bởi khi có người lạ lên đảo là Hải Âu kêu lên, chẳng biết là vô tình hay hữu ý, báo tin cho những người bảo vệ đảo”.


Đảo Yến Hòn Sam đẹp ngỡ ngàng trên nền biển xanh

Hòn Sam là một trong 32 đảo yến trên vịnh Nha Trang mà Công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị duy nhất được độc quyền khai thác. Trên Hòn Sam, ngoài những con Hải Âu ồn ào thì cũng dày đặc những con chim yến. Chúng tôi chui vào một khe hẹp, bước lên những bậc đá cheo leo, lởm chởm gạch đá, mỗi lượt chỉ được đi 4 người, không được hơn, vì có thể làm ảnh hưởng đến những con chim yến. Trong chút ánh sáng len lỏi vào hang, những chiếc tổ yến như những khối vàng trắng nằm chi chít, dày đặc, trắng xóa cả vách đá đen.

Đảo Hòn Sam toàn đá, rất ít đất nên hầu như ko trồng được cây gì lớn, nhưng anh em công nhân trên đảo vẫn cố gắng tạo nên một khung cảnh thân thiện, gần gũi như đất liền. Tôi lặng người trước giàn mướp xanh hoa vàng rực, với những khóm hoa tím lãng mạn… nhọc nhằn mọc trên khe đá. Những thứ cây lãng mạn rất đời ấy thực sự là một nét chấm phá mềm mại giữa một không gian cằn cỗi đá sỏi, mặn chát mùi biển.

Anh Nguyễn Văn Hùng, lực lượng tự vệ biển của Công ty Yến trong chốt canh chạy ào ra, đứng trên cao vẫy tay chào khách. Giữa trời canh cao lộng gió, những cánh chim yến bay chíu chit, bộ trang phục tự vệ biển của Hùng đẹp đến lạ. Ánh mắt anh không giấu được niềm vui, niềm vui rất đặc trưng của người không nhiều khi lên bờ. Lực lượng tự vệ biển của Công ty Yến sào Khánh Hòa cũng ngày đêm bám biển, ít khi về đất liền, phối hợp với các đơn vị bảo vệ yến cũng như vùng trời tổ quốc.


Những bông hoa trở nên rực rỡ và lãng mạn trước trạm gác của lực lượng tự vệ biển công ty

Họ được huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ an ninh tuyến biển đảo. Ngoài nhiệm vụ tham gia sản xuất, đã thường xuyên phố hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an thành phố Nha Trang, dân quân các phường, xã ven biển trong toàn tỉnh tuần tra, kiểm soát vùng biển đảo…

Đứng từ trên Hòn Sam, phóng tầm mắt qua Hòn Nội, hòn đảo có diện tích lớn nhất trong số những đảo Yến, có đền thờ Tổ nghề Yến và một bãi tắm cát trắng, san hô đẹp mê hồn. Cả đoàn di chuyển từ Hòn Sam sang Hòn Nội bằng thuyền đáy kính, loại thuyền được thiết kế có 1 phần đáy bằng kính để nhìn ngắm những rạn san hô rực rỡ sắc màu nơi đáy biển. Anh Hải nói với chúng tôi rằng, những rạn san hô ấy cũng mới phục hồi thôi, nhờ những nỗ lực của những người giữ đảo yến. Giờ đây tàu cập đảo không được thả neo, khuyến khích mọi người bắt cầu gai vì cầu gai là kẻ thù của những rạn san hô... Nhờ những nỗ lực ấy, chúng ta có quyền ước mơ về một thế giới thủy cung ngập tràn sắc màu san hô ven những đảo yến này sẽ được phục hồi nhanh chóng.

Những màu xanh hy vọng trên đảo

Hòn Nội lớn hơn Hòn Sam nhiều lần, trên đảo ngoài màu xám xịt của núi đá thì  đã có nhiều màu xanh cây cối. Màu xanh ấy được tạo ra từ chương trình “Trồng một triệu cây xanh trên các đảo vịnh Nha Trang” mà Công ty Yến sào Khánh Hòa phối hợp cùng các đoàn thể trong tỉnh thực hiện.

Hải đứng bên cạnh cây bàng quả vuông, một kỷ vật được các chiến sỹ Trường Sa tặng rồi kể: “Trồng cây trên những hòn đảo toàn đá sỏi này là một công việc cực kỳ khó khăn, gian khổ. Để có những khoảng đất nhiều màu xanh cây cối như thế này, anh em cán bộ, công nhân viên đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, sức lực. Cây bàng này phải đổi đến 3 chỗ trồng, đến khi được trồng gần đền thờ Tổ nghề yến thì mới xanh tươi được. Phải chăng là một sự sắp đặt hữu ý của tự nhiên…”.


Phó Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Ngọc Hải bên cây bàng vuông “huyền thoại”!

Hải có lối kể chuyện hài hước, khoáng đạt, đúng chất thủ lĩnh đoàn. Anh cho biết phong trào thanh niên của Công ty phát triển khá tốt, luôn là điểm sáng trong khối các doanh nghiệp trên địa bàn.

Rồi Hải dẫn chúng tôi bước qua bãi Tắm Đôi đẹp mê hồn với cát trắng, san hô rập rờn dưới làn nước xanh để đến nơi đặt đền thờ Tổ nghề yến. Bước qua những bậc thang đá, ngôi đền thiêng liêng của những người làm nghề yến hiện ra dưới tán cây xanh. Tấm bia ghi tên những hậu duệ ngày nay góp công sức, vật chất xây đền rất dài. Đã có dăm sáu đời lãnh đạo đã nghỉ hưu theo thứ tự trên xuống. Chứng tỏ tấm lòng của họ với tiền nhân, với ông Tổ là rất lớn.

Thắp một nén hương thành tâm cho Tổ nghề mình, những người trên Hòn Nội kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện nghề. Đấy là một bản  hùng ca vừa bi tráng vừa lãng mạn. Những đau thương mất mát đã lùi xa trong công cuộc bảo vệ, phát triển các đảo yến. Giờ đây, chuyện giữ đảo, giữ chim yến đã là của nhà nhà, người người xứ trầm hương chứ không bột phát và thiếu tổ chức như trước. Tôi được Thạc sỹ, TGĐ Công ty Yến sào Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng kể rằng trông thấy cảnh nhiều ngư dân nghèo khai thác yến vô  tội vạ khiến chim yến bay đi ông đã vận động và nhận nhiều người vào công ty, tạo công ăn việc làm t,ạo ra nhiều giá trị lớn cho công ty. Và, hay ở chỗ, trong số đó nhiều người rất tinh nhuệ do kinh nghiêm đầy mình, có “tay nghề” cao nhất và có ý thức không kém ai. Đấy là bài học “đắc nhân tâm”, tạo nên một khối thống nhất, sức mạnh cực lớn của một đơn vị hơn 5000 nhân sư! Chính ông Hoàng cùng cộng sự thời gian gần đây đã nghiên cứu nhiều đề tài nổi đình nổi đám mang lại giá trị thực tiễn cực lớn cho địa hạt yến sào Việt Nam.

*  *   *

Rời Hòn Nội- Đảo Yến  vào cuối ngày, khi hàng ngày con yến về tổ sau một ngày kiếm ăn, những con yến bay, chao lượn rợp cả 1 vùng trời. Chúng tôi bất chợt nghĩ về một khung cảnh đẹp huy hoàng mà những người trên đảo yến miêu tả. Khung cảnh về một sớm bình minh, nắng ban mai trải vàng trên mặt biển, hàng ngàn con yến bay lượn trong khung cảnh ngập tràn màu vàng, đẹp ngỡ ngàng ấy. Và chúng tôi cũng nghĩ về nghề yến, một nghề huyền thoại trong sử xưa, giờ đây đang được phát triển một cách khoa học và bền vững.

Thanh Hiếu

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›