Đang gây sốt sau hơn 3 tuần công chiếu, bom tấn Oppenheimer của Christopher Nolan đã phân tách những huyền thoại về J. Robert Oppenheimer để dựng nên câu chuyện về một thiên tài khó hiểu: Kiêu ngạo, xa cách, tự cao, bướng bỉnh.
Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là cha đẻ của bom nguyên tử được miêu tả là "kẻ lăng nhăng", với nhiều cảnh dường như chỉ rõ điều này. Nhưng sự thật ngoài đời có đúng như vậy?
"Lăng nhăng" là quá nặng nề
Bộ phim kể về câu chuyện đằng sau sự hình thành vũ khí hạt nhân - do Oppenheimer đứng đầu như một phần của dự án Manhattan - và phiên điều trần an ninh năm 1954 đã làm mất uy tín của Oppenheimer, khi đặt ra những câu hỏi về lòng trung thành của ông sau lùm xùm liên quan tới các mối quan hệ tình ái.
Nhưng J. Robert Oppenheimer có thật sự là kẻ lăng nhăng, đào hoa? Hay Nolan đã thêm chút mắm muối? Theo Monk, tác giả cuốn tiểu sử về Oppenheimer A Life Inside The Center (2012), "lăng nhăng" là từ quá nặng nề - dù thật sự có chuyện ngoại tình cũng như có những mối tình đơn phương.
"Ông ấy cực kỳ được lòng phụ nữ" - theo Monk - "Ông rất đẹp trai và quyến rũ… Từ hồi ký các thư ký của ông, rõ ràng là tất cả họ đều phải lòng ông. Mặc dù vậy, theo những gì tôi biết, ông không cố tình dụ dỗ họ".
Như đã thấy trong tiểu sử, cuộc đời Oppenheimer đặc biệt chịu ảnh hưởng từ 2 người phụ nữ: Bác sĩ tâm thần nhiều rắc rối Jean Tatlock và vợ ông - nhà thực vật học cũng nhiều rắc rối - Kitty (Emily Blunt đóng).
Oppenheimer gặp Jean Tatlock lần đầu vào năm 1936, trong một bữa tiệc gây quỹ của những người trung thành với đảng Cộng hòa thời Nội chiến Tây Ban Nha. Tatlock, con gái của một giáo sư Harvard, khi đó là một sinh viên y khoa 22 tuổi. "Một phụ nữ có tinh thần tự do với đầu óc mộng mơ, khao khát" -Bird và Sherwin viết - "cô luôn là người nổi bật nhất, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thấy là không thể quên được". Nhưng Tatlock cũng là thành viên đảng đối lập và vì lý do này, Oppenheimer đã bị lôi ra trong phiên điều trần về an ninh năm 1954.
Tuy vậy, Monk cho rằng miêu tả Tatlock cực đoan là cường điệu hóa. Chính các sinh viên của Oppenheimer ở Berkely - những người buộc phải chấp nhận công việc lương thấp sau Đại suy thoái - mới là người mở rộng tầm mắt của ông về chính trị. Trên thực tế, Tatlock không thật sự quan tâm tới ý thức hệ chính trị. Là một bác sĩ tâm thần được đào tạo chuyên sâu, cô quan tâm tới các lý thuyết phân tâm học của Freud nhiều hơn. Tất nhiên, không thể nói Tatlock không có ảnh hưởng chính trị gì tới Oppenheimer, chỉ là không quyết liệt như trong phim.
Ngoài ra, giữa họ còn có nhiều mối quan tâm khác. Họ có tình yêu chung rất lớn với thi ca, đặc biệt là John Donne (nhà thơ Anh, 1572 - 1631). Sau này, Oppenheimer đặt tên cho vụ thử bom nguyên tử đầu tiên là "Trinity", rõ ràng là lấy cảm hứng từ những câu thơ của Donne.
Trailer phim “Oppenheimer”
"Có thể nói, cô ấy là tình yêu lớn nhất cuộc đời ông" - theo Monk - "Ông bị cô ấy mê hoặc. Ông được cho là nhiều lần mang hoa tới nhà cô để tán tỉnh. Rõ ràng là cô không yêu ông nhiều như ông yêu cô". Tatlock có thể khá lạnh lùng và gây tổn thương, như Nolan miêu tả cảnh cô ném hoa của Oppenheimer đi và nhờ bạn chuyển lời: "Nói ông ta đi đi, nói rằng tôi không ở đây". Trong 3 năm bên nhau, Oppenheimer đã 2 lần cầu hôn Tatlock và đều bị từ chối.
Trong phim, Oppenheimer là người tạm ngưng mối quan hệ sau khi gặp vợ tương lai, Katherine "Kitty" Harrison. Ông nói với Kitty rằng Tatlock chỉ "thỉnh thoảng" yêu ông và điều đó là "không đủ". Sự lạnh lùng của Tatlock đã đẩy ông vào vòng tay Kitty. Trên thực tế, chính Tatlock là người chia tay Oppenheimer.
Ngoài đời, J. Robert Oppenheimer qua đời vì bệnh ung thư vòm họng năm 1967. Kitty sau đó sống với Bob Serber, một trong những người bạn luôn thích cô. Kitty ra đi vì tắc mạch vào năm 1972, thọ 62 tuổi.
Mất đi "tình yêu lớn trong đời"
Sau khi chia tay Tatlock, Oppenheimer hẹn hò với nhiều cô gái trẻ và "làm tan vỡ nhiều trái tim". Ông gặp Kitty vào tháng 8/1939, tại một bữa tiệc do nhà vật lý Charles Lauristen tổ chức. "Tôi đã phải lòng Oppenheimer ngay ngày hôm đó" - Kitty thừa nhận - "nhưng cố gắng che giấu điều đó".
Kitty xuất thân từ tầng lớp quý tộc Đức, theo ở phía mẹ. Họ có nhiều quan hệ với nhiều gia đình hoàng gia châu Âu, bao gồm cả- như cô nói - Nữ hoàng Victoria. Chuyển tới Pittsburgh (Mỹ) từ nhỏ, Kitty lớn lên trong nhung lụa. Khi còn trẻ, cô nổi loạn, phóng túng và bốc đồng.
Vào thời điểm gặp Oppenheimer, Kitty đã kết hôn với một bác sĩ lớn tuổi tên Richard Harrison. Cặp đôi không hạnh phúc và chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa. Oppenheimer và Kitty về cơ bản là công khai qua lại. Một năm sau, Oppenheimer gọi điện cho Harrison, thông báo Kitty có bầu và Harrison đã đồng ý ly dị trong thân thiện.
Tatlock và Kitty ngồi ở 2 phía ngược nhau trong phạm vi ảnh hưởng của cuộc đời Oppenheimer nhưng họ giống nhau khi đều là những tâm hồn rắc rối. Kitty - như đã thấy trong phim - là kẻ nghiện rượu và phải vật lộn để có thể kết nối với 2 con, Peter và Toni. Cặp đôi từng gửi bé Peter cho bạn trong 2 tháng và đề nghị đưa Toni đi làm con nuôi của bạn bè. Abraham Pais nói cuộc sống gia đình của Oppenheimer là "địa ngục trần gian".
"Đó là cuộc hôn nhân cay đắng và bất hạnh" - Monk nói - "Khi ông chuyển tới Princeton, nơi ông lãnh đạo Viện Nghiên cứu cao cấp, Kitty bị mọi người ghét bỏ vì cô quá khó tính. Buổi chiều tới, cô say xỉn. Khi say, cô không tử tế gì, cô hung hãn và hiếu chiến. Mọi người thường sợ đi vòng qua nhà Oppenheimer vì quan hệ giữa họ quá tệ".
Tình trạng càng tồi tệ hơn khi gia đình họ chuyển tới Los Alamos, New Mexico - vị trí căn cứ bí mật nơi họ thiết kế quả bom. Oppenheimer lúc nào cũng làm việc còn Kitty chán ghét việc nhà. Cô uống rượu, phàn nàn về chuyện bếp núc và giặt giũ.
Trong khoảng thời gian từ năm 1939 tới 1943, Oppenheimer gặp Tatlock khoảng 2 lần mỗi năm - đôi khi tại các hoạt động xã hội, đôi khi ông tới thăm bà. "Vẫn còn đó những cảm xúc sâu đậm mỗi khi chúng tôi gặp nhau" - Oppenheimer sau này nói. Những chuyến thăm này đều bị tình báo quân sự theo dõi. Oppenheimer biết nhưng vẫn tới thăm người cũ với lý do, có lẽ đúng như ông nói, là bởi họ vẫn yêu nhau.
Sau đó, Oppenheimer, như trong buổi họp ở San Francisco chiếu trên phim, đã quyết định chấm dứt hoàn toàn với Tatlock. Cô - khi đó là bác sĩ tâm lý cho trẻ nhỏ - rơi vào trầm cảm. Những phát ngôn của cô cũng khiến Oppenheimer mệt mỏi. Tháng 1/1944, cha Tatlock phát hiện ra cô chết đuối trong buồng tắm. "Tôi kinh tởm mọi thứ" - cô viết trong thư tuyệt mệnh - "Ít nhất, tôi có thể trút bỏ gánh nặng của một tâm hồn bị tê liệt bởi thế giới đầy tranh đấu". Khi đó, Tatlock mới 29 tuổi.
Cái chết của tình yêu lớn trong đời là vô cùng thảm khốc với Oppenheimer. Nó cũng là "cái đinh đóng thêm vào quan tài" trong mối quan hệ giữa ông với vợ. Nolan đã kịch tính hóa khoảnh khắc đó, khi Oppenheimer thú nhận với Kitty về đêm ông ở bên Tatlock. Kitty sau này sẽ xuất hiện trong phiên điều trần Oppenheimer, nói về những điều chồng mình không dám nghĩ. "Anh nghĩ rằng nếu để họ bôi nhọ thì thế giới sẽ tha thứ cho anh sao?" - cô hỏi - "Chắc chắn là không".
Điểm IMDb đạt 8,6
Bộ phim Oppenheimer chính thức công chiếu vào ngày 21/7/2023, nhận được đánh giá rất cao từ cả phía khán giả và phê bình với điểm IMDb là 8,6/10 còn điểm Rotten Tomatoes là 93%. Giống như các tác phẩm trước đây của mình, Christopher Nolan sử dụng nhiều hiệu ứng thực thay vì giả lập trên máy tính. Hiện, với doanh thu hơn 649 triệu USD (gấp nhiều lần chi phí 100 triệu USD), Oppenheimer là phim có doanh thu cao thứ 7 trong năm nay.
Tags